Nhà khoa học với công nghệ Việt bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm

Sau 2 năm đưa vào sử dụng, công nghệ và giải pháp kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm đã chứng minh hiệu quả thực tế. Công trình vừa được trao giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021 và vinh dự nhận Huy chương Vàng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ WIPO vào tối 27/10.
nha-khoa-hoc-voi-cong-nghe-viet-bao-ve-bo-ho-hoan-kiem-1666951096.jpg
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang và Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trao giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam 2021 cho Anh hùng lao động, TS. Hoàng Đức Thảo - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngoài những giải thưởng được nhận trong dịp này, công trình kè hồ Hoàn Kiếm còn đoạt giải Đặc biệt và Huy chương Vàng cuộc thi Sáng tạo Sáng chế Quốc tế lần thứ 7- iCAN 2022 vào cuối tháng 8 vừa qua. 

Liên tiếp đón nhận những tin vui, Anh hùng lao động, TS. Hoàng Đức Thảo (Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ Việt Nam), tác giả của công trình cho biết rất xúc động và tự hào khi công sức của nhà khoa học được ghi nhận.

Cách đây nhiều năm, kè hồ Hoàn Kiếm xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người đi bộ. Trong khi đó, hồ Hoàn Kiếm là di sản văn hóa thuộc nhóm A cấp Quốc gia đặc biệt. Do vậy, việc cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm đòi hỏi khắt khe về giải pháp kỹ thuật, công nghệ và phương án thi công. Ngoài việc phải tuân thủ theo các luật đầu tư và xây dựng, đơn vị thi công còn phải thực hiện nghiêm ngặt theo Luật Di sản văn hóa.

Ông Hoàng Đức Thảo nhớ lại thời điểm đó, công trình từng gây lo lắng cho dư luận khi thi công. Có một số ý kiến lo lắng rằng, hồ Hoàn Kiếm bị "bê tông hóa" sẽ làm mất đi vẻ cổ kính, đường cong mềm mại của hồ, khiến cảm giác rêu phong không còn và việc thi công có thể ảnh hưởng đến nhiều cây cổ thụ…

6h30' ngày 20/8/2020, tại vị trí cầu Thê Húc, công trình kè hồ Hoàn Kiếm đã chính thức hợp long toàn tuyến, với tổng chiều dài gần 1.500 m sau 65 ngày đêm thi công, về đích trước 2 tháng so với thời gian yêu cầu.

Sau 2 năm đưa vào sử dụng, công trình đã chứng minh hiệu quả đặc biệt về kỹ thuật, kinh tế - xã hội, văn hóa, xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở, lún sụt, sập xệ, nhếch nhác. Đến nay, rêu phong đã dần phủ lên bờ kè, hài hòa đồng nhất với các di tích lịch sử khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Bên cạnh đó, công trình vẫn giữ được nguyên trạng hệ thống cây xanh quanh hồ. Đây chính là những thành công của công trình.

nha-khoa-hoc-voi-cong-nghe-viet-bao-ve-bo-ho-hoan-kiem01-1666951096.jpg
Công trình kè Hồ Gươm xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở, lún sụt, sập xệ, nhếch nhác - Ảnh: VGP/H. Giang

GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Trưởng Ban Giám khảo lĩnh vực công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, Hội đồng Giám khảo Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam 2021 đánh giá công trình "Công nghệ, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm" là tổ hợp của công nghệ chế tạo; thiết kế sản phẩm; giải pháp kỹ thuật công trình và biện pháp thi công mang tính sáng tạo vượt trội và có ý nghĩa xã hội.

Giải pháp này đặc biệt phù hợp với các công trình đòi hỏi cao về kỹ thuật, mỹ thuật, biện pháp thi công cũng như đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ, trùng tu di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đặc biệt.

Nếu như trước kia, người ta phải dùng tường vây, khoang vùng để thi công, rồi tiến hành đào đất, đặt gạch sau đó trát xi măng, các công trình thất bại vì sau một thời gian bờ kè bị sạt lở. Tuy nhiên, nhà khoa học Hoàng Đức Thảo đã tìm ra công nghệ vật liệu, giải pháp thi công khắc phục được những điều này.

Cấu kiện kè Hồ Hoàn Kiếm đã sử dụng công nghệ bê tông đúc sẵn cốt sợi. Đây là công nghệ có đặc tính kỹ thuật ưu việt như thành bản mỏng, khối hộp, ruột rỗng, khớp nối âm dương, đa dạng về bố cục, đường nét, kiểu dáng… kích thước ăn khớp với bờ hiện hữu nên giữ nguyên trạng các đường cong lồi, lõm tự nhiên xung quanh hồ.

Vượt trội nhất của cấu kiện là không dùng thép nên chống được thấm, chống ăn mòn, được đúc sẵn tại nhà máy, kiểm soát được chất lượng sản phẩm đồng đều. Sản phẩm chất lượng cao, ổn định, bền vững, thi công nhanh cả trong điều kiện ngập nước, kiểm soát được chất lượng công trình với tuổi thọ ước tính trên 100 năm. Vì vậy, hằng năm sẽ không phải duy tu, sửa chữa, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Đặc biệt nữa, đó là không dùng móng, cấu kiện được nén ép vào đất nền và liên kết trực tiếp với đất nền. Các cấu kiện liên kết với nhau dạng modul bảo đảm ổn định kết cấu tường chắn đất không bị lật, trượt, lún.

