Ông Trần Ngọc Phúc, Việt kiều tại Nhật Bản, Chủ tịch Tập đoàn Metran Japan, “cha đẻ” của máy thở Hummingbird cứu chữa hàng triệu trẻ sinh non thiếu tháng trên 20 quốc gia, đã bộc bạch những chuyện chưa kể về sáng kiến máy thở hỗ trợ công tác chữa trị bệnh nhân COVID-19 hiện đang được sử dụng tại 8 quốc gia trên thế giới.
Máy thở cho bệnh nhân COVID-19 và những điều chưa kể
Cho dù xa quê hương đã gần cả một đời người, ông Trần Ngọc Phúc vẫn bền bỉ với những dự án nghiên cứu sản phẩm dành riêng cho người Việt, trong đó phải kể đến máy trợ thở đa năng thích hợp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 Eliciae MV20 (MV20) do ông cùng đội ngũ của mình nghiên cứu và chế tạo.
“Khi tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp, số bệnh nhân tăng nhanh, áp lực sản xuất chiếc máy thở trong thời gian ngắn thôi thúc tôi cùng đội ngũ Metran càng thêm kỹ lưỡng trong việc tối ưu công đoạn sản xuất, từ kiểu dáng máy, chiếc van không có chi tiết động bên trong dễ sử dụng, cho đến những công nghệ tích hợp, chức năng cần thiết, sao cho an toàn mà vẫn phải tốc độ,”- ông Phúc chia sẻ.
Dựa trên những yêu cầu then chốt về kỹ thuật, ông Phúc và đội ngũ của mình nhanh chóng bắt tay vào sản xuất chiếc máy thở dành cho bệnh nhân COVID-19. Kiểu dáng máy tối giản, hạn chế các chi tiết động để đảm bảo an toàn cho sử dụng như van điều chỉnh, loại bỏ các tính năng không cần thiết và chi phí sản xuất vừa phải, đã giúp MV20 không chỉ được ứng dụng trong công tác điều trị COVID-19 tại Việt Nam mà còn tại 8 quốc gia khác trên thế giới.
Là một nhà phát minh và đồng thời là lãnh đạo của Tập đoàn Metran Japan tại Nhật Bản, ông đã có được sự đồng lòng, hỗ trợ về kinh phí của các tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam, cụ thể là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Đại học Văn Lang, để thực hiện dự án sản xuất 2.000 chiếc máy thở MV20 cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam.
“Dự án này là thành quả không của riêng một tổ chức nào mà là sự hợp lực đồng lòng của tất cả mọi người,” ông Phúc tâm sự.
Hiện đã có 500 máy thở được Bộ Y tế tiếp nhận vào tháng 4/2020, 540 máy bàn giao cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ trong tháng 8 năm ngoái. GS. TS. Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá MV20 “không chỉ đáp ứng nhu cầu điều trị các bệnh nhân COVID-19 nguy kịch phải thở máy xâm nhập, mà còn áp dụng cho các bệnh nhân suy hô hấp và các chữa trị các bệnh hô hấp khác”.
Ông Phúc tiết lộ, hiện ông đang thực hiện một dự án sản xuất chiếc máy thở dành riêng cho người Việt, do người Việt nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Quá trình chế tạo dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Giải quyết đặc thù ngành y tế tại Việt Nam
“Khi một bệnh nhân nhiễm COVID-19 rất khó để biết được tình trạng phổi hay những căn bệnh lý nền của người này đang mắc phải. Điều quan trọng là tập trung chữa viêm phổi để cải thiện tình trạng sau đó giúp bệnh nhân hồi phục, lấy ống nội khí quản ra và tiến hành phương pháp weaning (giúp bệnh nhân quen với việc không có sự trợ thở)”- ông Phúc cho biết.
Theo ông Phúc, với đặc thù bệnh lý này, máy trợ thở có tính an toàn cao là khi chúng có cách sử dụng đơn giản, thuận tiện cho người dùng, có thể sản xuất hàng loạt được. Quan trọng hơn hết, khả năng ngăn lây nhiễm chéo trong không gian phòng bệnh là yếu tố quyết định.
Để đảm bảo tính an toàn tối đa cho bệnh nhân, y bác sĩ chữa bệnh và môi trường bệnh viện, ông đã thiết kế cho máy thở tính năng khu biệt những luồng khí có nhiễm virus, ngăn việc lây nhiễm chéo trong phòng bệnh. Nhất là tại Việt Nam với tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh về hô hấp do lây nhiễm chéo ở Việt Nam cao gấp nhiều lần so với Nhật và Mỹ, vấn đề này lại thường bị bỏ sót ở các hệ thống máy trợ thở chữa COVID-19 hiện nay.
MV20 được gọi là chiếc máy thở đa năng bởi thời kỳ đại dịch, máy có thể chữa trị bệnh nhân COVID-19, còn thời bình thường là công cụ hữu để điều trị các bệnh về hô hấp. Chiếc máy này sẽ được sử dụng ở các bệnh viện tuyến huyện cho các bệnh nhân ở giai đoạn bệnh chưa trở nặng giúp giảm áp lực quá tải lên các bệnh viện tuyến TW, một đặc thù của nền y tế Việt Nam hiện tại.
Tiếp nối máy thở sẽ là khẩu trang y tế 4.0?
Không chỉ tạo ra những sản phẩm ứng dụng ở Việt Nam, những phát minh của ông Trần Ngọc Phúc còn là giải pháp dành cho cộng đồng trên toàn thế giới, phải kể đến dự án “Khẩu trang không khí của tương lai”. Dự án này chứa đựng tâm huyết của ông cùng các đồng sự trong việc sáng tạo sản phẩm khẩu trang ứng dụng công nghệ, thoải mái khi trời nóng bức, không gây ngạt thở, an toàn cho hoạt động trao đổi khí diễn ra trong phổi.
Từ kinh nghiệm chế tạo máy thở MV20, ông Phúc thiết kế cho chiếc khẩu trang này thêm bộ phận lọc khí, an toàn cho người dùng và môi trường xung quanh. Bộ phận này còn tích hợp kết nối không dây với điện thoại thông minh và sẽ sớm có thêm cảm biến đo áp lực hay ô nhiễm không khí, hay thân nhiệt của người sử dụng... Chiếc khẩu trang này bởi thế mà an toàn cả khi ở trong bệnh viện, trong môi trường có bụi PM2.5 và ngay cả các bệnh nhân bị tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Với ông Trần Ngọc Phúc, ở tuổi ngoài 70 nhưng miễn còn sức khỏe thể chất, ông vẫn còn tiếp tục sống trọn đam mê với nghề, để đem đến những phát minh hữu ích vì sức khỏe hô hấp của các bệnh nhân ở Việt Nam, Nhật Bản và bất kỳ nơi nào trên thế giới cần sự trợ giúp.