Lao động tự do và khoảng trống an sinh

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.

Đây cũng là công cụ đắc lực của Nhà nước để chăm lo toàn diện cho các tầng lớp nhân dân, bảo đảm phát triển xã hội bền vững. 

Mặc dù nước ta đạt được nhiều thành tựu về bảo đảm an sinh xã hội, song diện bao phủ trong lưới an sinh còn nhiều khoảng trống, nhất là với người lao động ở khu vực phi chính thức. Theo thống kê, đến hết năm 2021, nước ta có gần 16,6 triệu lao động tham gia BHXH, chiếm khoảng 33,7% trong tổng số 50,5 triệu người trong độ tuổi lao động. Số còn lại phần lớn là lao động đang làm việc ở khu vực phi chính thức, không ký kết hợp đồng lao động, không tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi đó, tốc độ bao phủ BHXH đang trên đà chậm lại khi số người rút BHXH một lần có xu hướng tăng cao trong thời gian qua.

22-2-1651475786.jpg
Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Ảnh minh họa / Tuấn Sơn.

Những người làm việc ở khu vực phi chính thức, nhất là lao động phổ thông làm công việc tay chân nặng nhọc, người làm việc trong khu vực nông-lâm-ngư nghiệp lâu nay vẫn có câu ví von “ráo mồ hôi là hết tiền”. Mặc dù người lao động được tự do về thời gian, không bị bó buộc trong khuôn khổ nhưng lại khó tự chủ về thu nhập. Hầu hết, thu nhập của họ không ổn định, chỉ đủ trang trải cuộc sống trong thời gian ngắn và chuyện tích lũy để làm giàu là ước mơ xa xỉ với nhiều người. Bởi thế, khi gặp rủi ro về kinh tế, khi ốm đau, bệnh tật không có BHYT, hay khi về già không có lương hưu, không có tích lũy tài chính là nỗi lo, thậm chí là nỗi ám ảnh với nhiều người.

Bảo đảm an sinh xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Hơn hai năm qua, cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước càng được khẳng định rõ nét thông qua những gói chính sách hỗ trợ người lao động. Nhất là khi Chính phủ ban hành các gói an sinh 62 nghìn tỷ đồng và 26 nghìn tỷ đồng trong năm 2020 và 2021 đều đưa người lao động làm việc tự do vào diện hỗ trợ. Đây là nhóm bị ảnh hưởng sâu, trực tiếp nhất từ đại dịch, nhưng cũng là nhóm đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong tiếp cận chính sách an sinh. Vì nhiều nguyên nhân nên việc xác minh thông tin người lao động tự do thuộc diện hỗ trợ là ai, làm gì, đang ở đâu trở thành một trong những “điểm nghẽn”, khiến việc triển khai chính sách bị chậm...

Người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức “vắng bóng” trong lưới an sinh là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay, chủ yếu xuất phát từ thực tiễn khách quan và một phần nguyên nhân từ hệ thống chính sách đến việc tổ chức thực hiện chưa thích ứng, chưa bám sát thực tiễn. Trong khi với hệ thống chính sách an sinh xã hội ở nước ta hiện nay, ngân sách Nhà nước dành để hỗ trợ người lao động ở khu vực phi chính thức luôn có hạn mức nhất định và chỉ áp dụng trong những trường hợp đặc biệt như hỗ trợ khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh... Điều này vừa để bảo đảm công bằng xã hội; đồng thời cũng tránh để bị lợi dụng, ỷ lại chính sách, phát huy tinh thần vượt khó vươn lên của người lao động.

Từ thực tế trên cho thấy, một trong những giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài đó là phải phủ sóng được BHXH đến với người lao động tự do, bao gồm cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Muốn thế, phải mở rộng “cánh cửa” để thu hút được người lao động làm việc tự do tham gia vào khu vực chính thức. Bên cạnh đó, BHXH tự nguyện phải phủ sóng đến mọi miền quê, ngõ xóm ở vùng nông thôn để ai ai cũng hiểu và tham gia. Để đạt được những mục tiêu này đòi hỏi ngành BHXH và các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ, tham mưu hiệu quả cho Chính phủ, Quốc hội nhằm xây dựng được một hệ thống BHXH đa tầng và có sự điều chỉnh trong chính sách BHXH theo hướng linh hoạt, thích ứng và bám sát thực tiễn.