Nghệ nhân đam mê văn hóa dân tộc Khmer

Huyền Văn
Với đôi tay khéo léo và lòng đam mê hiếm có, Nghệ nhân Ưu tú Lâm Phên ở ấp Ba Se, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đã dành thời gian, tâm huyết cho công việc chế tác mặt nạ, đạo cụ, nhạc cụ dân tộc Khmer.

Ông là một trong số ít nghệ nhân gắn bó với loại hình nghệ thuật độc đáo này. Năm 1970, khi mới 13 tuổi, Lâm Phên đã là thợ lành nghề trong việc xây dựng chùa, nhà cho người dân tộc Khmer. Đến năm 1990, nhiều người biết ông có tay nghề nên đã đến nhờ làm thêm việc chế tạo, phục chế các hiện vật văn hóa gắn với phong tục, tập quán của người dân tộc Khmer ở tỉnh Trà Vinh. Vậy là công việc đó gắn bó với ông cho đến nay.

nlntv-nghenhan-1641085356.jpg
Nghệ nhân Ưu tú Lâm Phên hoàn chỉnh những chiếc mũ và mặt nạ.

Tại Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh, có hàng trăm hiện vật đang được trưng bày, như: Mô hình nhà chánh điện của chùa Khmer, nhà sàn, nhà Thala, nhà ông Tà, các hiện vật nông, ngư cụ, các loại nhạc cụ dân tộc, dân gian, các loại mũ, đồ nghệ thuật Khmer... hầu hết đều do nghệ nhân Lâm Phên chế tạo hoặc phục chế. Ông rất khéo tay, lại có kinh nghiệm và kiến thức nên những tác phẩm làm ra hoặc phục chế rất giống với nguyên mẫu.

Chia sẻ với chúng tôi, Nghệ nhân Ưu tú Lâm Phên cho biết, trước đây phải mất khoảng một tuần cho các công đoạn chế tác một tác phẩm thì nay rút ngắn chỉ trong 2-3 ngày. Để làm ra một chiếc mặt nạ, khó nhất là phải tạo "hồn" cho gương mặt nhân vật, đòi hỏi nghệ nhân phải hiểu tính cách của nhân vật mới thể hiện được. Do đó, trước hết, nghệ nhân phải có sự am hiểu sâu sắc về văn hóa Khmer mới tạo ra được những sản phẩm đúng chuẩn, thể hiện thần sắc của nhân vật. Tác phẩm được chế tác hoàn toàn bằng thủ công nên mọi chi tiết cần phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ.

Với những nỗ lực và cống hiến cho nghệ thuật dân tộc, thiết thực góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc người Khmer, ông Lâm Phên vinh dự được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2018.