Dự buổi lễ có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Cùng dự buổi lễ có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên. Cùng dự còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Quân khu 4; lãnh đạo các địa phương và tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ; các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động; đại diện dòng họ, thân nhân Tổng bí thư Lê Hồng Phong và thân nhân đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.
Đồng chí Lê Hồng Phong, tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại làng Đông Thôn, Tổng Thông Lãng, Phủ Hưng Nguyên, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên. Kế thừa truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương xứ Nghệ, người thanh niên giàu nhiệt huyết, bản lĩnh kiên cường đã tiếp bước truyền thống của lớp lớp cha anh dấn thân vào con đường cứu nước, cứu dân của Đảng và dân tộc ta.
Sau nhiều năm hoạt động cách mạng oanh liệt, sôi nổi, đến năm 1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai tại quê hương, rồi đưa vào giam ở Khám Lớn (Sài Gòn) và bị kết án 5 năm tù, đày ra Côn Đảo. Tại đây, sau nhiều tháng ngày bị tra tấn dã man, sức khỏe suy kiệt, đồng chí Lê Hồng Phong trút hơi thở cuối cùng vào trưa 6/9/1942.
Trước khi hy sinh, đồng chí nhắn lại: "Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, tới phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng". Tấm gương hy sinh bất khuất của đồng chí Lê Hồng Phong đã truyền thêm niềm tin mãnh liệt, ý chí kiên cường cho đồng chí, đồng đội tiếp tục đấu tranh cho đến ngày cách mạng toàn thắng.
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đã ôn lại quá trình hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Bốn mươi tuổi đời, gần 20 năm hoạt động liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng tất cả cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Lịch sử mãi khắc ghi công lao to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng bí thư Lê Hồng Phong, tự hào, trân trọng biết ơn người con ưu tú của dân tộc và quê hương Nghệ An, lớp lớp cháu con càng thấu hiểu và khắc ghi những bài học cách mạng vô cùng quý giá cho công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước hiện nay.
Diễn văn nêu rõ, học tập, noi gương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, trước hết là học tập về lòng yêu nước thiết tha, khát vọng cháy bỏng, ý chí đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, ấm no hạnh phúc cho nhân dân; đó là sự nhanh nhạy và lòng nhiệt thành với lý tưởng cách mạng, kiên định với Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; luôn chủ động, tích cực vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn đấu tranh cách mạng và từ thực tiễn phong trào để phát triển đường lối, sách lược, tổng kết lý luận sâu sát, kịp thời, đúng đắn.
Học tập, noi gương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là học tập về ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần phê bình và tự phê bình của Đảng; bài học về sự gắn kết nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng; tranh thủ thời cơ và sự ủng hộ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cho cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta. Đó là tinh thần nêu gương sáng về đạo đức của người cộng sản, tình đoàn kết đồng chí trong sáng, luôn dấn thân, sâu sát phong trào cách mạng, sự gắn bó mật thiết giữa lãnh đạo Đảng với quần chúng, luôn tin tưởng và phát huy sức mạnh to lớn của quần chúng cho cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân ta.
Để kế tục xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của đồng chí Lê Hồng Phong cùng các bậc tiền bối cách mạng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng tha thiết kêu gọi các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đoàn kết, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, nêu cao ý chí, khát vọng xây dựng và phát triển quê hương, đất nước giàu mạnh, văn minh; xây dựng tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo với tầm nhìn chiến lược, nỗ lực cao hơn nữa, quyết tâm lớn hơn nữa, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2025, Nghệ An trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc; năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, biến "Khát vọng sông Lam" thành "Kỳ tích sông Lam" trên quê hương của Bác Hồ kính yêu.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cũng khẳng định: Đời đời ghi nhớ công lao của Người chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, tỉnh Nghệ An đã xây dựng và khánh thành Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong trở thành địa chỉ đỏ quan trọng giáo dục tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân hôm nay và mai sau. Nhiều ngôi trường, tuyến phố trang trọng ở tỉnh Nghệ An và các địa phương trong cả nước đã vinh dự được mang tên đồng chí Lê Hồng Phong, nhắc nhở mỗi người ngày ngày thêm nỗ lực học tập, lao động xứng đáng hơn với tấm gương, công lao của đồng chí.
Cũng trong sáng 6/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu đã về Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An) dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đã dâng hương, đặt vòng hoa tại Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ Thanh niên xung phong toàn quốc - nơi ghi danh hơn 4.000 liệt sỹ Thanh niên xung phong trong cả nước và khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sỹ Thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Trước đó trong chiều 5/9, Chủ tịch nước đã thăm, tặng quà người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo tỉnh Nghệ An. Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi ân cần đến những hộ gia đình chính sách, người có công của quê hương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; nêu rõ Nghệ An là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Phát huy truyền thống cách mạng đó, Chủ tịch nước mong muốn bà con nhân dân, nhất là hộ nghèo, gia đình khó khăn, nỗ lực vượt qua khó khăn để có cuộc sống tốt hơn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm hỗ trợ kịp thời cho người dân, nhất là hộ gia đình chính sách và hộ khó khăn được thuận lợi hơn nữa trong tiếp cận việc làm, vay vốn đầu tư vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó là làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, quan tâm chăm sóc người có công trên địa bàn.
Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, khu VSIP thứ 11 của VSIP Group tại Việt Nam, có quy mô 750ha. Theo báo cáo của lãnh đạo Công ty TNHH VSIP Nghệ An, đến nay VSIP Nghệ An đã cơ bản hoàn thành kỹ thuật giai đoạn 1, đã lấp đầy khoảng 80% diện tích, thu hút 15 nghìn công nhân và năm nay ước tăng lên 20 nghìn công nhân. Dự kiến đến năm 2026 khu công nghiệp này thu hút 50 nghìn công nhân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Quản lý Khu công nghiệp đã có nhiều cố gắng triển khai giai đoạn 1 của Dự án và chuẩn bị bước vào giai đoạn 2, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương, thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của Nghệ An, đồng thời đóng góp vào mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Singapore. Đặc biệt, Chủ tịch nước đánh giá cao khu công nghiệp này thu hút tỉ lệ lớn các ngành công nghệ cao của nhiều nước trên thế giới, mang lại giá trị gia tăng cao và yêu cầu Khu công nghiệp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 2 của Dự án.