Nguyễn Đình Lạp với thế giới “ngõ hẻm", “ngoại ô” Hà Nội

Đinh Thảo
Giữa những năm ba mươi, vào thời kỳ Mặt trận Bình dân và trong không khí sôi nổi của phong trào báo chí, xuất bản, ở tuổi hai mươi, Nguyễn Đình Lạp (1) đã xuất hiện trên văn đàn với tư cách một cây bút phóng sự.
nddl-1709091527.jpg
Nguyễn Đình Lạp với thế giới “ngõ hẻm", “ngoại ô” Hà Nội (Ảnh minh họa: Internet)

Tên tuổi người viết báo này quả là còn chưa nổi bên những Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang, Trọng Lang... Nhưng những phóng sự như Thanh niên trụy lạc, Từ ái tình đến hôn nhân, Chợ phiên đi tới đâu? ... ra đời hồi ấy đã góp vào một cách nhìn phê phán đối với các phong trào “vui vẻ trẻ trung” ở thành thị, đã nhìn ra một hiểm họa về xã hội và đạo đức không chỉ đối với thanh niên mà cả với đời sống nói chung, trong đời sống thành thị, trong xu thế đô thị hóa dưới chế độ thuộc địa, khi phong trào cách mạng đang cần đến sức mạnh của toàn dân và trước hết là lớp người trẻ tuổi.

Tuy vậy, đối với sự nghiệp báo chí và văn học báo chí, điều đáng nói ở đây là, với Thanh niên trụy lạc, đó là sự xuất hiện một ngòi bút rồi sẽ từ báo chí mà chuyển dần và thâm nhập vào văn học. Chỉ vài năm sau, vào đầu những năm bốn mươi, Nguyễn Đình Lạp sẽ là tác giả của hai thiên phóng sự tiểu thuyết (hoặc tiểu thuyết phóng sự) có giá trị: Ngoại ô (1941) và Ngõ hẻm (1943) và với hai tác phẩm đó Nguyễn Đình Lạp xứng đáng là một trong số người hiếm hoi, sau Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố, duy trì và chuyên canh một loại hình văn học, góp vào sự phong phú và đa dạng của bộ mặt văn học Việt Nam hiện đại.

Chuyên canh trên lĩnh vực tiểu thuyết phóng sự, Nguyễn Đình Lạp rồi sẽ là giảng viên có tín nhiệm cho các khóa huấn luyện Văn hóa kháng chiến ở vùng tự do Khu Bốn cũ. Người viết phóng sự chuyên cần ấy đã rất sớm tham gia, ngay từ đầu, phong trào văn nghệ sĩ đầu quân và sớm đưa ngòi bút hiện thực tả chân khách quan của mình phục vụ cho sự nghiệp cách mạng và kháng chiến của toàn dân tộc.

Thật đáng tiếc là Nguyễn Đình Lạp mất quá sớm, ở tuổi ba mươi chín, tại Thanh Hóa sau một cơn bệnh nặng. Trong những năm hoạt động văn nghệ tích cực ở vùng tự do Khu Bốn rồi trở về Hà Nội bị tạm chiếm, ông chỉ kịp viết một tập sách mỏng: Chiếc vali và một vài bản thảo phóng sự.

Nhưng với Nguyễn Đình Lạp, điều tôi muốn nói và đây mới là điều chủ yếu, bên cạnh nhà báo, nhà phóng sự, ông còn là một nhà văn. Một nhà văn biết cách đem lại cho đời sống văn học dấu ấn về một mảng đời sống riêng, một hệ chân dung riêng, một cách cảm nhận và suy nghĩ riêng về hiện thực. Trở lại bối cảnh văn học Việt Nam vào giữa những năm ba mươi với các đỉnh cao như bộ ba Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng; Tắt đèn Bước đường cùng của Ngô Tất Tố và Nguyễn Công Hoan; Bỉ vỏ và Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, cùng với sự phát triển đến độ viên mãn của phong trào Thơ mới và Tự lực văn đoàn, giới nghiên cứu văn học trước đây thường xem giai đoạn đầu những năm bốn mươi là một bước thoái trào của văn học, do sự phát xít hóa của chính quyền thực dân, và do sự khủng hoảng, bế tắc, mất hướng của gần như toàn bộ đời sống văn học.

