Nên hay không việc hạn chế công khai sai phạm giáo viên?

Trước đề xuất không công khai sai phạm giáo viên khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều ý kiến, tranh cãi đã nổ ra.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lấy ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó đề xuất không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

Sau khi thông tin này công bố, nhiều ý kiến tranh cãi đã nổ ra. Đồng tình với dự thảo Luật này, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục giải thích việc này nhằm bảo vệ giáo viên trong hoạt động nghề nghiệp. Theo ông, nhà giáo ngoài truyền đạt chuyên môn còn phải làm gương cho học sinh. Trong khi đó, mạng xã hội đưa nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, chưa biết có sai phạm hay không.

"Điều này tạo ra áp lực rất lớn, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhà giáo, đặc biệt với học sinh và phụ huynh", ông Đức nói.

han-che-cong-khai-sai-pham-giao-vien-1webp-1729826435.crdownload
Nên hay không việc hạn chế công khai sai phạm giáo viên? (Ảnh: Báo Người Lao Động)

Cùng quan điểm đó, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc Gia Hà Nội), nhìn nhận đề xuất của Bộ là phù hợp. theo ông Nam, đề xuất này cần xét trong bối cảnh thực tế. Nhiều vụ việc có thể giải quyết nhưng phụ huynh ngại trao đổi trực tiếp, than thở trên mạng chỉ dựa trên những thông tin một chiều, thêm mắm thêm muối.

“Việc này ảnh hưởng xấu đến ngành và hình ảnh người thầy. Đề xuất này thể hiện một tiếp cận nhân văn rằng ai cũng có quyền phạm sai lầm mà không bị ám ảnh bởi quá khứ nếu họ đã sửa chữa và tiến bộ”, PGS.TS Trần Thành Nam nhìn nhận.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, cũng có những quan điểm phản đối. Theo nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương, nhà giáo cũng là công dân và hơn nữa lại là viên chức công chức (trường công) hoặc là người làm công tác giáo dục ở nhà trường, cơ sở giáo dục (tư nhân) nên việc phải chịu sự giám sát của xã hội, công luận, báo chí là đương nhiên không có miễn trừ.

Ông Vương cho rằng công luận bao gồm báo chí, người dân, công dân có quyền giám sát, phê bình và thực hiện các phương pháp khác được pháp luật coi là hợp pháp khi phát hiện sai phạm của giáo viên.

“Nếu đặt ra một quy định như trên nó tạo cho người dân có cảm giác giáo viên là tầng lớp được miễn trừ và các cơ sở giáo dục có cớ để che giấu thông tin, có hại cho sự phát triển của giáo dục và xâm phạm quyền lợi của học sinh, người dân”, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương nêu quan điểm.

Ông cũng chia sẻ thêm, đề xuất này đi ngược lại tinh thần công khai, minh bạch, dân chủ mà xã hội hướng tới: “Công khai sai phạm ban đầu có thể gây xôn xao và có thể ít nhiều ảnh hưởng các giáo viên, cơ sở làm tốt nhưng về lâu dài nó điều chỉnh làm cho giáo dục tốt hơn. Ngược lại nếu che giấu thì lâu dần người dân bất tín và giáo dục sẽ gặp nguy cơ lớn”. 

Trước những tranh cãi này, Bộ GD&ĐT cũng lên tiếng lý giải, sở dĩ đề xuất quy định hạn chế công khai sai phạm giáo viên là để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. "Nhà giáo nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định", Bộ GD&ĐT nhấn mạnh thêm. 

Hương Trà (TH)