Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Nói đến Lê Kích, tôi nhớ nhất là 436”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói như thế khi nghĩ về Đại tá Lê Kích – Trung đoàn phó Trung đoàn 101 người trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 436 thuộc Sư đoàn 325, đơn vị thọc sâu chiến lược của Bộ trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 trên chiến trường Lào – một trong những mũi tiến công quan trọng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Mùa xuân năm 2001, trong một lần trả lời phỏng vấn của đoàn làm phim chúng tôi tại Văn phòng T78 Thành phố Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhắc đến Lê Kích với một tình cảm đặc biệt: “Tôi nhớ Lê Kích luôn, nhưng không biết ở đâu. Gặp Lê Kích trí tuệ vẫn còn minh mẫn, nói năng rõ ràng. Nói đến Lê Kích, tôi nhớ nhất là 436. Lúc đó, vấn đề này có liên quan đến phân tán lực lượng của Na Va tập trung 40 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ; một trong hai hướng quan trọng là Trung Lào và Hạ Lào. Trung Lào đã có Trần Sâm, Hạ Lào thì có Lê Kích. Tôi gặp Lê Kích và bảo anh phải nắm chắc một tiểu đoàn, có máy liên lạc; nhưng không được phát sóng. Tôi chọn một tiểu đoàn; tôi trực tiếp kiểm tra đến từng đại đội, trung đội, tiểu đội, chiến sĩ. Tất cả là những người kiên quyết và chọn Lê Kích làm chỉ huy. Anh là người biết xung trận lúc nào là thắng lợi nhất. Và tôi nói rằng hướng này địch hoàn toàn bất ngờ. Ta có thể thắng lợi được, trong điều kiện địch bị hoàn toàn bất ngờ. Ta đánh địch trong thế địch không chuẩn bị. Đến lúc tôi nhận được điện của Lê Kích là đơn vị đã đánh và giải phóng Mường Mày, một tỉnh lỵ lớn của Nam Lào. Tôi  dự định đúng, địch hoàn toàn bất ngờ, ta có thể giành thắng lợi lớn. Bản thân tôi cũng chưa nghĩ rằng giải phóng được hoàn toàn Mường Mày và các tỉnh lỵ nhanh như thế!. Vì vậy tôi nhớ mãi Lê Kích cái điểm đó.”

Giải phóng Át-tô-pơ, Bô-lô-ven, Xa-ra-van ở Hạ Lào

Ngày 16 tháng 11 năm 1953, Lê Kích đến Tổng cục chính trị nhận nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Chánh, Tư lệnh kiêm Chính uỷ Liên khu 5 chuyển cho Lê Kích bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gởi Ban Cán sự Hạ Lào và đồng chí Nguyễn Chính Cầu; bức thư gởi Trung đoàn 101 và riêng cho Tiểu đoàn 436 của đồng chí Lê Kích. 

Từ đầu tháng 1 năm 1954, Trung đoàn 101, Tiểu đoàn 436 và Trung đoàn 66 thuộc Đại đoàn 304 tiến công Trung Lào, giải phóng thị xã Thà Khẹt và phần lớn tỉnh Xa-va-na-khẹt dọc phía Đông trục quốc lộ 13. Ở Bắc Tây Nguyên, các đơn vị chủ lực của Liên khu 5 hành quân và tiếp cận các vị trí phía Đông Bắc Kon Tum như Mang Đen, Măng Pút, Kom Brai.

Sau hơn một tháng hành quân, Tiểu đoàn 436 thuộc Trung đoàn 101, Đại đoàn 325 xuất phát từ xã Nam Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An đã đến căn cứ địa Miền Đông của Lào (Tà-ven Oọc) giữa hạ tuần tháng 1 năm 1954. Tại Huội Khâm-xay, cách bản Hạt-xa-ty 20 km, Ban cán sự Lào, Bộ Chỉ huy quân tình nguyện dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Chính Cầu đã mở hội nghị quân sự, có cụ Xi-thôn Côm-ma-đam, khu trưởng, tham dự. Hội nghị nghiên cứu quán triệt tinh thần nội dung bức thư của đồng chí Võ Nguyên Giáp và nghe đồng chí Võ Quang Hồ, Tham mưu trưởng, báo cáo kế hoạch tác chiến. Lực lượng tại chỗ rất thông thạo địa hình, địch tình, còn Tiểu đoàn 436 thì xa lạ với chiến trường.

