Nghệ An: Chùa Da chuẩn bị chu đáo cho Đại lễ cầu siêu, thắp nến tri ân các liệt sĩ Nhà báo toàn quốc

Chùa Da ở TP. Vinh (Nghệ An) là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam thờ tự 512 liệt sĩ nhà báo hi sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
chua-da-1-1721113690.jpg
Chùa Da - Ngôi chùa duy nhất thờ phụng 512 anh hùng, liệt sĩ nhà báo cách mạng Việt Nam

Trong khuôn khổ chương trình về nguồn "Thắp sáng ngọn lửa tri ân năm 2024" của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, dự kiến diễn ra vào chiều ngày 17/7/2024, Đoàn công tác của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam sẽ phối hợp cùng Chùa Da (Âu lạc cổ tự) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm tri ân; lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ nhà báo cách mạng Việt Nam.

Đến tham gia sự kiện ý nghĩa này sẽ có sự hiện diện của Lãnh đạo Tỉnh uỷ - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cùng đại diện Lãnh đạo Quân khu 4, các sở ban ngành tỉnh Nghệ An, các cơ quan báo chí tỉnh Nghệ An và đại diện cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.

Chùa Âu Lạc còn có tên gọi khác là chùa Da, được xây dựng vào thời vua Thành Thái (1889 - 1907). Tên cũ là chùa Âu Lạc, nhưng do ở cạnh cây Da cổ thụ, bên một giếng cổ, nên nhân dân gọi nôm là chùa Da.

Chùa Da trước tọa lạc ở làng Lộc Đa, nay là xóm Hòa Tiến, xã Hưng Lộc, TP. Vinh (Nghệ An) là một ngôi chùa cổ với những giá trị lịch sử lớn và sự huyền bí linh thiêng. Ngôi chùa nằm trên khuôn viên có diện tích 10.000m2, từng có 03 gian làm bằng gỗ lim, lợp ngói âm dương.

Theo lời các cụ cao niên trong làng, chùa rất linh thiêng. Trong vùng, có đền Trìa là một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng nên dân gian có câu “Thánh đền Trìa, Bụt chùa Da”. Thậm chí, dân gian còn có câu chuyện truyền miệng rằng, trước đây, trong vùng có rất nhiều rắn hổ mang, tuy nhiên mỗi khi có tiếng chuông là lũ rắn lại ngóc đầu lên, quay về hướng chùa như để bái tạ.

Trong những năm 1930 - 1931, đây là nơi hội họp bí mật của Chi bộ Lộc Đa. Cũng tại đây đã chứng kiến cuộc biểu tình của nhân dân làng Lộc Đa, Đức Thịnh, Dũng Thượng,... chống thực dân Pháp, đòi tự do, dân chủ. Đặc biệt trong phong trào Xô viết, các ông Hoàng Văn Bá, Dương Xuân Kiên là các Đảng viên Chi bộ Lộc Đa đã lấy chiếc trống đại trong chùa đưa đi đánh, cổ vũ tại cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 ở Bến Thủy. Sau này, chiếc trống trở thành hiện vật lịch sử, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, chùa Da bị xuống cấp và hư hỏng, có lúc chỉ còn lại là dấu tích. Đến năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4927/QĐ-UBND ngày 19/10/2017 cho phép khôi phục và tôn tạo ngôi chùa. Dưới sự dẫn dắt, tu học của Đại đức trụ trì Thích Đồng Tuệ, chùa đi vào hoạt động ổn định, là nơi để nhiều du khách thập phương và bà con trong vùng đến vãn cảnh, chiêm bái.

