Những cuộc “so găng” bằng cấp
Mới đây, một cán bộ cấp huyện “ới” qua điện thoại: “Cuối tuần, đồng chí phải sắp xếp về liên hoan với tôi nhé. Tôi vừa tậu thêm một cái bằng đỏ au nữa rồi đấy!”. Nói rồi, anh kể về quá trình vừa học, vừa làm của mình. Vất vả, gian nan lắm, nhưng phải cố gắng theo đuổi đến cùng để có cái bằng không thể thiếu trong tiêu chí bổ nhiệm cương vị mới.
Lại có một cán bộ khác, quá trình trải qua các bậc học, dù rất nỗ lực tự thân vận động nhưng chi phí cho việc học ở cấp thạc sĩ, tiến sĩ không hề ít ỏi, khiến kinh tế gia đình trở nên khánh kiệt. Thế nhưng, bất chấp tất cả, dù phải đi vay mượn, anh vẫn đeo bám sự nghiệp đèn sách với nhiều mục tiêu, trong đó ước muốn lớn nhất là được sớm có cương vị công tác cao, giúp gia đình đỡ vất vả hơn về kinh tế.
Những câu chuyện tương tự như trên diễn ra khá phổ biến, như thể cán bộ đang phải chạy đua kiếm tìm bằng cấp. Bởi lẽ, nếu cán bộ không sớm lên kế hoạch, tranh thủ thời cơ đi học cho đầy đủ bằng cấp thì dù có năng lực, thậm chí là có tài năng thì không thể “so găng”, đấu đá thành công với các “đối tượng” được quy hoạch khác. Hơn thế, có thêm bằng cấp, chứng chỉ là thêm phần danh giá, như thể con người ta được cộng đồng, tổ chức, dòng họ coi trọng hơn!
Trong lĩnh vực công quyền, không biết từ những nguyên do gì, nhưng cơ quan chức năng đưa ra hàng loạt quy định khá cứng nhắc về tiêu chí trọng dụng, sử dụng cán bộ liên quan đến bằng cấp, nhất là việc bổ nhiệm cán bộ. Có lẽ bởi thế, nhiều người có tâm lý coi trọng bằng cấp, đi học lấy bằng để lý lịch cán bộ “hoành tráng” hơn. Thậm chí, có nhiều người chạy bằng cấp ngoài mục đích có chỗ làm tốt, vị trí ngon, bổng lộc nhiều, còn tự tạo cho mình “uy tín giả” thông qua cái vỏ bọc có tấm bằng cử nhân này, thạc sĩ nọ, tiến sĩ kia.
Điều đáng nói ở đây là từ tư duy sử dụng cán bộ có phần phiến diện và những tiêu chí cứng nhắc vô hình trung tạo nên tâm lý sính bằng cấp trong cộng đồng xã hội. Người ta đua nhau học hình thức, học giả, chạy bằng để đủ tiêu chí “chui” vào bộ máy công quyền làm “ông nọ, bà kia”. Hiện tượng dùng bằng giả và "chạy bằng cấp" cũng vì đó mà ngày càng nở rộ; trở thành biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống được Ban Chấp hành Trung ương xác định trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.
Không ít câu chuyện về nạn bằng cấp giả của cán bộ gây nhức nhối dư luận và tạo ra gam màu tối trong đời sống tinh thần xã hội.
Trong nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý hàng trăm cán bộ, đảng viên sử dụng bằng cấp giả một cách trắng trợn và không tưởng, ví như các trường hợp: Ông Lê Kim Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chư Sê (Gia Lai); ông Đàm Quang Vinh, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai; Thượng tá Thái Đình Hoài, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lai Châu; bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo), Trưởng phòng Hành chính-Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, sử dụng văn bằng giả, tên giả trong suốt 20 năm...
Hay cách đây mấy năm, cơ quan chức năng Trung ương đã phải vào cuộc chấn chỉnh một số cán bộ tỉnh Phú Thọ, Yên Bái sử dụng bằng tiến sĩ ở trường đại học nước ngoài không được Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta công nhận. Đặc biệt là câu chuyện ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân là “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực”.
Điều đáng nói là rất nhiều cán bộ, trí thức sử dụng bằng giả lại là người chủ trì vị trí công tác ở những cơ quan có chức năng tầm soát, kiểm tra, xử lý tệ nạn này. Đây quả là một thực tế đáng báo động về tình trạng “sử dụng bằng giả để thăng tiến thật” của một bộ phận quan chức-một biểu hiện suy thoái được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng chỉ rõ là “chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội”.
Ở Việt Nam, người có học hàm, học vị đương nhiên được xem là trí thức-là nguồn lực quý báu của Đảng và đất nước. Có người vì năng lực kém, trình độ yếu, không thể thực hiện nhiệm vụ khó nên chủ ý tập trung vào việc đi học, hòng săn bằng cấp, chứng chỉ; đến khi có cơ hội bổ nhiệm, cân nhắc thì đương nhiên họ được xem xét bổ nhiệm ở vị trí cao hơn. Trong khi, có những cán bộ mẫn cán, trách nhiệm, làm việc tốt thì bị hất sang một bên, vì họ không đủ các tiêu chí về bằng cấp. Bởi thế mà ở đó, người kém lại đi lãnh đạo, chỉ đạo người giỏi, người tốt. Người dốt lãnh đạo tổ chức sinh ra yếu kém, tiêu cực đã đành; nhưng người giỏi thì sinh ra chán nản, vơi dần nhiệt huyết cống hiến.
Đây là một thực tế hết sức đau lòng và đi ngược lại với quy luật trọng dụng, sử dụng trí thức của đất nước. Dù đã rất nỗ lực nhưng xem ra, chúng ta mới chỉ giải quyết thực trạng này ở phần ngọn. Vì vậy, việc chống tư duy sính bằng cấp, hành vi "chạy bằng", làm bằng giả cần phải có quyết tâm chính trị cao hơn, biện pháp mạnh mẽ hơn, giải quyết triệt để vấn đề từ gốc rễ; mà trước hết phải bắt đầu từ việc sớm thay đổi tư duy, cung cách ứng xử của con người đối với bằng cấp.
Thực tiễn là vườn ươm trí thức
Theo khảo sát của phóng viên Báo Quân đội nhân dân với đối tượng trí thức là cán bộ nhà nước, phần đa ý kiến cho rằng: Chuẩn hóa tiêu chí bằng cấp đối với các chức danh cán bộ là việc phải làm. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp và đáp ứng yêu cầu cao về trình độ, năng lực. Thế nhưng, nếu cứ xơ cứng áp đặt, mặc định bằng cấp, chứng chỉ là tiêu chí bất biến thì vô hình trung, chúng ta đang đi ngược lại với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc trọng dụng, sử dụng cán bộ.
Sinh thời, Bác Hồ hết sức trọng dụng trí thức và đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện nên những cán bộ, đảng viên là đại trí thức của Đảng và dân tộc. Tất nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cố nhiên không coi nhẹ bằng cấp, Người chỉ phê bình thói “chuộng bằng cấp”, học “chỉ thích đỗ đạt bằng cấp” để “thăng quan tiến chức” mà không phải “học để làm việc, làm người, làm cán bộ”, “học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.
Trong đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ lấy bằng cấp làm tiêu chí căn bản. Thậm chí, nguyên tắc lựa chọn và sử dụng cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề có yếu tố “bằng cấp”. Điển hình nhất trong cách dùng cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là trường hợp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Daniel Roussel vào năm 1992, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “... Tôi được gặp Hồ Chủ tịch lần đầu tiên ở Trung Quốc năm 1940. Chính ở đó, một hôm Người đã đề nghị tôi nghiên cứu vấn đề quân sự. Tôi đã trả lời Bác là tôi quen cầm bút hơn cầm kiếm. Tôi đã nói nguyên văn như vậy... Hồ Chủ tịch trao cho tôi nhiệm vụ phát triển phong trào Việt Minh ở vùng Cao Bằng. Và Người nhắc lại, tôi phải chịu trách nhiệm về vấn đề tổ chức quân sự”. Từ đó, một cán bộ từng là giáo viên dạy lịch sử, một nhà báo, không có bằng cấp cao về quân sự, đã từng bước trở thành vị tướng lừng danh của dân tộc và nhân loại.
