'Loạn hoa hậu' - chuyện bi hài sắc đẹp

Từ ồn ào "vạ miệng" của các hoa hậu hay á hậu gần đây, nhắc đến các cuộc thi hoa hậu, nhiều khán giả lại lắc đầu ngán ngẩm vì đã có biết bao câu chuyện cười ra nước mắt về thi sắc đẹp lẫn trí tuệ của những người đẹp đăng quang.

Nhiều quy định về các cuộc thi nhan sắc, hoa hậu đã được nới lỏng trong Nghị định 144/2020 NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Nghị định này gồm 5 chương và 31 điều, đã “cởi trói” cho nhiều thủ tục hành chính, giấy phép như bỏ khái niệm “Tác phẩm sáng tác trước năm 1975”, thay khái niệm “cấp phép”, “chấp thuận” hay bỏ quy định cấm hát nhép khi biểu diễn, tăng quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước đối với các sản phẩm trên nền tảng số,... nhiều quy định về việc tổ chức cuộc thi nhan sắc, hoa hậu cũng có nhiều sửa đổi.

Theo đó, Nghị định 144 không quy định thí sinh dự thi người đẹp phải là nữ và có vẻ đẹp tự nhiên; không giới hạn cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm; cũng như cho phép công dân Việt Nam dự thi nhan sắc quốc tế mà không cần Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép.

Những quy định mới này được đánh giá là có sự cởi mở hơn cho cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, nó cũng khiến nhiều người lo lắng và có không ít băn khoăn. Nếu việc tổ chức quá dễ dàng, không bị giới hạn số lượng, thì sắp tới có thể sẽ thêm cả hàng trăm cuộc thi với quy mô “ao làng”. Và việc trên thực tế có "ào ạt" các cuộc thi và "nhan nhản" các nàng hậu đăng quang đang diễn ra với nhiều sóng gió, ì xèo về trình độ ứng xử, kiến thức văn hóa đã khiến dư luận lo lắng, băn khoăn?

anh-1-1691050087.jpg
Á hậu 1 Đào Thị Hiền khiến dư luận phẫn nộ với câu trả lời về 5 người nổi tiếng ở Nghệ An (Nguồn: MXH)

Bên cạnh những cuộc thi có lịch sử lâu đời là Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, chúng ta chứng kiến nhiều cuộc thi mới được khởi động như: Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Trái đất Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên hiệp quốc Việt Nam… Đếm sơ, cho tới tháng 12/2023, showbiz Việt cũng có ít nhất gần 100 tân hoa hậu, á hậu, hoa khôi, á khôi, người đẹp.

Theo tìm hiểu của người viết, mặc dù mang tên gọi khác nhau nhưng một số cuộc thi nói trên không có nhiều sự khác biệt. Số lượng thí sinh tham gia chỉ dừng lại ở con số trên dưới 30 người. Đã vậy, chất lượng thí sinh cũng không ít lần khiến khán giả… “hết hồn”. Các tiêu chí, giải thưởng cũng sẽ na ná nhau: Người đẹp tài năng, Người đẹp nhân ái, Người đẹp thể thao, Người đẹp áo dài… Thậm chí, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu… còn sẵn sàng chấp nhận thí sinh từng phẫu thuật thẩm mỹ.

Sự trở lại ồ ạt của các cuộc thi nhan sắc cũng kéo theo hàng loạt gương mặt cũ trở lại cùng tranh tài. Không khó để tìm ra những “gương mặt thân quen” miệt mài “chạy show” ứng thí, tìm kiếm danh hiệu từ cuộc thi này đến cuộc thi khác, từ năm này qua năm khác.

Đơn cử, mấy ngày qua, sau phát ngôn "dại miệng", hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội dù đã xin lỗi khán giả. Nhiều người đòi tước vương miện và đề nghị tổ chức Hoa hậu Thế giới tước suất thi quốc tế của Ý Nhi. Sự việc chưa lắng xuống, thì hôm nay, video trích đoạn phỏng vấn của Á hậu 1 Đào Thị Hiền tiếp tục được lan truyền "chóng mặt" trên mạng xã hội. Cụ thể, khi nhận được câu hỏi kể tên 5 người nổi tiếng ở Nghệ An, Đào Thị Hiền nhanh chóng đáp: "Hương Tràm, em, Đào Thị Hà,... à Bác Hồ, Phan Bội Châu". Câu trả lời của Đào Thị Hiền khiến nhiều người phẫn nộ. Sau những phát ngôn này, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm anti fan thu hút hàng nghìn thành viên kèm theo bình luận gay gắt.

anh-2-1691050087.jpg
Tổ chức thi chui, Ban  Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân thành đạt hoàn cầu 2023 bị phạt 55 triệu đồng (Ảnh: FBNV)

Không phải đến bây giờ, việc bùng nổ cuộc thi nhan sắc mới khiến dư luận lo ngại chuyện “loạn hoa hậu”. Chia sẻ cùng các cơ quan báo chí, bà Phạm Kim Dung - Trưởng ban Tổ chức Hoa hậu Thế giới Việt Nam đã khá lạc quan cho rằng, đúng là việc có quá nhiều hoa hậu sẽ khiến chúng ta dễ bị loạn danh xưng và mất dần đi giá trị của danh hiệu cao quý này. Song, chúng ta cũng không nên quá lo ngại.

Song nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lo lắng rằng, việc cấp phép tổ chức cuộc thi hoa hậu được đưa về địa phương là tỉnh, thành phố quản lý có sâu sát hay không, sau cùng vẫn sẽ được cơ quan quản lý cấp Bộ làm công tác hậu kiểm. Việc thu hồi danh hiệu, hủy kết quả… nếu vi phạm các điều khoản đã được nêu tại Nghị định 144/2020/NĐ – CP sẽ là lời giải cho các cuộc thi sai phạm. Song, không ít người cũng hoài nghi rằng, nếu tiếp tục “cởi trói” như vậy, nỗi lo loạn hoa hậu sẽ còn kéo dài đến bao giờ là câu hỏi chưa có hồi đáp.

Nghị định 144/2020/NĐ-CP về nghệ thuật biểu diễn “cởi trói” cho các đơn vị tổ chức. Thẩm quyền cấp phép được giao về cho địa phương, và cũng không còn giới hạn hai cuộc thi cấp quốc gia/năm như trước đây. Đó là một bước tiến lớn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc chỉ trong thời gian ngắn, các cuộc thi mọc lên như nấm ít nhiều gây phản ứng tiêu cực. Các cuộc thi đều gắn với một tôn chỉ, mục tiêu nào đó, chẳng hạn quảng bá du lịch, thúc đẩy nhận thức về môi trường… nhưng rất ít hoạt động thực tiễn có ảnh hưởng sâu rộng được triển khai sau đó. Một số vấn đề đã nảy sinh trong thực tế.

Thiết nghĩ, bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào ra đời cũng mong được áp dụng phù hợp vào thực tế và đón đầu được xu thế phát triển của đời sống xã hội. Tuy nhiên, nhiều văn bản quản lý nhà nước liên quan lĩnh vực văn hóa -nghệ thuật lâu nay vẫn bị cho là "chạy sau" hơi thở cuộc sống, vừa ra đời đã có những bất cập. Đặc biệt dư luận mong sớm có những quy định chặt chẽ, sát thực tế trong quản lý công tác tổ chức các cuộc thi tôn vinh sắc đẹp, để vinh danh đúng nét đẹp "Tâm, Tài" và tránh được nạn "ra đường gặp hoa hậu" hiện nay.

Lâm An (T/h)