Tiểu đoàn 436 từ xa đến, khẩn trương làm công tác tổ chức chiến đấu. Đến 4 giờ rưỡi sáng ngày 3 tháng 2 năm 1954, vị trí Pui bị tiêu diệt; lực lượng đặc công của ta và bạn cùng lúc tấn công trung tâm thị xã. Địch tháo chạy, ta truy kích tận chân núi Phu Luổng (cao nguyên Bô-lô-ven) và đã tiêu diệt phần lớn lực lượng địch. Toàn bộ hệ thống chiếm đóng của địch trên trục đường 16 dọc sông Sê Kông tháo chạy. Lực lượng Liên khu 5 sau khi tiến vào Đắc Tô, Kon Tum đã truy kích địch tận Mường Cầu, Hạ Lào. Toàn bộ tỉnh Át-tô-pơ đã được giải phóng vào ngày 3 tháng 2 năm 1954.

Chiến thắng Át-tô-pơ, Bắc Tây Nguyên, Trung Lào lan truyền rất nhanh, cổ vũ khí thế quân dân Hạ Lào, gây hoang mang lớn cho địch. Thừa thắng, Tiểu đoàn 436 truy kích địch lên tận cao nguyên Bô-lô-ven, đập tan các vị trí Chăm-pi, Hởn-lập phía Nam Pắc Xoòng, bao vây đập tan vị trí Huội Còn, chỗ dựa của lực lượng phỉ Nha - hớn, tiền đồn của Pắc Xoòng. Một lực lượng chính trị quân sự của bạn Lào từ hướng Tam-ma-lơi, Lạ-nhao (phía Tây thị xã Át-tô-pơ) tiến vào thu phục khu phỉ  Nha - hớn. Hệ  thống  cứ điểm địch từ  Pắc Xoòng đến Tha-teng, bản Phồn đều bị vỡ, quân địch tháo chạy. Tiểu đoàn 436 và bộ đội Pa - thét Lào tiếp tục tiến vào Lào Ngam, Xẻng Vang, Kèng-kịa, thọc sâu đến tả hữu ngạn sông Sê-đôn (Bắc Lào Ngam 50 ki-lô-mét), bao vây thị xã Xa-ra-van. Một vùng rộng lớn tỉnh Xa-ra-van từ phía Đông đường 13  đến  phía  Tây Trường Sơn không còn bóng địch.

Trung đoàn 101, tiểu đoàn 436 và một tiểu đoàn của Trung đoàn 66, Đại đoàn 304, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Trung Lào, đầu tháng 3 năm 1954 đã tiến xuống Hạ Lào. Một tiểu đoàn của Trung đoàn 66 do đồng chí Mai Hiền và trung tá Văn chỉ huy hoạt động ở tả hữu ngạn sông Sê-đôn đến Bắc Pắc-xế, một tiểu đoàn của Trung đoàn 101 hoạt động vùng Chăm-pát-xắc phối hợp với bạn Lào.

Sau gần hai tháng, ta đã giải phóng hầu hết Chăm-pát-xắc, từ huyện Phôn - thông (đường số 10) Pắc-xế giáp Thái Lan đến huyện Xu-ku-ma, huyện Mường Mun, huyện Mường Khốn, giáp tỉnh Xiêm Riệp của Cam-pu-chia. Vùng giải phóng Chăm-pát-xắc còn mở rộng đến biên giới Thái Lan. Một tiểu đoàn của Trung đoàn 101 theo trục đường 13, từ phía nam Pắc-xế tiến sâu đến phía bắc Stung-treng.

Ban chỉ huy Trung đoàn 101, do đồng chí Trần Văn Bành làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Hoàng Văn Thái làm Chính ủy và một phần lực lượng cơ quan trở thành cơ quan chỉ huy, giúp đồng chí Trần Quý Hai điều hành chung về hoạt động quân sự. Đồng chí Trần Quý Hai được bổ sung vào thường vụ Ban Cán sự Đảng bộ Hạ Lào đặc trách về mặt quân sự.

le-kich-tang-hoa-cho-dai-tuong-vo-nguyen-giap-22001-tai-t-78-1661417308.jpg
Đại tá Lê Kích (bên phải) tặng hoa Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào dịp sinh nhật đại tướng

Trong một bức thư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:

"Trong trường hợp ý kiến chung trong lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng không nhất trí được với nhau thì đồng chí Trần Quý Hai trên cương vị đại diện của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu quyết định về mặt quân sự và chịu trách nhiệm trực tiếp với Bộ".