"Đây là công nghệ Việt, xóa bỏ bê tông cốt thép, sử dụng bê tông đúc sẵn cốt phi kim và phương pháp thi công cũng hết sức sáng tạo, thể hiện trí tuệ Việt", GS.TS Đặng Thị Kim Chi đánh giá.

Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo chia sẻ, để phù hợp với tính đặc thù của công trình, biện pháp thi công được sử dụng là công nghệ rung ép cấu kiện, sử dụng dàn rung gồm: Thiết bị rung, cục tải, giá đỡ, để ép nén các cấu kiện kè theo tim tuyến đã được định vị. Tại các vị trí đất nền có vật cản không thể nén cấu kiện trực tiếp thì sử dụng công nghệ rung ép thiết bị kè mồi để cắt phá các vật cản sau đó mới tiến hành lắp đặt cấu kiện.

Phương pháp thi công này có tác dụng gia tải trước nhằm loại trừ lún cục bộ trong thi công và trong quá trình sử dụng; không phá vỡ nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè xung quanh hồ, bảo đảm giữ nguyên trạng nền tự nhiên đáy hồ; không phải tát nước hồ nên khắc phục được ảnh hưởng thay đổi hệ thuỷ sinh trong hồ, bảo tồn loài tảo riêng có tại Việt Nam và trên thế giới, duy trì đặc trưng màu lục lam - nét văn hoá đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm.

Hội đồng giám khảo đánh giá "Công nghệ, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè hồ Hoàn Kiếm" có khả năng ứng dụng rộng rãi tại Hà Nội và trên cả nước vì đã triển khai thành công, mang lại hiệu quả đặc biệt về kỹ thuật, kinh tế - xã hội, văn hóa cũng như bảo đảm các cơ sở pháp lý về quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Trong đó, công nghệ bê tông cốt sợi phi kim đúc sẵn (mục 95) và sản phẩm bê tông cốt sợi phi kim đúc sẵn (mục 91) có trong Quyết định 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành về Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Được biết, hiện nay, công nghệ đã được đề xuất để xây dựng kè bờ hồ Trúc Bạch (đã thử nghiệm 5 m) và hồ Đống Đa, TP. Hà Nội.

nha-khoa-hoc-voi-cong-nghe-viet-bao-ve-bo-ho-hoan-kiem02-1666951096.jpg
Tính mới, tính sáng tạo của kè Hồ Hoàn Kiếm thể hiện ở công nghệ bê tông đúc sẵn cốt phi kim và giải pháp kỹ thuật, thi công phù hợp với tính đặc thù của công trình di sản - Ảnh: VGP

Niềm vui của nhà khoa học là những sáng chế của mình được áp dụng

Hơn 60 tuổi và luôn trăn trở với việc nghiên cứu các sáng chế, sản phẩm mới, TS. Hoàng Đức Thảo cho rằng niềm vui của nhà khoa học là những sáng chế của mình được áp dụng vào cuộc sống, có ý nghĩa với xã hội, giúp đất nước, con người ngày càng phát triển.

Trong những năm qua, nền khoa học công nghệ của nước nhà đã có được những bước chuyển biến rất tích cực, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có thể kể đến như việc thành lập Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC)…

Nhiều "sân chơi" dành cho các nhà khoa học được tổ chức như: Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, Nhân tài đất Việt, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam… đã góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp, trong nhân dân.

Là tác giả của hàng trăm bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích được công nhận trong nước và quốc tế, AHLĐ Hoàng Đức Thảo cho rằng hiện nay, rất nhiều nhà khoa học đang trăn trở với những khó khăn, thách thức nhưng vẫn cống hiến hết mình, không ngừng sáng tạo để giữ vững được ngọn lửa đam mê trong công việc nghiên cứu.

Tuy nhiên, có thực tế là việc không được tin tưởng, thậm chí nhiều sáng chế không được ứng dụng, có ý tưởng nhưng thiếu kinh phí nghiên cứu, thủ tục rườm rà hay tình trạng vi phạm bản quyền… đang là những bức tường ngăn cản sức sáng tạo, cống hiến của các nhà khoa học.

Đối với các nhà khoa học trẻ, với việc thiếu kinh nghiệm, chưa biết cách vượt qua khó khăn đã dẫn đến một hiện tượng không ít các nhà khoa học trẻ thể hiện những phản ứng không tích cực và dành nhiều thời gian để so sánh về điều kiện, môi trường làm việc mà chưa nhận thức được rằng, mỗi nhà khoa học phải tự có trách nhiệm để làm thay đổi tích cực môi trường, xã hội xung quanh mình.

Về phía Nhà nước, để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội, TS. Hoàng Đức Thảo cho rằng, trong thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để đội ngũ này phát huy tinh thần nghiên cứu; ban hành những chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam; khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm trong nước tạo ra, thay thế cho sản phẩm nhập ngoại; có giải pháp thật cụ thể để áp dụng rộng rãi các công trình nghiên cứu đã thành công, đặc biệt nhiều công trình đoạt giải thưởng, có hiệu quả kinh tế cao, do các doanh nghiệp tự đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng…