Còn thiếu tầm, vắng bóng đại trí thức
Theo khảo sát, Việt Nam hiện có khoảng 6,6 triệu trí thức; cũng là quốc gia có nhiều tiến sĩ trong top đầu khu vực Đông Nam Á. Số lượng giáo sư, tiến sĩ ngày càng đông đảo và có bước tiến rất dài sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến hết năm 2021, Việt Nam có gần 60.000 cán bộ, công chức ở các cơ quan từ cấp huyện trở lên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Nếu tính từ hàm thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao hơn nhiều lần so với một số quốc gia phát triển trên thế giới. Tổ chức Times Higher Education (THE) công bố bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới, năm 2023, có 6 đại học của Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng uy tín bậc nhất thế giới.
Những số liệu nêu trên thoạt nghe qua khá ấn tượng, nhưng dù có một lực lượng trí thức khá đông đảo, nhưng xem ra chất lượng trí thức lại là câu chuyện đáng bàn; nhất là sự vắng bóng các “đại trí thức”, thiếu trí thức lớn, nhà khoa học uy tín tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Việt Nam cũng đang thiếu các nhà lãnh đạo, quản lý tầm cỡ, các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học thực sự tâm huyết với nghề, các công chức trong bộ máy chính quyền các cấp tinh thông nghề nghiệp và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về đạo đức công vụ. Các sản phẩm nghiên cứu có hàm lượng chất xám, hàm lượng khoa học chưa cao, công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống của người dân cũng chưa nhiều; các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với phát triển kinh tế-xã hội còn quá khiêm tốn... Hay đơn cử như số lượng các bài báo công bố quốc tế của ĐNTT ở đất nước 100 triệu dân trong một năm, lại thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực. Số lượng, chất lượng bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng còn khá ít, thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Có lẽ bởi thế mà trong dư luận xã hội vẫn ít nhiều xôn xao, băn khoăn về tính thực chất của học hàm, học vị mà nhiều trí thức được cấp bằng, vinh danh, hoặc “gắn mác”. Đơn cử như việc có không ít người dù đã là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhưng trình độ ngoại ngữ (trình độ bắt buộc để được công nhận) lại không đủ khả năng giao tiếp thông thường, không thể tham gia các hoạt động khoa học quốc tế có sử dụng ngôn ngữ quốc tế, hoặc đa ngôn ngữ... Dư luận vẫn hoài nghi: Tiến sĩ nhiều lắm để làm gì? Các giáo sư, tiến sĩ đang nghiên cứu gì, đóng góp gì... cho sự nghiệp cách mạng? Đó là những câu hỏi đau như xát muối vào lòng với những người có lương tri, trách nhiệm.
Điều càng thêm trăn trở là cơ quan chức năng cứ mặc nhiên thả trôi việc đánh giá kết quả hoạt động của ĐNTT theo các ngành, lĩnh vực khác nhau; chưa thật sự quan tâm đến việc thống kê có tính hệ thống rằng có bao nhiêu đề tài khoa học được nghiên cứu, bao nhiêu phần trăm đề tài đó được ứng dụng trong cuộc sống. Người làm đề tài cũng ít để ý nội dung mình thực hiện có bị trùng lắp hay không. Thậm chí, người đi sau làm trùng đề tài lại được đánh giá tốt hơn... Đặc biệt, hiện có nhiều đề tài được nghiên cứu, được bảo vệ mà tính ứng dụng rất thấp, thậm chí chỉ có tác dụng làm vật lưu niệm, mang đi trưng bày, hoặc cất vào ngăn tủ...
