Người lao động Đà Nẵng chật vật xoay xở trong bão giá

Giá xăng tăng khiến chi phí sinh hoạt tăng theo. Cuộc sống của nhiều công nhân, người lao động tại Đà Nẵng cũng vì thế mà thêm chật vật. Không còn cách nào khác, họ đành phải thắt lưng buộc bụng.
nguoi-lao-dong-da-nang-chat-vat-xoay-xo-trong-bao-gia-01-1654567501.jpg
Trong cơn bãi giá vì giá xăng tăng, nhiều gia đình công nhân ở Đà Nẵng đành thắt lưng buộc bụng, hạn chế đi chợ khiến chợ công nhân vắng người hơn

Cơn mưa cuối ngày khiến cho đoạn đường Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) ken đặc. Công nhân từ các nhà máy đến giờ tan ca chen nhau túa ra đường. Bên đường đi, những người bán hàng đã tràn xuống lòng đường mời chào huyên náo. Mấy ngày nay, mỗi lần đi chợ, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (CN Công ty Việt Hoa, KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng), cảm thấy như bị ai "móc túi". Cũng cầm 200.000 đồng đi chợ như trước để mua thức ăn trong 3 ngày cho gia đình 4 người, nhưng nay chị chỉ mua được phân nửa thứ cần thì đã cạn tiền.

Chị Lan than thở, từ lúc giá xăng tăng, mỗi ngày đi chợ là thấy giá lại khác. Trứng gà giá 30.000 đồng/chục, nay tăng lên 32.000-33.000 đồng/chục, chai nước mắm có giá 42.000 đồng/chai thì nay thành 47.000 đồng/chai, đường cát 18.000 - 19.000 đồng/kg cũng lên 21.000-22.000 đồng/kg. Cùng với đó, giá các loại rau, củ, quả cũng tăng vọt. Vợ chồng chị Lan đều là lao động ngoại tỉnh đến Đà Nẵng làm việc, tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 13 triệu đồng. Các khoản thuê trọ, điện - nước và 4 triệu đồng gửi về quê phụ cha mẹ đã ngốn hết lương của 1 người. Phần còn lại chỉ đủ 2 vợ chồng và hai đứa con chi tiêu cho các khoản ăn uống, xăng xe, ma chay, hiếu hỷ…, gần như không có tích lũy.

nguoi-lao-dong-da-nang-chat-vat-xoay-xo-trong-bao-gia-03-1654567502.jpg
Chợ Hòa Khánh vốn là chợ công nhân, sinh viên nhưng nay cũng vắng người đến mua sắm

Ở một góc nhỏ bên chợ Hòa Khánh cuối giờ chiều, những công nhân đang đưa tay vào bốc đống mực rệu rạo rớt ra từng mảng. "12 ngàn một ký". Nhiều công nhân đổ vào mua. Chỉ 12 ngàn đồng mà họ mua được một bịch mực lớn mà theo bà chủ thì "ăn được cả tuần". Sau dịch bệnh, nhiều công nhân sống rất tiết kiệm. Chị Hòa, một công nhân may thuê trọ trên đường Âu Cơ chia sẻ: "Phần lớn công nhân bây giờ chỉ ăn một bữa chính ở công ty và bữa phụ ở nhà chỉ ăn qua loa. Nếu ăn thêm một ly chè hay một cái bánh 1 hoặc 2 ngàn đối đã là xa xỉ nói chi đến việc bỏ mấy chục ngàn để đổi lấy một bữa ăn sang".

Tương tự, nhiều tháng qua, vợ chồng chị Phan Thị Hà (quê Quảng Bình, CN tại KCN Hòa Cầm, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cũng đau đầu với chuyện chi tiêu. Đứng trước mẹt tôm không còn tươi, chị cầm lên, đặt xuống có vẻ đắn đo. Chị dợm đi được mấy bước lại quay lại. Chị quyết định mua. Nhưng khi bỏ lên bàn cân, người bán hàng hô "17 ngàn" thì mặt chị nhăn lại. Chị cầm bịch tôm giơ lên xem lại lần nữa. Cuối cùng chị cũng thò tay vào túi lấy ra những đồng tiền mệnh giá nhỏ được gói cẩn thận. Trước khi trả tiền, chị bảo là bớt hai ngàn đồng mua bó rau. Chị đưa bịch tôm lên ngang mặt rồi chậc lưỡi: "17 ngàn được 10 con. Không vì thằng nhóc thì chẳng bao giờ mua".

nguoi-lao-dong-da-nang-chat-vat-xoay-xo-trong-bao-gia-06-1654567501.jpg
Những hộp cơm giá 15 – 20 ngàn thường được nhiều người lao động nghèo lựa chọn

Tại một khu trọ trên đường Âu Cơ, vừa nhặt rau làm cơm tối cho cả nhà, chị Hà than mấy tuần nay ghé chợ cái gì cũng lên giá nên chỉ mua được ít rau muống, 3 đầu cá lóc, tổng cộng 50.000 đồng. Bữa tối của gia đình 4 người chỉ đơn giản như vậy trong căn phòng trọ khoảng 12 m2. Chị cho biết gia đình phải tiết kiệm hết mức để có tiền chuẩn bị cho 2 con trong năm học sắp tới. "Gần 1 năm thất nghiệp do dịch COVID-19, mới đi làm lại được gần nửa năm nay. Thu nhập cả hai vợ chồng khoảng 12 triệu đồng trong khi vật giá leo thang, con cái học hành, ốm đau coi như không biết kêu ai!" - chị Hà ngấn lệ. Cả gia đình chị, cũng như nhiều gia đình công nhân khác ở các KCN tại Đà Nẵng đều chi tiêu rất tiết kiệm. Ngoài các chi phí bắt buộc, chị không dám sắm sửa gì, nhất là sau thời gian dài dịch bệnh, thu nhập giảm sút. Thế nhưng, đến cuối tháng cũng chẳng dư được đồng nào vì thu nhập quá thấp (khoảng 5,4 triệu đồng/tháng). Vì vậy, ngày nào chị cũng cố tăng ca đến tối, vừa kiếm thêm thu nhập để lo cho con vừa tiết kiệm được bữa tối.

Khi nghe giá xăng tăng, nhiều công nhân, người lao động rất lo lắng. Từ sau dịch, nhiều công nhân đã cắt luôn khoản ăn sáng, chủ yếu ăn cơm nguội rồi đi làm để tiết kiệm nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. "Tiền lương có thêm 240.000 đồng/tháng nhưng giá xăng kéo theo giá cả ngoài chợ tăng vọt, còn hơn cả mức lương. Gia đình 3 người như tôi có tăng ca thêm nữa vẫn phải mượn nợ để mua cơm" - chị Liên, công nhân Công ty Mabuchi than thở.

Sau dịch bệnh, những đồng lương của công nhân chỉ đủ trang trải cho tiền thuê nhà, tiền điện nước. Họ chỉ mong không bệnh tật gì để có sức mà làm việc, dư đồng nào thì gửi về quê. Công nhân là vậy. Không ai phải ngạc nhiên khi họ sống đơn giản, đơn giản trong cách nghĩ và trong cách ăn uống. Chỉ cốt mong sao có thu nhập để gửi về cho gia đình, cũng như chăm lo cho con cái học hành trong giai đoạn khó khăn này.