Chỉ thị trên đã chỉ đạo cho Hạ Lào vận dụng đúng đắn phương châm chiến dịch và chỉ đạo tác chiến, phù hợp với yêu cầu chiến lược của cuộc tiến công Đông Xuân 1953-1954. Thắng lợi trên các chiến trường từ Bắc đến Nam mà trực tiếp là Trung Lào, Bắc Tây Nguyên, đã tạo nhiều thuận lợi cho Hạ Lào hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Và chiến thắng của quân dân Hạ Lào có ảnh hưởng trực tiếp đến chiến trường Đông Bắc Cam-pu-chia gồm bốn tỉnh: Stung-treng, Kra-chiê, Rát-ta-na-ki-ri và Môn-đun-ki-ri, có biên giới chung với tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk của Việt Nam.

Tiểu đoàn 436 được lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, bỏ việc bao vây chuẩn bị tiêu diệt địch ở Xa-ra-van, cấp tốc tiến xuống Đông Bắc Cam-pu-chia, có nhiệm vụ đánh vòng về Tây Ninh, Nam Bộ. Một tiểu đoàn của Trung đoàn 101 vượt sông Mê Kông tiến sang Chăm-pát-xắc, phối hợp cùng lực lượng tại chỗ giải phóng Chăm-pát-xắc, bắt sống tên phó vương Phu-mi Bun-ùm và tiến về tây bắc Cam-pu-chia (Công Pông Thơm). Tiểu đoàn còn lại do đồng chí Trần Văn Bành, trung đoàn trưởng Trung đoàn 101, trực tiếp chỉ huy dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Quý Hai, tư lệnh Đại đoàn 325 tiến về Siam Pang, bắc đông bắc tỉnh lỵ Stung-treng.

Ngày 31 tháng 4 năm 1954, sau hơn mười ngày hành quân, được sự  giúp đỡ của bạn Lào, đơn vị tiếp cận tiền đồn Vơn Xai, thực hành bao vây và tổ chức tiến công. Tiểu đoàn 436 tổ chức tập kích tiêu diệt phần lớn đại đội Âu Phi và một trung đội xe bọc thép, tiêu diệt hai vị trí chiếm đóng; phục kích đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn cơ động thiện chiến của GM 51, truy kích đến tận Siam Pang, giải phóng hoàn toàn Vơn Xai, thu nhiều vũ khí, trang bị, 41 xe cơ giới, phá hủy bốn xe bọc thép, bắt một số tù binh quân cơ động Âu Phi. Các cứ điểm địch ở Lom Pát, Bô Khâm, Bô Keo, Sê-rê-pốc tháo chạy. Đường 19 từ biên giới Việt Nam đến cầu sông Sê-rê-pốc ( gần thị xã Stung-treng) không còn địch.

Sau chiến thắng ở Vơn Xai, tiểu đoàn 436 phát huy chiến thắng thọc sâu xuống hướng Kra-chiê; phục kích tiêu diệt gọn một đoàn xe tiếp viện GM 51 gồm: 1 đại đội hạ sĩ quan, sĩ quan của Pháp vừa tốt nghiệp trường võ bị Xanh-xia (Saint Cyr) sang bổ sung cho GM 51; bắt sống 45 tên, diệt gần hết một đại đội ngụy Cam-pu-chia hộ tống; thu toàn bộ vũ khí, trang bị, lương thực; phá hủy trên 40 xe các loại, có bốn xe bọc thép…

Sau trận này, đơn vị nhận lệnh tiến quân về Mỏ Vẹt, Tây Ninh. Sau nhiều ngày hành quân, đơn vị đến vùng Xê-rê-chi trên đường 13 cách Kra-chiê 20 ki-lô-mét về phía Đông.

Để ngăn chặn quân ta tiến về Snôul, địch đã đưa một lực lượng khá đông gồm bộ binh, 1 đại đội pháo 105 ly, đại đội cối 106,7 ly, hai trung đội xe bọc thép, đánh phá quyết liệt vào khu vực dừng chân. Một vài trận đụng độ đã xảy ra tại Sa-la-va-du cách thị xã Kra-chiê 15 ki-lô-mét về phía đông theo quốc lộ 13. Vào thời gian này, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch đã bị tiêu diệt. Tiểu đoàn 436 nhận được lệnh chuyển quân về Hạ Lào. Phối hợp với bạn Lào, chỉ trong một thời gian ngắn, đơn vị đã nhanh chóng giải quyết khu vực phỉ Nai Koong Tanh (ở vùng La-ve).

Quân dân Hạ Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia cùng quân tình nguyện Việt Nam đã giành thắng lợi có ý nghĩa lịch sử đối với cuộc cách mạng của nhân dân khu vực này.

