Ngày 29/11 vừa qua, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã trao tặng danh hiệu "Đại sứ trẻ về Sở hữu trí tuệ của WIPO" cho nhóm gồm 3 nhà sáng chế trẻ người Việt Nam với công trình sáng tạo "mũ chống dịch Vihelm".
Đây là thiết bị bảo vệ đường hô hấp có nhiều tính năng, trong đó đáng chú ý là khả năng ngăn ngừa lây nhiễm virus, cũng tạo được sự tiện nghi và thoải mái để tăng cường năng suất lao động cho người dùng trong bối cảnh Covid-19.
Sản phẩm được ba em học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, gồm em Đỗ Trọng Minh Đức (sinh năm 2003, Trường Montverde Academy - Mỹ), em Trần Nguyễn Khánh An (sinh năm 2006, Trường Dewey Schools, Hà Nội) và em Nguyễn Hoàng Phúc (sinh năm 2007, Trường quốc tế Pháp Lfay Hà Nội) giới thiệu lần đầu vào năm 2020, tại Chung kết cuộc thi sáng tạo quốc tế ICAN.
Đánh dấu sự thích ứng với trạng thái bình thường mới của xã hội
Mũ Vihelm được mô tả như một chiếc "mũ cách ly" di động. Đây là món phụ kiện bảo hộ đơn giản, dễ sử dụng, mang lại sự thoải mái, cũng như đảm bảo an toàn nhờ bơm không khí liên tục qua một màng lọc virus, khiến virus không thể lây xuyên qua mũ khi đội.
Ý tưởng về mũ Vihelm được nhóm sáng chế định hình từ những ngày đầu tiên tạo ra sản phẩm, nhằm tạo ra sự thay đổi việc cách ly y tế bằng phương pháp "cách ly di động", tức là F0 hay F1. Theo đó, thay vì phải cách ly tại nhà hay tập trung, người có nguy cơ lây nhiễm vẫn có thể đội thiết bị này và ra ngoài sinh hoạt bình thường.
Nhóm sáng chế tin rằng cách ly di động sẽ tránh cho xã hội tổn thất khi bị mất công việc và thu nhập, cũng như những tổn thất tinh thần khi phải tự giam mình trong nhà quá lâu.
Vật liệu chính được sử dụng để làm ra mũ Vihelm là nhựa PVC cho phần khung mũ và vải latex trên 6 lỗ tròn. Vì nguyên liệu chủ yếu là nhựa và vải ở Việt Nam có sẵn nên chiếc mũ hoàn toàn là "made in Việt Nam".
Chiếc mũ cũng được tích hợp một hệ thống quạt làm thoáng khí, không gây đọng hơi nước bên trong, do đó không làm ảnh hưởng tầm nhìn của người đội. Ý tưởng này khá giống với một sản phẩm có sẵn là máy lọc không khí (máy thở, mặt nạ phòng độc) PAPR - Powered air-purifying respirator. Tuy nhiên, mũ Vihelm được thiết kế với kết cấu đơn giản hơn.
Một đặc điểm nổi bật là trên mỗi chiếc mũ đều có gắn với găng tay để giúp cho các hoạt động như gãi ngứa trên mặt, lau mồ hôi, hắt hơi, lau chùi mũ... được đảm bảo thoải mái, mà vẫn an toàn, cách ly được virus.
Thậm chí, mũ thiết kế cả khoang để chứa thức ăn bên trong, giúp người dùng có thể ăn, uống khi phải làm việc trong điều kiện phòng chống dịch bệnh.
Đạt tiêu chuẩn lưu hành ở Việt Nam, Mỹ, EU
Từ một sáng chế có tính ứng dụng cao, sau hơn một năm đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và bảo hộ quốc tế, nhóm sáng chế Vihelm đã mang đến nhiều cải tiến, đồng thời chế tạo thành sản phẩm cụ thể, được Bộ Y tế Việt Nam công nhận đạt chuẩn nhóm A, được phép lưu hành trên thị trường.
Mũ cách ly di động Vihelm cũng đã nộp hồ sơ đăng ký và được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép. Mới đây mũ cũng đã được Tây Ban Nha cấp chứng nhận CE, có nghĩa "Tuân thủ tiêu chuẩn châu Âu", được phép bán tại thị trường EU và Khu vực kinh tế châu Âu.
Tại Việt Nam, không quá khó để tìm thấy sản phẩm mũ cách ly di động Vihelm được bày bán trên các sàn thương mại điện tử và một số cửa hàng tiện ích.
So với phiên bản đầu, bản thương mại của mũ Vihelm có nhiều cải tiến cả về thiết kế và màu sắc. Găng tay gắn theo mũ đã được đổi sang loại vải có chất liệu giống như khẩu trang y tế, có thể ngăn chặn sự tiếp xúc của virus và điều chỉnh để tiện sử dụng hơn khi lấy thức ăn hay điều hướng khi gãi, xoa mặt. Kết cấu của mũ nhỏ gọn hơn, dễ sử dụng hơn với người dùng mọi lứa tuổi.
Nhờ đó, người dùng có thể đội mũ thoải mái liên tục trong suốt một ca làm việc nhiều tiếng đồng hồ mà không lo bị ngứa hay nóng. Theo đánh giá thử nghiệm của nhóm nghiên cứu, khi nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 giảm tới 99,9% khi sử dụng sản phẩm.