Ngày 28/5, tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, 45 doanh nghiệp (DN) và gần 1.000 người lao động (NLĐ) đã có buổi gặp gỡ, kết nối tại Ngày hội kết nối và giới thiệu việc làm do quận Bình Thạnh tổ chức.
Công ty Gilimex cho biết đang tuyển 500 lao động không yêu cầu độ tuổi, tay nghề. Gilimex có mức lương hấp dẫn với mức lương thợ may từ 8-13 triệu đồng/tháng, lao động phổ thông từ 7,5-9,5 triệu đồng/tháng; hỗ trợ tiền nhà trọ, gửi trẻ; thưởng năng suất 12% trên lương sản phẩm; thưởng cuối năm từ 2-3 tháng lương… Tuy nhiên đại diện bộ phận tuyển dụng thừa nhận, vẫn khó tuyển đủ số lượng trong giai đoạn này.
“Từ sau tết đến nay, việc tuyển dụng khá khó khăn do nhiều lao động về quê không trở lại thành phố, nhiều bạn trẻ muốn chuyển việc khác. Do vậy, chúng tôi phải kết nối với nhiều đơn vị, trung tâm giới thiệu việc làm, tham gia các ngày hội lao động để tuyển lao động thường xuyên và liên tục” – chị Cẩm Giang, đại diện bộ phận tuyển dụng Công ty Gilimex cho biết.
Tương tự, Công ty TNHH Thái Sơn cũng đưa ra mức lương hấp dẫn tới 12 triệu đồng/tháng, cửa hàng tiện lợi Ministop hơn 7,5 triệu đồng/tháng, làm ca đêm có phụ cấp thêm 30%; Vissan cũng tuyển hàng chục lao động với lương 7 triệu đồng/tháng…
Khảo sát tại nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM, hiện nay đa số các DN đều có nhu cầu tuyển lao động với số lượng lớn, nhiều ưu đãi với công nhân mới, NLĐ quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Út, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) thừa nhận, rất thiếu công nhân nhưng “bói không ra”.
“Công ty đang thiếu công nhân trầm trọng. Hiện Tỷ Hùng có nhu cầu tuyển từ 500-700 lao động nhưng tìm không ra người. Nhiều lao động về quê và không quay trở lại. Hàng tuần, chúng tôi đều tuyển dụng lao động qua nhiều kênh như đăng thông tin lên website công ty, các trung tâm giới thiệu việc làm; người quen giới thiệu có thêm chi phí nhưng vẫn không có. Chúng tôi đang lên kế hoạch về tận miền Tây để tuyển người đưa lên thành phố làm việc”.
Công ty Tỷ Hùng có 2.500 công nhân, lương trung bình khoảng 8 triệu đồng/tháng. Hai năm qua, DN này gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng đảm bảo đời sống cho NLĐ.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TPHCM, sau dịch COVID-19, nguồn lao động tại TPHCM biến động rất nhiều, LĐLĐ TP đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở kết nối lại với NLĐ sau khi họ rời về quê, để vận động họ trở lại. LĐLĐ TP cũng yêu cầu các DN gia tăng phúc lợi để chăm lo NLĐ. “Nếu DN có nhiều chính sách chăm lo, thì NLĐ cảm thấy DN là ngôi nhà thứ 2 của họ. Họ sẽ ở lại cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn” – ông Đô cho biết.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI) cho biết, trong quý II/2022, thành phố cần khoảng 59.600 - 65.500 lao động. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 65,41% tổng nhu cầu nhân lực năm 2022, tiếp đó là khu vực công nghiệp - xây dựng (33,63%) và khu vực nông - lâm nghiệp, thủy sản (0,96%).