Ở miền Đông Cam-pu-chia, quân tình nguyện Việt Nam và bạn Cam-pu-chia giải phóng phần lớn tỉnh Công-pông Chàm. Vùng giải phóng Đông Cam-Pu-Chia và Đông Bắc, Tây Bắc Cam-Pu-Chia đã được nối liền, liên hoàn với vùng giải phóng Hạ Lào, Trung-Lào. Con đường chiến lược Bắc Nam Đông Dương đã được đánh thông.

Thắng lợi được tạo nên do đường lối quốc tế đúng đắn của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch: "giúp bạn là mình tự giúp mình", "lấy dân làm gốc", do sự chỉ đạo chiến lược, chiến dịch sáng suốt của cấp trên, do quyết tâm cao trong chấp hành nhiệm vụ của mỗi địa phương, mỗi đơn vị; khắc phục khó khăn, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ bất ngờ đánh thắng kẻ địch.

Trong hồi ức "Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử", Đại tướng Võ Nguyên  Giáp  đã dành những trang viết đề cập đến tiểu đoàn 436, Trung đoàn 101 do đồng chí Lê Kích chỉ huy. Đại tướng viết:

"Tại Trung Lào, các Trung đoàn 66 và Trung đoàn 101  cùng Trung đoàn 18 tiếp tục hoạt động giam chân quân cơ động địch ở Xênô, cùng với quân giải phóng Ít - xa - la Lào đánh Cham-pát-xắc tiêu diệt, làm tan rã quân địch ở đây, bắt sống phó vương Bun Ùm ở Đôn-ta-lạt. Tại Cam-pu-chia, Trung đoàn 101 tiến sâu vào Tây Bắc Cam-pu-chia, vượt sông Mê Kông… Cuối tháng tư, một vùng rộng lớn đông nam tỉnh Prét-vi-hia và tây bắc tỉnh Công-phông Thom được giải phóng. Tiểu đoàn 436 của Trung đoàn 101 thọc sâu vào tỉnh Kra-chiê bắt liên lạc với Nam Bộ. Hướng về Điện Biên Phủ, tất cả các chiến trường trên toàn Đông Dương không ngừng hoạt động suốt Đông Xuân 1953-1954 để tạo điều kiện cho chiến trường chính giành thắng lợi cuối cùng.”

Tiểu đoàn 436 là một đơn vị cấp chiến thuật, khi làm nhiệm vụ thọc  sâu, do hiệu suất chiến đấu rất cao nên cùng quân dân Hạ Lào thực hiện thắng lợi đòn chiến lược thứ 3 trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954 và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng 4 tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia trong điều kiện xa hậu phương, không biết địa hình, địch tình, không có tiếp tế. Đây là vấn đề rất cần được nghiên cứu về nghệ thuật tác chiến và hành động của người chỉ huy sau này.

Trận đánh quan trọng cho chiến thắng Điện Biên Phủ                              

Trong hồi ức “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều đoạn nhắc đến Lê Kích -  người mà Đại tướng rất tin cậy khi trực tiếp giao những nhiệm vụ quan trọng: “ ... Tôi cùng với anh Hoàng Văn Thái làm việc với các đồng chí Trần Sâm, Đại đoàn trưởng 304, Trần Quý Hai, Đại đoàn trưởng 325, cụ thể hóa nhiệm vụ và hoạt động trên chiến trường Trung, Hạ Lào. Ở hướng này chưa diễn ra hoạt động quân sự lớn, nên kẻ địch sơ hở và chủ quan. Bộ đội ta và Quân Giải phóng Pa-thét Lào tiến công có thể tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng trên đất bạn. Và đây cũng là một hướng nhiều khả năng thu hút quân cơ động của địch. Tôi trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Kích phụ trách đơn vị thọc sâu xuống Hạ Lào, nhấn mạnh phải tuyệt đối giữ bí mật trong hành quân để tạo bất ngờ lớn.(1)

dai-ta-le-kich1-1661418456.jpg
Đại tá Lê Kích người học trò xuất sắc của đại tướng Võ Nguyên Giáp

... Từ cuối tháng 11 năm 1953, cùng với cuộc tiến quân lên Tây Bắc, một cánh quân khác của ta cũng lên đường tiến xuống Trung, Hạ Lào. Tham gia tiến công địch hướng này có Trung đoàn 66 của 304, các Trung đoàn 101, 436 và Trung đoàn 18 của 325, cùng với các đơn vị tình nguyện của Liên khu 4, Liên khu 5, đã sang phối hợp với bạn hoạt động từ những năm trước, và một số đơn vị Pa-thét Lào. Bộ chỉ huy chiến dịch Trung Lào, lấy mật danh là "Mặt Trận D" được thành lập. … Tiểu đoàn 436 thuộc Trung đoàn 101 theo đường xuyên Trường Sơn tiến thẳng xuống Hạ Lào.

