Người lao động dè dặt "ngóng" thị trường
Khi hoạt động du lịch ở Đà Nẵng chật vật, vợ chồng anh Võ Quang Trung (sinh năm 1988) cũng điêu đứng, phải làm đủ nghề để kiếm sống. Trước kia, anh Trung là hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa, còn vợ anh làm điều hành tour cho một công ty ở Đà Nẵng.
Dịch bệnh bùng phát, hai vợ chồng rơi vào cảnh thất nghiệp, con cái phải gửi về quê ngoại ở Hà Tĩnh. Anh Trung làm đủ thứ nghề, từ shipper (giao nhận hàng) tới bốc vác phế liệu...
"Hơn hai năm nay, tôi chỉ hy vọng dịch bệnh được kiểm soát, khách du lịch sẽ trở lại Đà Nẵng. Lúc đó, tôi lại được quay về với nghề", anh Trung nói.
Hiện, anh Trung đang làm nghề bốc vác phế liệu, công việc vất vả mà không ổn định, cuộc sống của gia đình ngày càng khó khăn. "Vợ tôi đã quay lại với nghề điều hành tour được mấy bữa nay nhưng cũng không ổn lắm vì đến giờ lượng khách đến Đà Nẵng không nhiều", anh Trung cho biết.
Ảnh hưởng từ dịch bệnh, cuộc sống của chị Hồ Thị Dịu (sinh năm 1992, hướng dẫn viên du lịch) bị đảo lộn hoàn toàn. Chị có 5 năm kinh nghiệm hướng dẫn cho các đoàn khách Trung Quốc, Đài Loan với mức thu nhập ổn định. Khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Dịu rơi vào cảnh thất nghiệp cho đến tận bây giờ. Để xoay xở cho cuộc sống, chị làm đủ thứ nghề.
"Hơn hai năm qua, tôi bán đủ các loại hàng hóa online: hạt điều, cà phê, yến… để kiếm sống. Tuy nhiên, nghề đó không thực sự bền. Vì vậy, tôi quyết định học yoga và lấy bằng huấn luyện viên. Hiện tôi đang vay mượn tiền để mở trung tâm yoga và tập trung phát triển sự nghiệp ở mảng này", chị Dịu kể.
Theo chị Dịu, khi du lịch mở cửa trở lại, đặc biệt là đối với thị trường quốc tế, ít nhất phải mất 8 tháng đến một năm, lượng khách đến Đà Nẵng mới ổn định. Trong khoảng thời gian đó, chị dự tính lo cho trung tâm yoga. Đến khi trung tâm hoạt động quy củ, nếu lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng đông, chị sẽ trở lại với nghề hướng dẫn viên du lịch.
"Không phải cứ mở cửa đón khách là du khách sẽ đến ngay vì còn có nhiều yếu tố. Khi du lịch phục hồi, khách quốc tế quay trở lại, tôi mới quay lại với nghề", chị Dịu chia sẻ.
Đào tạo lại nhân sự
Theo thống kê, kể từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại từ cuối tháng 4/2021 ở Đà Nẵng, khoảng 80% lao động (tương đương với khoảng 42.000 người) của ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp, hàng trăm nghìn lao động chịu ảnh hưởng gián tiếp.
Bước sang năm 2022, bức tranh du lịch Đà Nẵng có phần tươi sáng hơn khi khách nội địa đã bắt đầu trở lại với địa phương này. Sắp tới, Đà Nẵng sẽ đón các chuyến bay quốc tế. Do đó, các khách sạn, resort, khu du lịch đang tính toán phương án tuyển dụng nhân sự.
Ông Nguyễn Đức Cương, Tổng quản lý khách sạn Vanda (đường Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng) cho biết, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến khách sạn phải đóng cửa. Trong thời gian đó, khách sạn không thể duy trì 100% nhân lực mà chỉ giữ lại một số cán bộ, nhân viên chủ chốt.
Dự kiến trong tháng 3 này, khách sạn sẽ hoạt động trở lại. Khi đó, ngoài những nhân sự chủ chốt và nhân viên có tay nghề được khách sạn hỗ trợ lương trong thời gian qua, một số vị trí còn thiếu khách sạn cũng sẽ tuyển dụng bổ sung và đào tạo lại.
"Chắn chắn hơn 2 năm nghỉ việc, tay nghề của lực lượng lao động sẽ không còn cao như trước. Việc này khách sạn đã có tính toán. Trước khi đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ đào tạo, bổ túc lại cho nhân viên. Ngoài ra các trưởng bộ phận cũng sẽ huấn luyện lại cho nhân viên", ông Cương cho hay.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện, các khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng mới mở cửa hoạt động trở lại sau thời gian "ngủ đông", nên công suất phòng dao động từ 10 - 20%.
Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, rất nhiều nhân sự ngành du lịch đã chuyển sang lĩnh vực khác làm việc hoặc trở về quê tìm việc khác. Vì vậy, trong tương lai, thiếu hụt lực lượng nhân sự là vấn đề đáng lo ngại.
Theo ông Quỳnh, để giải quyết vấn đề trên, các đơn vị cần tuyển dụng lại đội ngũ nhân sự chủ chốt, có năng lực trong quản lý và sáng tạo. Ngoài ra, cần đào tạo lại nguồn nhân lực thông qua các trường Cao đẳng, Đại học, trường nghề…
Hội Khách sạn Đà Nẵng đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo với các trường để đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới. Theo đó, Hội Khách sạn sẽ cử hội viên tham gia giảng dạy tại các trường. Đồng thời, các trường cũng tham gia đào tạo nhân sự cho các khách sạn để đáp ứng nhu cầu ngay lập tức.
"Việc để sinh viên có cơ hội thực tập trong những thời điểm đông khách sẽ giúp họ có cọ xát với việc vận hành khách sạn, từ đó nâng cao năng lực hoạt động", ông Quỳnh cho hay.