Với cách sử dụng cán bộ như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rèn luyện, giáo dục nên nhiều cán bộ xuất sắc cho Đảng và cách mạng. Dù không có điều kiện kinh qua trường này, lớp nọ, bằng này, cấp kia, nhưng nhờ phấn đấu, tôi luyện trong thực tiễn cách mạng, nhiều cán bộ đã trở thành trí thức và từ trí thức trở thành đại trí thức, như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Đình Giong, Võ Văn Kiệt...
Trong thực tiễn gần 40 năm đổi mới, có không ít cán bộ dù không nhiều bằng cấp nhưng sự trải nghiệm từ thực tiễn công tác, đúc rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc đã giúp họ trở thành những nhân tài của đất nước. Họ lăn lộn vào thực tiễn và được thực tiễn rèn giũa, kiểm nghiệm. Cũng qua đó, họ trở thành những cán bộ xuất sắc vì được học ở đồng đội, ở nhân dân, học qua công việc trên cơ sở nền tảng lý luận cơ bản. Thế nhưng, đáng buồn là hiện nay vẫn còn những cán bộ tài năng, đức độ, được đồng đội, đồng nghiệp nể phục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức đoàn thể giao phó, nhưng vì nhiều lý do khác nhau lại không có điều kiện bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí về bằng cấp, chứng chỉ nên buộc phải “an phận” với những vị trí công tác không hề tương xứng. Bấy giờ, không ít ý kiến thẳng thắn, bày tỏ tiếc nuối cho riêng cá nhân cán bộ ấy và chua xót trước thực tế sử dụng cán bộ chưa thật công tâm, đúng đắn, vì lợi ích chung.
Nói đến đây, chúng ta có thể liên tưởng về việc áp đặt tiêu chí bằng cấp chẳng khác gì tổ chức những cuộc “so găng” bằng cấp, buộc cán bộ phải ganh đua, đấu đá nhau một cách đầy nghịch lý và bức xúc. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều cán bộ chỉ dám rỉ tai nhau, chứ chưa dám thể hiện chính kiến, đề xuất với cấp có thẩm quyền về việc phải sớm nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh các quy định một cách phù hợp. Thậm chí, nhiều cán bộ còn "mũ ni che tai", chấp nhận hiện tượng sính bằng cấp theo kiểu “thời thế, thế thời, thời phải thế”.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, các cơ quan tổ chức-cán bộ cần sớm nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí khoa học để đánh giá thực chất trình độ, trí tuệ, năng lực thực tế của đội ngũ cán bộ, công chức, làm cơ sở để tuyển dụng, bổ nhiệm bảo đảm đạt cả 3 mục tiêu “được người, được việc, được tổ chức”. Trong đó, việc xác định bằng cấp là một tiêu chí không thể thiếu, nhưng không vì thế mà xơ cứng, áp đặt theo lối: Nếu không có bằng cấp thì không thể cân nhắc bổ nhiệm, sử dụng, trọng dụng cán bộ.
Cần nhất quán quan điểm lấy thực tiễn là thước đo đánh giá trí thức. Tất yếu, trí thức phải là những người học sâu, hiểu rộng, nhưng phải đem ra thực hành để kiểm chứng, như lời Bác Hồ răn dạy: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận... Chỉ học thuộc lòng, để đem lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành”. Vì vậy, gắn với cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, cần đưa trí thức tài năng về những nơi khó, vào những việc khó để họ phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt hành động.
Bên cạnh đó, các cấp và cơ quan chức năng cần chủ động phòng chống, ngăn chặn tình trạng lợi dụng, ỷ thế vào quyền lực để tranh thủ cho con em mình đi học, đi đào tạo nhằm hợp pháp hóa bằng cấp, sau đó lại cố tình "giữ ghế" nhằm chờ thời cơ thuận lợi. Việc một số con em cán bộ lãnh đạo ở nhiều nơi thời gian qua thi nhau đi du học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước để “tô son, điểm phấn” cho lý lịch cá nhân rồi trở về nước làm trong bộ máy công quyền, sau đó được bổ nhiệm thần tốc cũng là một biểu hiện tiêu cực cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và có hướng xử lý phù hợp.
(Còn nữa)