Lao động nữ sau tuổi 35 đối mặt với nguy cơ cao mất việc làm

Đinh Thảo
Nguyên nhân là do trình độ, năng lực và chuyên môn nghề nghiệp của một nhóm phụ nữ còn thấp, định hướng nghề nghiệp vẫn theo hướng truyền thống. Các lĩnh vực thu hút đông lao động nữ chủ yếu vẫn là dệt, may, giày da, uốn tóc, dịch vụ gia đình... Vì vậy, công việc của chị em thường không ổn định.
lao-dong-1-1694487232.jpg
Lực lượng lao động nữ hiện nay tập trung chủ yếu ở nhóm ngành dệt may, da giày. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, trong quý 2/2023 và 6 tháng đầu năm, lao động có việc làm ước tính là 51,2 triệu người, tăng 83,3 nghìn người so với quý trước và tăng 691,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động, việc làm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất.

Lý giải nguyên nhân, Tổng Cục Thống kê cho biết chủ yếu do nhiều doanh nghiệp công nghiệp cắt giảm lao động nên lao động có xu hướng chuyển dịch sang khu vực dịch vụ và chấp nhận làm công việc ít ổn định hơn.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo, thị trường lao động 6 tháng cuối năm 2023 cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng. Cùng với đó là sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt… làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn cũng bị suy giảm, dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... Điều này dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập.

lao-dong-2-1694487232.jpg
Lao động nữ sau tuổi 35 có khả năng phải đối mặt với nguy cơ mất việc trong thời điểm hiện tại

Với lực lượng lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ sau tuổi 35, những nguy cơ về mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập càng tác động nặng nề hơn lúc nào hết. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khả năng tiếp cận việc làm, điều kiện làm việc và chênh lệch lương của phụ nữ hầu như không được cải thiện trong 2 thập kỷ qua. Tình trạng mất cân bằng giới trong tiếp cận việc làm và điều kiện làm việc đang nghiêm trọng hơn so với suy nghĩ trước đây và tốc độ giải quyết vấn đề này chậm một cách đáng thất vọng trong giai đoạn 2005-2022.

Phụ nữ vẫn gặp khó khăn hơn khi tìm việc làm so với nam giới. Nguyên nhân là do trình độ, năng lực và chuyên môn nghề nghiệp của phụ nữ còn thấp, định hướng nghề nghiệp vẫn theo hướng truyền thống. Các lĩnh vực thu hút đông lao động nữ chủ yếu vẫn là dệt, may, giày da, uốn tóc, dịch vụ gia đình... Chính vì vậy, những công việc của chị em thường không ổn định, thu nhập thấp, dễ mất việc làm.

Để tháo gỡ những khó khăn này, rất cần có những chính sách hỗ trợ chị em chuyển dịch lao động. Đồng thời, chị em cũng cần được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước thay đổi định kiến với các ngành nghề để lao động nữ có việc làm bền vững, ổn định.