Cả cuộc đời ông không quản tuổi tác và sức khỏe luôn gắn bó với đồng ruộng, cây lúa, đặc biệt là "hạt vàng 36" đang sinh sôi, nảy nở không những ở các tỉnh Tây Nguyên mà còn nhân rộng trên cả nước.
Khởi đầu từ giống lúa Việt Lai 20
Cả đời gắn bó với việc nghiên cứu giống lúa, ấy thế mà sau khi bị tai biến, rồi nghỉ hưu, PGS, TS Nguyễn Văn Hoan lại chọn Tây Nguyên làm nơi sinh sống và tiếp tục “cái bệnh nghề nghiệp”? Sự tò mò thôi thúc chúng tôi tìm đến trang trại của vợ chồng ông ở xã Ia Bang, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.
Dù đã bước sang tuổi 74 nhưng mỗi ngày, ông Hoan vẫn dạo khắp trang trại rộng hơn 11ha của gia đình. Ngoài chăm sóc vườn cây ăn trái, ông miệt mài nghiên cứu nhiều giống lúa mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Tây Nguyên. Để cây lúa sánh ngang với các cây công nghiệp có thương hiệu trên bản đồ thế giới, như: Cà phê, hồ tiêu, cao su... là điều mà PGS, TS Nguyễn Văn Hoan luôn ấp ủ.
Nhắc nhớ lại câu chuyện cũ, ông Hoan kể rằng: Tốt nghiệp đại học ở Bulgaria, năm 1977, ông về công tác tại Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Ngoài nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ, ông còn say sưa nghiên cứu khoa học. Đầu tiên, ông cho ra đời giống lúa ngắn ngày ĐH60.
Nhưng có lẽ phải đến Việt Lai 20 thì tên tuổi của ông mới được nhiều người biết đến. Bởi đây là giống lúa lai đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu việc các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ lai tạo. Đặc biệt từ đây, hằng năm, Việt Nam không phải mất một lượng lớn ngoại tệ để nhập giống lúa của Trung Quốc, Thái Lan... Để có được kết quả trên, trong suốt 4 năm dài dường như “ăn, ngủ” trong phòng nghiên cứu, thất bại không nản, vẫn cứ làm, cứ nghĩ về nụ cười của hàng triệu nông dân trên đồng ruộng là ông và các cộng sự lại tiếp tục nghiên cứu, thực hiện.
Quyết tâm và ước mơ giúp ông đưa ra đồng ruộng giống lúa Việt Lai 20 cho năng suất cao. Niềm vui như vỡ òa trước những ưu điểm vượt trội của cây lúa mới, như: Thời gian trồng ngắn (80-115 ngày), năng suất cao (7-8 tấn/ha), kháng bệnh tốt và chất lượng gạo dẻo, thơm... Việt Lai 20 nhanh chóng được nông dân nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh phía Bắc canh tác trên diện rộng.
Năm 2006, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Viện Nghiên cứu lúa và tiếp tục cho ra nhiều giống lúa đạt năng suất, chất lượng được nông dân tin tưởng, chọn lựa và gieo trồng, như: Việt Lai 24-giống lúa vô cùng ngắn ngày, chỉ 90 ngày là thu hoạch. Lúa lai đem lại năng suất cao, chất lượng tốt, rất phù hợp để trồng ở vùng ngập mặn, vùng khô hạn, vùng có khí hậu khắc nghiệt, khó khăn, chống biến đổi khí hậu rất tốt. Thành công này là nguồn động viên, khích lệ sự sáng tạo đối với các nhà khoa học, tiếp tục cho ra đời những giống lúa mới, những dòng sản phẩm sánh ngang với thế giới.
Những mùa vàng từ "hạt vàng 36"
Năm 2015, sau lần tai biến nặng, PGS, TS Nguyễn Văn Hoan nghỉ hưu và một năm sau đó thì chuyển vào Gia Lai sinh sống. Không ít bạn bè, người thân đã kịch liệt phản đối quyết định này, thậm chí còn nói ông bị gàn dở. Nhưng vợ ông, bà Vũ Thị Kim Chi lại rất ủng hộ quan niệm: “Cái gì mình không thay đổi được thì phải theo thiên nhiên, còn cái gì thay đổi được thì thay đổi” của ông.
Một trong số những điều mà ông cho rằng không thể thay đổi được là khí hậu. “Tôi đi khoảng 20 nước và tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước thì thấy không đâu bằng Tây Nguyên. Đất đai màu mỡ, khí hậu tốt: Mùa hè không nóng, mùa đông không lạnh, rất tốt cho sức khỏe tuổi già”. Ông Hoan nói về lý do chọn Gia Lai để gắn bó những năm cuối đời.
Kể tiếp về cơ duyên với Tây Nguyên, ông nói: “Ngay từ năm 1978, tôi đã làm phó đoàn điều tra nông nghiệp biệt phái ở Tây Nguyên hơn một năm. Hồi đó vất vả lắm, hoang vu lắm nhưng cũng rất nhiều kỷ niệm. Thời gian này, tôi nhận ra mảnh đất Tây Nguyên rất trù phú, giàu tiềm năng và khí hậu tuyệt vời”. Một lý do khác “kết níu” chân ông, ấy là sau đợt tai biến nặng năm 2015, ông được một thầy lang ở Gia Lai có tài châm cứu đã giúp ông ổn định và hồi phục sức khỏe rất tốt.
