Kỷ niệm về Cố Nhạc sỹ Nguyễn Thành, tác giả bài hát "Qua miền Tây Bắc"

Kỷ niệm về Nhạc sỹ Nguyễn Thành nhân ngày chiến thắng Điện Biên 7/5/1954

THÁNG 10 RỒI, HÀ NỘI:
"KHÔNG THỂ NÓI TRỜI KHÔNG TRONG HƠN...”

Thú thực buổi đầu gặp nhạc sỹ Nguyễn Thành, tôi cứ tưởng ông là người dân tộc. Nước da ngăm ngăm, nụ cười hiền lành, khi ăn khi nói đều chậm rãi, từ tốn, chân thành mộc mạc. (Một phần cũng bởi cái âm hưởng bài hát Qua miền Tây bắc người lính nào cũng thuộc mà chính ông là tác giả). Có một lần mới đánh bạo hỏi ông Khắc Tuế, đoàn trưởng đoàn ca múa tổng cục chính trị bấy giờ, cũng là bạn rất thân thiết với nhạc sỹ Nguyễn Thành:”Anh ấy là người dân tộc nào hả anh” Anh Khắc Tuế mới phá lên cười: ’Không, nó người Kinh, mà là Hà nội chính cống đấy. Nhưng bởi có nhiều năm ở Tây bắc- văn công sư đoàn 308, lại là tác giả những bài hát Qua miền tây bắc hay Tiếng sáo Mèo gửi người chiến sĩ (Lời thơ : Khắc Tuế ), nên ai cũng nghĩ phải là người Tây bắc mới sáng tác được thế”. 
 