Cố nhiên sự phát triển của văn học là không tránh khỏi sự lệ thuộc, là phải chịu sự quy định của thể chế chính trị, của đời sống chính trị. Nhưng cũng có sự thật, không phải đời sống chính trị căng thẳng, biến động thì tất yếu văn chương phải chịu dồn vào ngõ cụt. Trái lại, với những người viết có bản lĩnh thì bất cứ lúc nào, lâm vào hoàn cảnh nào, sáng tạo của họ vẫn có cách để ngoi ra. Nguyễn Minh Châu từng nói với sự “ghen tị” nhà văn bậc thầy Nam Cao, trong hoàn cảnh tối tăm và thắt buộc đến thế, vẫn có cách tạo được sự tự do bên trong cho mình mà nói được bao điều lớn lao sau mỗi trang chữ. Nam Cao chính là sản phẩm của những năm bốn mươi và những năm đầu bốn mươi đã là khí hậu cho ra đời Chí Phèo, Sống mòn và nhiều chục truyện ngắn xuất sắc của ông. Và không phải chỉ Nam Cao. Tôi lấy làm ngạc nhiên và “tỉnh ngộ” là cùng với Nam Cao, những năm bốn mươi vẫn tiếp tục là thời kỳ cho ra đời nhiều tác phẩm, tác giả mới; những tác phẩm, tác giả có cách đào xới vào nhiều tầng vỉa khác nhau của hiện thực.

Cùng một bối cảnh nông thôn đã làm xuất hiện nhiều cuốn sách, nhiều tài năng khác nhau. Mạnh Phú Tư - tác giả của Làm lẽ, Nhạt tình và nhất là tiểu thuyết tự truyện Sống nhờ đã làm sống động hình ảnh một vùng quê gần như im lìm nhưng lại âm ỉ biết bao nghịch cảnh, cảm nhận của một tuổi thơ côi cút nhục nhằn. Bùi Hiển với Nằm vạ kể chuyện đời sống người dân quê một vùng biển miền Trung với những đặc sắc riêng, những chuyện kỳ cục riêng có dễ khó lẫn với bất cứ vùng quê nào khác. Và Vợ nhặt của Kim Lân với những hình người loạng choạng trong ánh chiều tàn, với thứ hạnh phúc lắp ghép một cách mỏng manh và với dự cảm một trận đói bao la, quyết liệt...

Đặt bên cạnh các tên tuổi trên, Nguyễn Đình Lạp cũng không kém sức vóc một chút nào, với Ngoại ôNgõ hẻm như hai mái của một ngôi nhà, chụm vào nhau, trong đó trú ngụ bao thân phận, số phận của những lớp người nghèo khổ. Tác giả kể với chúng ta, với một giọng điệu trầm tĩnh, khách quan và có thể là có chút “tự nhiên chủ nghĩa” nữa, những mảnh đời “dưới đáy” của người dân “Ngõ hẻm”, “Ngoại ổ”, đúng như tên sách gợi ra. Những mảnh đời, những cuộc đời tuy đã lùi sâu hơn nửa thế kỷ, nhưng quả đâu đã hết hẳn bóng dáng chung quanh ta hôm nay và về không gian lại rất gần gũi với chúng ta: Đó là ô Cầu Dền, là xóm ả đào Vạn Thái, là Bạch Mai theo trục xuôi của đường phố Huế - chợ Mơ mà tỏa rộng ra hai phía, theo những con hẻm, ao chuôm, đồng ruộng, gồ bãi, và lụp xụp những mái lều, những ngôi nhà ổ chuột...

Nói về Hà Nội ven đô; Hà Nội ngoại thành, chúng ta quen nghĩ đến Tô Hoài với những tác phẩm thật xuất sắc qua cách nhìn trẻ thơ. Tôi thấy lâu nay dường như chúng ta có bỏ quên cây bút Nguyễn Đình Lạp, với những chạm khắc gân guốc nhưng cũng không thiếu chất thơ trong trẻo về một vùng đời lầm lũi cũng ở ven đô, ngoại ô. Vậy là Hà Nội hôm nay có một hình ảnh quá khứ trong văn học không đến nỗi quá mờ nhạt một quá khứ giúp ta hình dung và khẳng định tương lai của nó và cũng là tương lai của dân tộc.

Tháng 8-1993


(1) 19-9-1913 - 24-4-1952

Phong Lê