Chọn Tây Nguyên để lui về khi tuổi đã cao, nhưng rồi chính mảnh đất trù phú này thôi thúc ông lập lại hệ thống nghiên cứu. Ấy là khi ông đi tham quan công trình đại thủy nông Ayun Hạ, cánh đồng lúa trải dài của huyện Phú Thiện; rồi cánh đồng lúa của xã Ia Lâu, làng thanh niên lập nghiệp xã Ia Piơr (Chư Prông, Gia Lai). “Tôi đã bị choáng ngợp bởi những cánh đồng lúa trải dài. Rõ ràng, diện tích lúa của Gia Lai rất lớn, chúng ta lại có nhiều lợi thế với hệ thống sông, hồ, đập, tại sao trên bản đồ nông nghiệp tỉnh nhà lại không có cây lúa?”.
Ông Hoan nói về lý do thôi thúc ông bắt tay vào nghiên cứu, dù ban đầu đã xác định... nghỉ hưu. Chưa hết, sau khi khảo sát và thấy rằng các tỉnh Tây Nguyên diện tích đất trồng lúa rất nhiều nhưng không có bất cứ trung tâm nghiên cứu lúa nào của Trung ương đứng chân. Một đời nghiên cứu lúa, ông không thể ngó lơ.
Chỉ sau 3 năm (2018-2020), ông đã cho ra đời giống lúa HC-36 (HC là chữ viết tắt tên của ông và vợ) với ưu điểm về năng suất (đạt 11-12 tấn/ha), cây phát triển khỏe, kháng đạo ôn và chống đổ. Ngay trong vụ đông xuân 2018-2019, giống lúa HC-36 đã được trồng khảo nghiệm trên đồng đất Phú Thiện (Gia Lai). Do là giống lúa được nghiên cứu, lai tạo tại Tây Nguyên nên ngay trong vụ đông-xuân đầu tiên, HC-36 đã khẳng định tính vượt trội về khả năng đẻ nhánh, cứng cây, bông lúa dài và năng suất cao (10-15 tấn/ha). Sau này, giống lúa HC-36 được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Hạt giống vàng Thái Bình thì có tên: "Hạt vàng 36".
Ông Hoan tự hào: “40 năm công tác, tôi nghiên cứu thành công 4 giống lúa, bình quân 10 năm/giống, giờ chỉ mất 3 năm là quá nhanh. Có nhiều phần vì tôi đã huy động được tổng lực những mối quan hệ thân quen cùng tham gia; phần khác vì tôi học tập và làm theo lời dạy của Bác “tàn nhưng không phế”, vươn lên từ bệnh tật, tôi dành trọn vẹn thời gian để nghiên cứu mà chẳng vướng bận gì”. "Hạt vàng 36" được nông dân nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước lựa chọn.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, ông chia sẻ: “Nơi đây rộng nhưng tôi chỉ dành khoảng 2ha để trồng bơ và lúa, còn lại tôi trồng cây keo. Mục đích của mình là sống gần thiên nhiên nên phải trồng rừng, trồng cây để hưởng sinh thái, hít thở không khí trong lành.
Xung quanh nhà, tôi dành nhiều khu đất cao ráo để làm những trại thực nghiệm. Ở các trại, tôi có đánh dấu thứ tự để phân biệt từng tổ hợp, từng giống lúa lai đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tôi cũng đang nghiên cứu một số tổ hợp lúa lai phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Tây Nguyên. Cũng còn nhiều gian nan nhưng vẫn với quan điểm “cái gì thay đổi được thì thay đổi”. Mục tiêu của tôi là tạo ra thêm giống lúa lai có năng suất 15 tấn/ha/2 vụ và khi nhắc tới Tây Nguyên ngoài cây cà phê, cây cao su, cây hồ tiêu phải có thêm cây lúa. Cây lúa phải có vị trí xứng tầm trong bản đồ nông nghiệp Tây Nguyên”.
Nắm từng bông, nắn nót vuốt nhẹ từng hạt lúa trên tay để cảm nhận niềm vui đang ùa về trong lòng mình, ông Đinh Tuy (47 tuổi, dân tộc Ba Na), Bí thư Chi bộ làng Plei Pông, xã Chư AThai, huyện Phú Thiện phấn khởi nói: “Làng mình có 91 hộ, hơn 595 khẩu. Lâu nay, đời sống của bà con dân tộc thiểu số người Ba Na trước đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa nhưng hiệu quả không cao. Một năm làm bao vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng đến mùa giáp hạt là nhiều hộ gia đình lại thiếu đói.
Nắng hạn liên tiếp, đất đai bạc màu theo thời gian nên việc đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào thay thế vẫn là bài toán khó. Đang loay hoay tìm lối thoát nghèo cho bà con thì rất may được cán bộ huyện, xã đem giống lúa mới “Hạt vàng 36” xuống giới thiệu, hướng dẫn, rồi cung cấp cho bà con. Ba năm qua, giống lúa này lên nhanh, phát triển tốt, bông to như ngọn mía. Được mùa lúa, cái bụng dân làng no thì những tập tục lạc hậu được bà con loại bỏ".
Cũng tâm trạng mừng vui như Bí thư Chi bộ làng Plei Pông, chị Đinh Hậu bộc bạch: “Trồng cây cà phê, hồ tiêu, cao su thì cuối năm chỉ thu được đồng tiền, có tiền bà con tiêu xài phung phí nên cái đói là khó tránh khỏi. Năm nay mưa thuận gió hòa, cây lúa mới “Hạt vàng 36” lại dễ trồng, chịu được nắng hạn, ít sâu bệnh, hạt lại nhiều nên cuộc sống người dân đầy đủ hơn. Nhà mình trồng được 1ha lúa, vụ mùa trước thu về gần 10 tấn. Nhà chú Linh, bà Hậu trong làng còn thu được 15-17 tấn. Hạt lúa về đầy trong nhà chòi rồi mà cứ ngỡ như mơ. Sướng cái bụng vô cùng".