Lại có thời điểm dư luận đặt câu hỏi, tại sao những trí thức có địa vị, được đào tạo bài bản, làm việc ở những trung tâm nghiên cứu lớn, lại tạo ra ít công trình, sản phẩm khoa học ứng dụng trong thực tiễn hơn những “nhà sáng chế nông dân”, những người tự học, tự mày mò, nghiên cứu... Dư luận cũng lên án tình trạng trí thức vô can trước những khuyết tật, sai lầm và các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội. Hậu quả tất yếu là có nơi chính quyền các cấp chưa quan tâm đúng mức việc tham khảo ý kiến của ĐNTT trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, các dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, cũng như ý kiến phản biện của ĐNTT ở địa phương đối với các chương trình, dự án quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh.
Ngoài những câu chuyện trên, ở Việt Nam còn xuất hiện nhan nhản trí thức hình thức, trí thức giả, trí thức rởm... và nạn “giả danh trí thức”. Đây là một thực tế đáng báo động khi không ít người mang “mác” trí thức nhưng không tâm huyết với nghề, không có trình độ chuyên môn, không có “hứng thú” nghiên cứu khoa học. Rất ít người có chí tiến thủ, hay đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một chuyên gia có uy tín và tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Nhiều trí thức không xác định rõ trách nhiệm công tác, cống hiến phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mà chủ yếu là nghĩ cho mình, làm cho mình vì lợi ích kinh tế trước mắt.
Đánh giá về những hạn chế, yếu kém kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Đại hội XIII của Đảng thẳng thắn chỉ rõ: Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo... Đặc biệt, Bộ Chính trị khóa XIII chỉ rõ: “Cơ cấu của ĐNTT còn bất hợp lý về ngành nghề, khu vực, độ tuổi; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ngang tầm khu vực và trên thế giới; các công trình sáng tạo lớn chưa nhiều”. Đó quả là một nhận xét xác đáng, thẳng thắn!
Chưa đủ tâm, chưa đúng đạo
Thời gian qua, đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng hết sức đau lòng trước tình trạng nhiều trí thức, cán bộ, đảng viên có học hàm, học vị cao lại rơi vào suy thoái, biến chất, bị nhúng chàm, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, ví như đại án Việt Á có liên quan đến hàng trăm cán bộ, trí thức từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, các trí thức, nhà khoa học, nhà lãnh đạo... ở Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, nhà trường, trung tâm nghiên cứu và hàng loạt địa phương cấu kết nhau vận hành một quy trình lừa đảo hết sức tinh vi, vô nhân đạo. Những trí thức đó tự dựng nên kết quả nghiên cứu mang tầm vóc quốc tế để đánh lừa cộng đồng xã hội; lấy uy danh của trí thức để lừa đảo quần chúng vốn đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn, hiểm nguy giữa lúc đại dịch Covid-19 lên đỉnh điểm. Đây là một ví dụ khá điển hình về tình trạng suy thoái, biến chất của những trí thức không có tâm, không có lương tri và đạo đức.
Và còn nữa là hàng loạt “siêu dự án” gây tổn hại hàng nghìn tỷ đồng, các “đại án” rúng động dư luận trong nước và quốc tế... với hàng loạt quan chức, trí thức có học hàm, học vị cao bị nhúng chàm. Rồi câu chuyện những người đứng đầu cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu quốc gia bị suy thoái, biến chất, vi phạm kỷ luật... Trước đó là tình trạng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) kém hiệu quả, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không đúng mục đích, vay nợ không tính toán đang để lại gánh nợ nặng nề, làm cho nền kinh tế đất nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng;...
Kết quả khảo sát cho thấy: Ở một số địa phương, cán bộ là tiến sĩ, thạc sĩ trong bộ máy nhà nước chiếm tỷ lệ rất cao, thế nhưng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo ở những nơi này lại không đạt kết quả vượt trội, thậm chí thấp kém, với nhiều tắc trách, khuyết điểm. Đáng buồn là số lượng cán bộ có học hàm, học vị làm công tác lãnh đạo, quản lý được đánh giá là hiệu quả công tác chưa xuất sắc; thậm chí, đối tượng này có số lượng rơi vào vòng lao lý ngày càng tăng.