nlntv-421efc17710dedee8c7ec1e6d81ddbd7-1651825487.jpg
Ảnh: Nhạc sỹ Nguyễn Thành

Thế rồi có một đêm, ở nhà anh Nguyễn Thành, được anh pha trà mời, và kể tôi nghe về tuổi thơ ấu, và quê hương của mình. -Mình là đứa trẻ Hà nội chính cống, là đứa con của những đưòng phố. Năm 1945. cách mạng tháng Tám bùng nổ, khi ấy mình đang là một cậu học trò nghèo ở Hà Nội. Có một ngày, cờ đỏ sao vàng và khúc hát Tiến quân ca cuốn hút chúng mình theo những đoàn tuần hành biểu tình, đi từ Nhà hát lớn, tràn vào Bắc bộ phủ cướp chính quyền. Cuộc đời chiến sĩ của mình bắt đầu từ ngày ấy, và rồi ngay sau đó mình trở thành trung đội phó của một trung đội thiếu sinh quân. Với chiếc mũ ca lô có đính ngôi sao viền vàng, quần soóc và bít tất xanh, áo sơ mi vàng. Âm vang của đời lính này là nhịp giày vàng gõ đều trên mặt đường, và tiếng lách cách của khẩu súng khai hậu bên thắt lưng… Khi kháng chiến bùng nổ, mình theo đoàn quân Tây tiến lên mặt trận, tham gia những trận đọ sức với đoàn quân do tên Curiăng chỉ huy với huyền thoại do chúng bịa ra: súng bắn không thủng…Chính những năm tháng này đã làm Tây Bắc ngấm vào mình, để rồi một ngày có bài hát Qua miền Tây bắc. Nhưng trước đó, mình cũng đã từng có những sáng tác về Tây bắc… 
Nhấp một ngụm nước, đôi mắt Nguyễn Thành trở nên xa vời: 
“Vượt suối băng sông lưng núi mây ngàn 
Đoàn quân Tây tiến dồn chân bước”, anh se sẽ hát.
Anh tâm sự: Chiến trường đầu tiên, ít nhất cũng có một lần, với vốn nhạc non nớt thuở học sinh, mình đã viết bài ca Tây Bắc ấy. Đó là năm 1946, mới chân ướt chân ráo lên với núi rừng. Năm 1949 mình trở thành cán bộ của văn công xung kích sư đoàn Quân tiên phong, tức sư đoàn 308. Thu Đông năm 1952, mình cùng đội văn công trở lại Tây Bắc tham gia chiến dịch. Đêm trước ngày giải phóng Nghĩa Lộ, đội văn công xung kích với mười ba người dừng chân giữa lưng đèo Khâu Vác. Đào hầm, nhóm lửa, ngồi bàn tán với nhau về chiến dịch, rồi ôm nhau nằm chờ sáng, mình không chợp được mắt. Xúc động lớn nhất với anh em là: Lệnh Bác Hồ cử bộ đội lên giải phóng Tây Bắc. Trong thư Bác gửi, nói nhiều đến nỗi thống khổ của nhân dân Tây Bắc - miền đất và con người mà mình đã có bao kỷ niệm… 
Những lời ca vụt đến. Măngđôlin trong tay gẩy theo . Qua miền Tây Bắc được hiện lên chữ, lên giấy đêm ấy, bên ngọn lửa bập bùng giữa căn hầm đào vội, trong tiếng nhịp chân rầm rập của bộ đội vào chiến dịch. Và trong tiếng gió hú dài trên đỉnh đèo… Viết xong, mệt quá, mình ngủ thiếp đi. Sáng dậy, thấy các bạn Văn Hoán, Phùng Đệ, Vũ Hướng… những người bạn trong đội ngồi hát say sưa. Họ đã nhặt được bản thảo của mình từ trong bếp lửa! Cũng may, than đã nguội, nên giấy không bị cháy… Ngay sáng ấy, bài hát lập tức được trình diễn phục vụ bộ đội vào chiến dịch, với măngđôlin, ghi ta, sáo tre… và tác giả cùng các bạn đứng hát ngay trên đỉnh đèo, phục vụ những đoàn quân đi qua. Bài hát như ngọn lửa, qua mỗi người lính, lại bùng lên. Và ngọn lửa ấy dần lan suốt các đoàn quân, đi hết chiến dịch này sang chiến dịch kia… Trẻ chăn trâu thấy các chú bộ đội hát, cũng nhập tâm và í ới hát theo tiếng mõ trâu vang khắp cánh đồng Tây Bắc giải phóng. Lại có cả những bác xẩm cũng dùng nó để hát ngay trong nội thành Hà Nội lúc ấy còn bị giặc chiếm. Bài hát còn được truyền đến những thế hệ sau, ấy là lớp chiến sĩ Trường Sơn đã dùng nó như một chiến sĩ ca những năm đi đánh giặc… 
Năm 1954 chúng mình được đi phục vụ chiến dịch Điện Biên. Một chiều, trong hầm Bộ Tổng chỉ huy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bảo hát cho nghe hai bài, trong đó có Qua miền Tây Bắc. Nghe hát xong, Đại tướng nói: Cậu nào sáng tác bài này đáng được thưởng! Lương Ngọc Trác báo cáo với Đại tướng mình là tác giả Qua miền Tây Bắc. Đại tướng xiết chặt tay mình, hỏi cuộc đời chiến sĩ của mình. Sau đó ít lâu, mình được tặng thưởng một huân chương chiến công… 

nlntv-bo-doi-hanh-quan-1651826395.jpg
Ảnh: Bộ đội ta hành quân vào Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Một nụ cười rất sẽ sàng trên gương mặt anh. Ôi Tây Bắc. Tôi hiểu những năm tháng Tây Bắc đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn và cuộc đời nhạc sỹ Nguyễn Thành. Khuôn mặt anh thuần phác, thâm trầm. Những gì mãnh liệt nhất thường ấp ủ bên trong, ít được thổ lộ thành lời. Anh nói về mình khó khăn, nhưng đã nói, thì thật thà, nhiều khi hồn nhiên dễ yêu, dễ mến. Cuộc đời chiến sĩ, cuộc đời nghệ thuật của anh từ ấy. Và cả cái phần đời của anh cũng từ ấy. Vợ anh, chị Ngọc Thảo , nữ diễn viên múa, nữ đạo diễn truyền hình cũng là diễn viên văn công của sư đoàn 316, và buổi đầu hai người gặp nhau, cũng chính bởi những kỷ niệm về Tây Bắc, một chiến trường mà hai người đã gắn bó… 
15 năm sau, anh từ Trường Sơn ra Hà Nội, công tác tại Chương phát thanh Quân đội Nhân dân tại 58 Quán Sứ. Thú vị là trong cơ quan, cũng lại có một nhà thơ, một người lính sư đoàn quân tiên phong là nhà thơ Tạ Hữu Yên. 
Tự bao giờ hai người lính 308 thành tri âm tri kỷ. Họ hay cùng nhau lững thững từ Quán Sứ ra Bờ Hồ, khoan khoái ngồi xuống một ghế đá, bật lửa châm thuốc hút, và nhắc nhớ những kỷ niệm sư đoàn xưa. 
Không thể nói trời không trong hơn. 
Và mắt em xanh khác ngày thường. 
Khi đoàn quân tiến về mùa thu ấy. 
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường. 

