Nhảy việc cuối năm: Rủi ro của người lao động

Đầu năm là thời điểm vàng để người lao động bắt đầu một công việc mới ở một môi trường mới, thế nhưng không ít người vì áp lực mà buộc phải nhảy việc vào cuối năm, đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức.
nhay-viec-cuoi-nam-1-1728985483.jpg
Nhảy việc cuối năm: Rủi ro của người lao động. (Ảnh: Pinterest)

Bước qua tháng 10, cũng chính là bước qua quý cuối cùng trong năm 2024. Ở thời điểm này, hầu như mọi người đều cố gắng, nỗ lực để hoàn thành xuất sắc công việc,  hướng đến những khoảng thưởng tết đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, bên cạnh những người có công việc ổn định, vẫn có một số lượng lớn nguồn nhân lực đang tích cực tìm kiếm việc làm. Trong số đó, phần lớn chính là lực lượng sinh viên mới ra trường, kèm theo số ít là bộ phận người lao động vì những lí do cá nhân đành phải kết thúc công việc ở công ty cũ. Vậy câu hỏi đặt ra, nhảy việc ở thời điểm này có nên hay không, và những rủi ro phải đối mặt khi tìm kiếm công việc mới là gì?

Thời điểm vàng để xin việc luôn là dịp đầu năm, sau khi nghỉ Tết. Ở thời điểm này, nhân viên đã nhận được khoản lương thưởng, thù lao tương xứng với “chất xám” mình bỏ ra. Vì thế khi đưa ra quyết định nghỉ việc cuối năm, bạn phải chấp nhận bỏ đi những khoản tiền thưởng lẽ ra thuộc về mình. Bên cạnh đó, nếu may mắn tìm được công việc mới, thì bạn phải đối mặt với hai tháng thử việc, dẫn đến việc đón tết với con số thưởng gần như bằng không. 

Với những người thất nghiệp trong thời gian dài, họ luôn mong muốn nhanh chóng tìm được công việc để ổn định kinh tế cũng như gắn bó dài lâu. Bên cạnh những trang web tuyển dụng uy tín, người lao động thường ứng tuyển dựa trên thông tin được đăng trên các nền tảng xã hội như facebook, tiktok,…  Những thông tin tuyển dụng trên đây thường không được kiểm soát chặt chẽ, khiến người quan tâm dễ bị sập bẫy của những hội nhóm lừa đảo. 

nhay-viec-cuoi-nam-2-1728985663.jpg
Người lao động cần cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo khi tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội. (Ảnh: Pinterest)

Chị H.P.V, 25 tuổi, ở Gò Vấp chia sẻ với chúng tôi rằng, khi đọc được thông tin tuyển dụng chức vụ nhân viên hành chính của một công ty với mô tả công việc và mức thu nhập phù hợp với bản thân, chị đã liên hệ để ứng tuyển. Sau đấy, chị được một người hướng dẫn vào một group chat trên telegram với yêu cầu làm khảo sát cùng các bạn ứng viên khác. Theo một anh đứng đầu group chat tự xưng là nhân viên thuộc bộ phận marketing tên N chia sẻ, quy trình khảo sát gồm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất tải các ứng dụng tiện ích của phía công ty đối tác nhưng một trong bốn ứng dụng cần tải có một ứng dụng sổ xố online. Sau giai đoạn này các ứng viên sẽ nhận được một khoản bồi dưỡng mang danh hỗ trợ trị giá 150.000 nghìn đồng với hình thức chuyển khoản.

Tiếp đến là giai đoạn thứ hai nhằm có thể “hiểu sâu” hơn về các lĩnh vực của công ty, anh nhân viên marketing tên N yêu cầu các ứng viên đăng nhập và trải nghiệm “dùng thử” các ứng dụng tiện ích vừa tải và đây cũng là điều kiện bắt buộc để ứng viên có thể được nhận vào làm việc tại đây. Khi nhận thấy chị V đang có biểu hiện nghi ngờ khi liên tục đặt câu hỏi thắc mắc trong group chat, có một tài khoản “seeding” tên L tự xưng là ứng viên chung group chat bắt đầu nhắn tin riêng, trò chuyện nhằm tạo lòng tin ở phía chị V. Theo “ứng viên mới” này chia sẻ đã trải nghiệm ứng dụng của công ty, đặc biệt ở ứng dụng sổ xố online khi nạp vào đấy 100.000 nghìn đồng sẽ được app hoàn trả lập tức 325.000 nghìn đồng. Sau đấy là liên tục những lời mời gọi chứng minh bằng ảnh chụp màn hình nội dung chuyển khoản hấp dẫn theo chị L chia sẻ rằng đã nhận được lợi nhuận từ app sổ xố trên lên đến con số 16 triệu 550 nghìn đồng.

May mắn thay, chị V đã tìm hiểu và kịp thời dừng lại vì phát hiện đây có lẽ là hình thức tuyển dụng mập mờ, không đáng tin.

Một trường hợp khác, chị N.Q.T.N, 30 tuổi, ở Bình Tân chia sẻ, chị rất cẩn thận khi tìm hiểu xin việc. Sau khi đọc được bài đăng tuyển của một tập đoàn lớn trên ứng dụng Facebook, chị đã điền những thông tin cơ bản theo yêu cầu. Ngày hôm sau, có một người phụ nữ tự nhận là nhân viên của tập đoàn chị N đã ứng tuyển, yêu cầu chị N phải tải các ứng dụng về điện thoại để có thể nhận được thông báo phỏng vấn. Vì đã đọc qua những chia sẻ về vấn nạn lừa đảo tuyển dụng, chị N đã không thực hiện theo hướng dẫn. Từ đây thấy được, những tổ chức lừa đảo đã lập ra những trang cá nhân với thông tin gần như giống hoàn toàn các doanh nghiệp lớn trên thị trường để lừa đảo những người lao động thiếu hiểu biết.

Biết rằng, càng về cuối năm, áp lực công việc càng nhiều, người lao động phải tăng tốc để đạt được những chỉ tiêu đề ra. Điều này sẽ dễ dàng tác động vào tâm lý, khiến chúng ta mệt mỏi, chán nản, muốn tìm đến những công việc mới nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cái mới cũng là cái tốt, vì thế nếu vẫn còn trong khả năng, tất cả chúng ta hãy cố gắng vượt qua, chờ đến thời điểm thích hợp để tìm công việc mới phù hợp hơn với bản thân mình.

Minh Hảo