Thực tế còn cho thấy, có đến hàng chục nghìn người trình độ đại học và trên đại học, nhưng không phát huy được vai trò của trí thức. Họ coi bằng cấp là công cụ để tiến thân hay cơ bản nhất là để có việc làm, thu nhập, lấy cái oai trước người khác. Nhiều người có bằng cấp thường tự cao tự đại, áp đặt quan điểm cá nhân, dù quan điểm đó bị đa số công chúng phản đối hoặc không tốt cho sự phát triển chung của cộng đồng, đã dẫn đến những thất bại đáng tiếc. Trong khi, không ít người có bằng cấp cao chọn cách im lặng trước bất công xã hội, tự an ủi bản thân "tập trung làm tốt chuyên môn", mà không dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo vì lợi ích chung. Lại có những "diễn đàn" mang danh giới trí thức, tinh hoa của xã hội nhưng thực chất là nơi nhiều người đấu tố nhau, đưa ra những nhận xét thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu khoa học; nặng hình thức và chủ yếu là phô diễn, điểm tô cho “tên, tuổi” của cơ quan, địa phương hoặc cá nhân mình.
Biểu hiện trí thức không đủ tâm rõ ràng nhất chính là hiện tượng chạy bằng, chạy điểm để “chạy ghế” đã tạo ra một số lượng trí thức hình thức. Thước đo năng lực đối với những người đó không phải là trình độ, kiến thức mà là vị trí, ghế ngồi. Những trí thức đó không cần địa vị trong lòng nhân dân, chỉ cần địa vị trong tổ chức. Đó là những cá nhân như “con lươn”, “con chạch”, xem chức vụ là hàng hóa, không quan tâm đến tư tưởng, tâm lý xã hội, nhất là định kiến của người dân. Cơ quan, tổ chức, địa phương có những trí thức như vậy “đứng mũi chịu sào” tất yếu sinh ra hiện tượng kéo bè, kéo cánh, lợi ích nhóm, không trọng dụng người thực tài. Ở nơi đó, môi trường làm việc bị vẩn đục, trí thức tài năng bị kìm kẹp, đè nén, buộc phải rũ áo ra đi tìm cơ hội khác, hoặc chọn cách im lặng vì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ, trí thức của cách mạng phải có tinh thần phục vụ nhân dân, phụng sự cách mạng: “Cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức”, tuy nhiên “không phải tất cả đều là trọng. Trí thức đáng trọng là trí thức hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Người trí thức phải đề cao chữ “đức” lên hàng đầu. Họ là những người học hỏi tinh hoa, tri thức, kinh nghiệm quý báu của thế giới, nhưng phải biết đem tất cả vốn liếng đó phục vụ quê hương, đất nước.
Theo nghĩa đó, trí thức Việt Nam cần quan tâm rèn luyện đạo đức, đề cao lương tâm, trách nhiệm với nghề nghiệp, tránh xa cạm bẫy của mặt trái cơ chế thị trường, sức mạnh của đồng tiền. Chỉ khi dấn thân vào con đường khoa học chân chính mới tránh xa thói cá nhân chủ nghĩa, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức. Phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi trí thức. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, phải cần một thế hệ trí thức chấp nhận khó khăn, thua thiệt, làm việc hết mình để thay đổi môi trường, thúc đẩy nền khoa học và công nghệ nước nhà phát triển, tạo nền móng để những thế hệ sau kế tục, phát huy. Mỗi trí thức phải từ đạo đức để đi đến tài năng, phải có đạo đức trước rồi mới có chuyên môn, đức phải có trước tài, tài càng lớn thì đức phải càng cao.
“Phát triển đội ngũ trí thức, thu hút người tài, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo quản lý không còn là “nhiệm vụ” mà là yêu cầu mang tính bắt buộc, thậm chí là “nhu cầu tự thân” để phát triển đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của đội ngũ trí thức cần được “đặt đúng vị trí” để phát huy tối đa tài năng, năng lực, phẩm chất, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. (Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG)
(Còn nữa)