Ngày 12/4, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý I/2022. Cuộc họp do ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng Cục trưởng chủ trì.
Lao động trong ngành dịch vụ tăng mạnh
Tại cuộc họp, ông Phạm Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ thống kê Dân số và Lao động cho biết, thị trường lao động trong quý I/2022 đã dần phục hồi trở lại.
Lực lượng lao động, số người có việc làm tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là trong ngành lao động dịch vụ tăng đáng kể so với quý trước. Tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động mặc dù cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng đều giảm so với quý trước.
Cụ thể, theo thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2022 là 51,2 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng khoảng 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 0,2 triệu người, lực lượng lao động nam tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nữ (0,3 triệu lao động của nữ so với gần 0,2 triệu lao động của nam). Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2022 là 68,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Trong những tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong tổng số 50 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn nhất với 38,7%, tương đương 19,4 triệu người; tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,5%, tương đương 16,8 triệu người.
Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng thấp nhất, 27,8%, tương đương 13,9 triệu người. So với quý trước và cùng kỳ năm trước, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều giảm lần lượt là 426.800người và 192.200 người; lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 82.700 người so với quý trước nhưng tăng 661.300 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, lao động trong ngành dịch vụ tăng mạnh so với quý trước (gần 1,5 triệu người), nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 336.800 người.
Theo ông Nam, trong quý I/2022, mặc dù cả nước vần còn hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch nhưng con số này đã giảm mạnh so với quý trước (giảm 7,8 triệu người).
"Đây là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận kể từ khi đất nước chứng kiến sự bùng phát của đại dịch Covid-19", Vụ trưởng Vụ thống kê Dân số và Lao động nhấn mạnh.
Thu nhập của người lao động tăng tưởng khá
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, thị trường lao động quý I đang dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi mạnh mẽ.
Nếu như quý III/2021, thị trường lao động đã trải qua những khó khăn chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây, với mức thu nhập bình quân của người lao động là 5,2 triệu đồng, là mức sụt giảm nghiêm trọng; đến quý IV/2021 thu nhập bình quân của người lao động có dấu hiệu cải thiện hơn, tăng khoảng 139.000 đồng so với quý III.
Bước sang quý I năm nay, cùng với các chính sách kinh tế thích ứng linh hoạt, thu nhập của người lao động tăng mạnh so với quý trước, tăng 20,1% (tương ứng tăng khoảng 1 triệu đồng/người/tháng).
So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động tăng khoảng gần 2%, tăng tương ứng khoảng 100 nghìn đồng và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng 216 nghìn đồng/người/tháng. So với quý trước, thu nhập của lao động làm việc trong các ngành kinh tế có sự tăng trưởng khá.
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,3 triệu đồng, đây là khu vực có tốc độ tăng thu nhập bình quân tăng cao nhất trong ba khu vực kinh tế, tăng 22,6% so với quý trước, tăng tương ứng hơn 1,3 triệu đồng.
Khoảng 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp
Tình hình thất nghiệp ở quý I/2022 đã khả quan hơn, thay vì dịch bệnh diễn biến phức tạp như trước đây, người lao động khó có cơ hội tìm được việc làm thì nay họ đã có thể tham gia vào thị trường lao động thuận lợi hơn.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2022 là khoảng 1,1 triệu người, giảm 489.500 người so với quý trước và tăng 16,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2022 là 2,46%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 2,88%, giảm 2,21 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,31 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
So với quý trước, số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng chủ yếu ở lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Thị trường lao động phục hồi nhanh nhưng chưa thực sự bền vững.
Số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp) trong quý I/2022 là 33,4 triệu người, tăng 97.500 người so với quý trước và giảm 992.100 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỉ lệ lao động có việc làm phi chính thức chung quý I là 66,7%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Số người có việc làm phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản là 21,4 triệu người, tăng 2 triệu người so với quý trước và tăng 695.400 người so với cùng kỳ năm trước.
“So với quý trước, tốc độ tăng lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản cao hơn so với tốc độ tăng của lao động chính thức gần 5 điểm phần trăm, điều này cho thấy thị trường lao động phục hồi chưa thực sự bền vững”, ông Nam đánh giá.
Nói về nguyên nhân lực lượng lao động thất nghiệp giảm, ông Nam cho biết là nhờ sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội ngay trong quý I/2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động