Từ ngày chùa được phục dựng và tôn tạo lại, Chùa Da là nơi duy nhất tại Việt Nam có thờ tự chân linh của 512 liệt sĩ là phóng viên, nhà báo của các cơ quan truyền thông, báo chí trên cả nước đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó còn là nơi trưng bày nhiều kỷ vật thiêng liêng của các phóng viên, nhà báo như bút, máy ảnh, mũ,…

chua-da-2-1721113690.jpg
Chính điện Chùa Da - nơi diễn ra Lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ nhà báo cách mạng Việt Nam

Mấy hôm nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, thời tiết tại TP. Vinh mưa khá nặng hạt. Song không khí khẩn trương, sôi nổi chuẩn bị chu đáo cho đại lễ được các sư thầy cũng như các thành viên đạo tràng, thanh niên Phật tử "hoan hỉ" trách nhiệm cao nhất. 

Khi đến với chùa Da, chúng ta sẽ được nghe câu chuyện kể về một hành trình gần 2 thập kỷ với sự trăn trở, tâm huyết của nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An. Bằng những tư liệu quý giá thu thập được, ông đã lập được danh sách 512 liệt sĩ nhà báo hi sinh trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ,... Đến năm 2019, Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam đã thẩm định và đưa vào tôn vinh danh sách 512 nhà báo liệt sĩ tại bảo tàng.

Điều đặc biệt, qua tìm hiểu, xác minh từ thông tin các anh hùng liệt sĩ nhà báo đã hi sinh, nhà báo Trần Văn Hiền thấy rằng nhiều liệt sĩ không còn người thân thờ tự. Do đó nhà báo Trần Văn Hiền đã liên hệ với Chùa Da (Chùa Âu Lạc) tại xã Hưng Lộc, TP. Vinh để lập ban thờ, thờ tự đối với tất cả các anh hùng liệt sĩ nhà báo.

chua-da-3-1721113690.jpg
Danh sách họ tên, năm sinh, năm mất và đơn vị công tác của các liệt sĩ nhà báo

Xuất thân là chiến sĩ, nhưng nhà báo Văn Hiền lại bén duyên với nghề viết trên chiến trường. Từ năm 1969 - 1972, ông là phóng viên chiến trường ở Quảng Trị và nước bạn Lào. Là phóng viên chiến trường, hơn ai hết nhà báo Trần Văn Hiền thấu hiểu nỗi đau mất mát, hy sinh, sự anh dũng, anh hùng của các chiến sĩ trên mặt trận thông tin. 

Để có danh sách các nhà báo liệt sĩ, bản thân nhà báo Trần Văn Hiền đã tự bỏ chi phí để đi sưu tầm thông tin từ các đồng nghiệp. Ông Hiền đã gửi toàn bộ thông tin về Hội Nhà báo các tỉnh, thành phía Nam đề nghị phối hợp, cung cấp toàn bộ thông tin các nhà báo đã hy sinh và có người thân.

“Tôi bây giờ cũng ở tuổi 76 rồi, rất mong các cấp đoàn thể và chính quyền luôn tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ là những nhà báo. Cần có những công trình để tưởng nhớ các liệt sĩ là nhà báo và chăm sóc thân nhân mỗi gia đình. Đây là tâm nguyện của tôi gửi Hội Nhà báo Việt Nam”, nhà báo Trần Văn Hiền tâm sự.

chua-da-4-1721113690.jpg
Quang cảnh Chùa Da - Âu Lạc cổ tự

Được biết, từ nhiều năm qua, cứ mỗi khi sắp đến ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, Đại đức Thích Đồng Tuệ - Trụ trì chùa Da cùng chư tăng và các nhà báo đang công tác, làm việc tại khu vực Bắc Trung bộ luôn tiến hành làm lễ tưởng niệm, tri ân các nhà báo liệt sĩ toàn quốc với không khí trang nghiêm, thành kính trước ban thờ của các anh linh nhà báo cách mạng Việt Nam.

chua-da-5-1721113689.jpg
Nhà báo Trần Văn Hiền, Đại đức Thích Đồng Tuệ cùng các nhà báo, phóng viên Văn phòng đại diện Nghệ Tĩnh của Tạp chí dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các liệt sĩ nhà báo cách mạng (tháng 7/2023)   
Lâm An