Có thể là khiên cưỡng, nhưng tôi lại cứ mong muốn đi tìm một dấu nối, một mối liên hệ giữa ba chân dung vĩ đại ấy trong lịch sử và lịch sử văn hoá, lịch sử văn học dân tộc Việt Nam. Quả không khó trong việc đi tìm sự tương liên, nhất trí giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm: niềm khắc khoải của nhà nho trước nghĩa quân thân.
Với Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Ân chúa đã nhiều chưa báo
Lòng còn canh cánh ắt khôn nài.
Có khác gì với Nguyễn Trãi:
Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng.
Nhưng đứng ở tột đỉnh quang vinh, đỗ Trạng ở tuổi bốn mươi sáu, nhận Đông Các hiệu thư, rồi Tả thị lang Bộ Hình, kiêm Đông Các đại học sĩ, chỉ bảy năm sau, ở tuổi năm mươi ba, sau khi dâng sớ xin chém 18 kẻ lộng thần, Nguyễn Bỉnh Khiêm cáo quan, lui về vườn, sống suốt bốn mươi năm còn lại với Bạch Vân am và quán Trung Tân, để làm người thầy và ẩn sĩ - Bạch Vân cư sĩ.
Nhà ẩn sĩ giữa một thế kỷ đầy những biến động dữ dội: nhà Mạc tiếm ngôi Lê, rồi Lê - Mạc với Trịnh - Nguyễn phân tranh. Rồi cơ đồ nhà Mạc tiêu vong. Người phò triều Mạc, là nguy triều trong quan niệm chính thống suốt nhiều thế kỷ mà vẫn không bị dư luận chê trách, mà vẫn là “chân nho”; người đã lui về vườn nhưng vẫn tham dự chính sự; người là thầy mà bất cứ phe phái nào cũng phải hàm ơn; người đứng ở đỉnh cao tri thức đương thời không chỉ đối với dân mà ngay cả đối với các thế hệ vua quan lúc ấy. Nguyễn Bỉnh Khiêm quả đã có một tư thế vượt cao lên mọi tầm vóc, mọi kích thước, để thành người thầy của thế kỷ.
Người thầy nhưng là ẩn sĩ, tức là sự từ bỏ mọi tham vọng về công danh, phú quý. Không phải vì bất mãn, hoặc vì những bực giận cá nhân hoặc đẳng cấp mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từ bỏ những đỉnh cao của danh vọng mà về; và sau khi về, vẫn không nguôi những khắc khoải. Nhưng sự khắc khoải ở ông dường như không phải vì một triều đại, mà vì thời đại; trùm lên nhiều triều đại.
Đạo nọ nghĩa này trăm tiếng bướm
Nghe thôi thinh thỉnh lại đồng tiền.
Dễ hiểu từ đó mà có thái độ xuất thế của nhà nho:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao.
Về làng, về quán và am, trong tâm thế ấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm hoàn toàn không trong tư thế của người thất bại hoặc thụ động. Ông tự tạo cho mình hạnh phúc và niềm vui trong một quan niệm ung dung tự tại, rất mực tự tại, được tạo nên bởi sự giao hoà giữa ba nguồn ảnh hưởng Nho, Phật, Lão. Đó là quan niệm Nhàn, đi tìm sự thăng bằng và thanh nhàn trong cảnh sống đạm bạc, trong quan hệ với thiên nhiên, với tạo vật:
Đêm, đợi trăng cài bóng trúc
Ngày, chờ gió thổi tin hoa.
...
Sách có ba pho rồi lại đọc
Cơm vàng hai bữa đói thì ăn.
Cái hình ảnh một tiên ông, một “tiên trung địa” quả không chỉ là một bóng dáng thấp thoáng, hay nói cách khác, thấp thoáng mà rất sống động, trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ một lần:
Sáng đến vườn rau mây dính dép
Đêm ra xóm lưới nguyệt đầy thuyền.
...
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Vậy là thế kỷ XVI, nền văn hoá dân tộc ta có một danh nhân giữa bao biến động dữ dội của thời cuộc vẫn tìm được sự yên tĩnh: độc lập với các vương triều để sống gần với dân, với thiên nhiên, với tạo vật, với đời thường. Tâm thế và hành trạng lánh hoặc quay lưng với các thông lệ đó mà vị trạng nguyên, đó quả là khác với mọi thông lệ; nhưng chính nhờ vào việc xa ông quan hưu nhất phẩm triều đình đã có thể đào xới được vào nhiều tầng sâu các khu vực tri thức, để thành người thầy, không phải người thầy bình thường của văn chương cử tử: mà là người thầy của những tri thức thực tiễn và đạo làm người; để thành phu tử, Tuyết Giang phu tử, theo sự tôn vinh của các môn sinh.
Vậy là thế kỷ XVI, nền văn hoá Việt Nam xuất hiện một nhân cách đa diện, đúng theo nghĩa một nhà văn hoá, với tầm câu về tri thức, với kinh nghiệm sống rất mực dồi dào, với những lời dạy tin cậy về đạo xuất xử, với những tiên đoán và dự báo mang hiệu ứng cụ thể, được khu biệt riêng thành sấm Trạng Trình, và với thơ ca Hán và Nôm, đặc biệt là thơ Nôm. Thơ Nôm, quốc âm, thơ tiếng Việt, từ cuối Trần, rồi Lê sơ, phải qua Nguyễn Bỉnh Khiêm như một nhịp cầu vững chắc, mới đến được Nguyễn Du, đỉnh cao tuyệt vời của nền thơ tiếng Việt.
Nhà nho và ẩn sĩ. Người nhàn mà không ngơi nghỉ về trí tuệ. Xuất thế mà không ngừng sự xử thế. Triết luận và tiên tri. Bấy nhiêu hô ứng và tương phản đó có lẽ vẫn chưa đủ để bao quát, để nói về Nguyễn Bỉnh Khiêm, con người của cả một thế kỷ, con người vẫn vời vợi trong không gian và trong khoảng cách với chúng ta hôm nay tròn nửa thiên niên kỷ.
Viết năm 1991