nlntv-1b1b806dd5db135cb2e78a84d42399b7-1651825547.jpg
Ảnh:Nhà thơ Tạ Hữu Yên

15 năm sau, người yêu âm nhạc "choáng" về một sáng tác mới của người nhạc sỹ Tây Bắc: Cảm xúc tháng 10, với lời thơ của Tạ Hữu Yên. Hay quá, đẹp qúa, rạo rực lòng người quá. Bài hát viết về Hà nội, về sư đoàn 308 thân thiết từ ngày chống Pháp của các anh, với lời ghi đầu bài hát: "Kính tặng sư đoàn Quân tiên phong". 
Đêm, cái đêm anh rút qua gầm cầu 
Anh đã hẹn ngày mai trở lại 
Sóng sông Hồng vỗ bờ xa hát mãi 
Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca. 
Thú thực lúc đầu tôi nghe bài hát này qua tiếng hát Lê Dung, thấy tuyệt vời. Rồi nghe qua tiếng hát Kiều Hưng, Quang Thọ, rồi Quang Lý, Trọng Tấn, Tố Uyên, Vũ Thắng Lợi…Điều lạ kỳ rằng thấy dường như ai hát bài hát này cũng đều rất hay, ca sỹ thế hệ nào hát bài hát này cũng đều rất tuyệt vời. Mới ngộ ra rằng, những bài hát hay là vậy, dường như đều chắp cánh cho mọi ca sỹ. Như một định lý: Bài hát hay thường làm cho mọi ca sỹ hát đều hay hơn! 
Người ta yêu Hà nội hơn vì Cảm xúc tháng 10. Yêu những người lính quân tiên phong hơn vì Cảm xúc tháng 10. Trời Hà nội xanh hơn và những ngôi nhà cũng cao hơn vì Cảm xúc tháng 10. Mắt người thiếu nữ nào cũng trong hơn, thiết tha hơn, và sóng sông Hồng cũng dào dạt, cuộn đỏ hơn. Có gì hơn một Hà nội tháng 10 một Hà nội với những người lính trở về, hoa ngọc hà tươi thắm và một cuộc đời mới đã bắt đầu… 
Một sớm thu trong đất thắm sao vàng. 
Năm cửa ô xòe năm cánh rộng. Đoàn quân về nhấp nhô như sóng. 
Những ngôi nhà dường muốn cao thêm… 
Và em, giọng hát tôi vô cùng yêu quý, em có hát chăng bài hát về Hà nội của những người lính sư đoàn Quân Tiên Phong? 
Tháng Mười, có một Hà Nội rực rỡ màu cờ và hoa với những hân hoan, nụ cười và câu hát. Ngày 10-10-1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng. “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” đã cùng nắm tay "trùng trùng say trong câu hát”. Trong đoàn quân tháng Mười ấy, có một người nhạc sĩ trẻ tên Nguyễn Thành, một người con đất Hà thành đã trở về sau cái đêm “rút qua gầm cầu” cùng Trung đoàn Thủ Đô... Và như cùng “say trong câu hát” của bộ đội Hà Nội, của người dân Thủ đô năm ấy còn có tác giả bài thơ - nhà thơ quân đội Tạ Hữu Yên."
 

Nguyễn Hải Phong - Trường Thọ giới thiệu, sưu tầm từ CLV và báo Sự kiện và nhân chứng