Nghề "vót ra tiền" tất bật vào vụ Tết

Huyền Văn
Hơn 20 năm qua, hàng chục hộ dân ở xã Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn cần mẫn, chăm chút cho từng đôi đũa phục vụ người tiêu dùng. Ngày cận Tết, làng làm đũa càng tất bật hơn.

Xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nổi tiếng với sản phẩm đũa, được làm từ cây cau rừng (cau nàng rưng). Nghề làm đũa cau rừng ở đây đã có từ hơn 20 năm trước.

Trao đổi với PV, anh Đoàn Vương Hải (SN 1980, trú thôn 3 xã Phúc Trạch, Hương Khê), cho biết, đũa được làm từ loại cau mọc ở trong rừng. Loại cây này mọc tại các vùng đồi núi, cây trưởng thành cao chừng 7m, đường kính thân 5-7cm.

"Loại cau này cứng, thớ thịt mịn nên dùng để làm đũa vì nó bền và an toàn hơn là sử dụng các nguyên liệu khác như cây tre", người thợ có hơn 15 năm làm đũa này nói.

nlntv-anh-4-1641566582895-1641614950.jpeg
Xã Phúc Trạch nổi tiếng với sản phẩm đũa được làm từ cây cau rừng.

Để có một sản phẩm đũa hoàn chỉnh, cần phải trải qua nhiều công đoạn khá công phu. Đầu tiên, người thợ cưa cây cau thành từng khúc có chiều dài chừng 25-30cm. Tiếp đến, họ sẽ dùng dao chẻ phần ruột bên trong để tạo đũa thô, rồi dùng bào sắt để vót đũa.

Sau khoảng 2 phút thì một chiếc đũa tròn trĩnh, trơn mịn đã hoàn thành. Công đoạn tiếp theo, người thợ đem đũa ra phơi trong thời gian 2-3 nắng cho khô, và cuối cùng là dùng lá chuối khô để đánh nhẵn đũa.

"Khâu bào đũa là quan trọng nhất, quyết định độ thẩm mỹ của sản phẩm. Do vậy, công đoạn này đòi hỏi người thợ phải chăm chú, khéo léo trong từng đường bào; nếu làm quá nhanh, chiếc đũa có thể bị hỏng hoặc mất cân đối. Một chiếc đũa chuẩn phải đảm bảo các tiêu chí tròn, nhẵn, thẳng và màu vàng sáng", anh Hải cho biết.

nlntv-anh-1-1641566632082-1641615090.jpeg
Những người ở làng nghề này cho biết, khâu bào đũa quan trọng nhất quyết định thẩm mỹ của sản phẩm.

Anh Hải cũng cho biết thêm, một ngày vợ chồng anh làm được khoảng 200 đôi đũa, với giá bán 4.000-5.000 đồng/đôi.

"Thu nhập của vợ chồng tôi từ công việc này từ 8-9 triệu đồng mỗi tháng. So với nhiều công việc khác thì làm đũa mang lại cho chúng tôi một nguồn thu đáng kể. Bởi vì công việc này có thể tranh thủ làm buổi tối cũng được", anh Hải cho biết thêm.

Chị Trịnh Thị Liên (59 tuổi, trú tại xóm 3, xã Phúc Trạch), cho hay, ngoài lúc làm đồng áng, nhiều người dân ở đây cũng tranh thủ làm đũa cau rừng để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ có việc này, mà nhiều gia đình có thêm thu nhập để nuôi con ăn học, mua sắm đồ đạc cho gia đình.

nlntv-anh-6-1641566756736-1641615179.jpeg
Cây cau rừng có thân nhỏ, đường kính gốc từ 5-7cm, rất cứng, thớ thịt mịn nên được người dân lựa chọn để làm đũa.

"Gia đình tôi chỉ làm những lúc nhàn rỗi, khi công việc đồng áng đã xong. Dù vậy, nghề làm đũa mang lại nguồn thu đáng kể, mỗi tháng tôi cũng kiếm được 2-3 triệu đồng từ công việc này", bà Liên cho biết.

Cũng theo bà Liên, đũa làm ra đến đâu tiêu thụ hết từng đó. Đũa làm từ cây cau rừng rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

"Dịp cuối năm thì lượng tiêu thụ càng lớn hơn, chúng tôi phải tranh thủ làm ngày làm đêm để đủ cung cấp cho thị trường", bà Liên nói.

nlntv-anh-7-1641566901504-1641615311.jpeg
Một chiếc đũa chuẩn phải đảm bảo các tiêu chí tròn, nhẵn, thẳng và màu vàng sáng.

Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Trạch, cho biết, nghề làm đũa cau rừng ở xã Phúc Trạch đã có tuổi đời hơn 20 năm. Hiện có hơn 20 hộ dân theo nghề này tập trung chủ yếu ở thôn 1 và thôn 3.

"Trước mắt địa phương đang xây dựng thương hiệu đũa cau rừng Phúc Trạch, và hướng tới hoàn tất thủ tục, hồ sơ để thi sản phẩm OCOP vào năm sau. Nếu đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, sản phẩm này của bà con sẽ có chỗ đứng trên thị trường, nguồn đầu ra ổn định hơn", Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Trạch cho biết.