Trong kế hoạch chiến lược của mình, Na-va đã xác định vĩ tuyến 18 là tuyến ngăn chặn hai miền Nam, Bắc Đông Dương. Các khu vực đường số 12, đường số 9, đường số 8 và cao nguyên Bô-lô-ven ở Trung, Hạ Lào được coi là những địa bàn đặc biệt quan trọng về chiến lược. Nếu để mất những địa bàn này Đông Dương có thể bị cắt làm đôi. Trước khi vào mùa khô, Na-va đã tổ chức tại Trung Lào một bộ máy chỉ huy thống nhất, và tăng thêm lực lượng cho chiến trường này.(2)
 Ngay từ cuối tháng 11 năm 1953, địch đã phát hiện một lực lượng lớn bộ đội ta đang tiến về hướng Trung Lào. Ngày 1 tháng 12, Nava vội vã rút binh đoàn cơ động số 20 (GM20) từ đồng bằng Bắc Bộ vào bịt các cửa ngõ hai tỉnh Khăm Muộn và Xavanakhét, chủ yếu là ba con đường : số 8, số 9 và số 12, nối liền Việt Nam với Trung Lào. Địch phân tán binh lực là điều đáng mừng cho ta. Tuy nhiên, địch sớm đề phòng sẽ gây những khó khăn cho ta khi khởi đầu chiến dịch. Quyết mở một mặt trận ở Trung, Hạ Lào trong Đông Xuân này, chúng ta đã chọn đúng khu vực xung yếu mà địch không thể bỏ.(3)

... Tại Trung Lào, những cánh quân và hàng vạn dân công của ta đã không lọt qua mắt địch. Tướng Buốc-gun (Bourgound), tư lệnh mới miền Trung Đông Dương, bố trí 3 cụm phòng thủ nhằm bịt các cửa ngõ phía đông. Một cụm ở khu vực Na-pé, Căm Cớt, Lạc Sao trên đường số 8, gồm tiểu đoàn Ta-bo số 9 và một đại đội pháo 105. Một cụm ở Ba-na-phào, Nhom-ma-rát trên đường số 12, gồm hai tiểu đoàn bộ binh Ma-rốc, một tiểu đoàn bộ binh (An-giê-ri) và một tiểu đoàn pháo 105mm. Một cụm ổ Nậm Theun, có tiểu đoàn bộ binh cơ giới Xpa-hi (Spahis) số 6 làm lực lượng dự bị.

Bộ chỉ huy liên quân Lào - Việt đề ra trong kế hoạch đợt 1, tiến công cụm cứ điểm phòng ngự theo chốt trên đường số 12. Lực lượng sử dụng là hai trung đoàn. Ta sẽ dùng chiến thuật  đánh điểm diệt viện. Trung  đoàn  66 đánh cứ điểm Mụ Giạ, Ba-na-phào. Trung đoàn 101 phục kích đánh viện trên đường số 12 đánh về Nho-ma-rát giải phóng phía đông tỉnh Khăm Muộn. Ở hướng thứ yếu của chiến dịch, một tiểu đoàn của  Trung đoàn 101 và bộ đội bạn đánh Na-pé, Lạc Sao, Căm Cớt. Sau đó phát triển theo trục đường số 8, đánh xuống đường 12. Cùng lúc tiểu đoàn 436 của trung đoàn 101, mũi thọc sâu của Bộ trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954, đánh xuống Hạ Lào, tạo bàn đạp cho lực lượng lớn của ta phát triển xuống phía nam"(4).

Ngày 7 tháng 5 năm 1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của giặc Pháp bị tiêu diệt. Thời điểm này tiểu đoàn 436 do Lê Kích lãnh đạo trên đường tiến quân đi Tây Ninh ở Nam Bộ.

Tiểu đoàn 436, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325  đã góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.  Qua những thành tích đạt được trong nhiệm vụ quốc tế giúp bạn từ  cuối năm 1953 đến đầu năm 1954, trung đoàn được vinh dự nhận một trong ba lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" mà Hồ Chủ Tịch dành thưởng cho ba trung đoàn có thành tích xuất sắc của toàn quân trong chiến dịch đông xuân 1953 - 1954".

Câu chuyện đã hơn 13 năm, nhưng tôi vẫn nhớ như in lời nói của đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Nói đến Lê Kích, tôi nhớ nhất là 436”.

Trần Ngọc Trác