Chú trọng đến các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các vùng đồng bào DTTS, đây là một trong 6 nhóm sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm cần được phát huy nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần cải thiện đời sống người dân và giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương.
Được UBND tỉnh công nhận và đưa vào hoạt động từ tháng 5/2020, đến tháng 10 năm 2021, điểm du lịch A Biu tại thôn Plei KLéch, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm Ocop ba sao cấp tỉnh. Từ đó đến nay, điểm du lịch của nghệ nhân ưu tú A Biu đã được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn.
Cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 7km về hướng Tây Bắc, điểm du lịch A Biu nằm bên tỉnh lộ 671 đi huyện Sa Thầy. Trong khuôn viên rợp bóng cây xanh, điểm du lịch A Biu như một kho tàng văn hóa thu nhỏ của người Ba Na. Từ cây nêu, máng nước, nhà sàn đến các hiện vật trong sinh hoạt đời sống hàng ngày như cồng, chiêng, chóe rượu, cung tên, giáo mác, gùi, ghè, bầu nước và nhiều vật dụng khác. Đặc biệt là được gặp gỡ, trò chuyện cùng nghệ nhân ưu tú A Biu, với những câu chuyện thú vị và bất tận về đất và người Kon Tum.
Vốn là nghệ nhân đam mê với văn hóa truyền thống, với tâm nguyện gìn giữ, bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa của người Ba Na Kon Tum nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung, hàng ngày nghệ nhân A Biu vẫn miệt mài sưu tầm, làm giàu thêm kho tàng bản sắc văn hóa của cha ông để lại và truyền dạy cho các thế hệ con cháu mai sau. Đối với ông, làm du lịch không phải cốt vì tiền mà là để chia sẻ và giới thiệu cho mọi người hiểu biết hơn về những bản sắc văn hóa, về những nét đẹp vốn có của đồng bào các dân tộc nơi đây từ ngàn xưa. Và việc nâng cao chất lượng sản phẩm Ocop về điểm du lịch A Biu sẽ giúp ông mang những nét đẹp ấy, những vốn quý ấy ngày càng bay xa.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút du khách đến trải nghiệm văn hóa, đời sống của người Ba Na, ngoài việc cải tạo, nâng cấp các gian nhà sàn, trang trí các vật dụng trong khuôn viên ngôi nhà của mình, nghệ nhân A Biu đã và đang từng bước xây dựng khu ruộng, rẫy, rừng của gia đình thành khu trải nghiệm cho du khách, tái hiện lại các hoạt động sản xuất, đời sống của dân làng theo hướng thuận thiên của cha ông ngày xưa.
Từ khi có Ocop không những lấy được sự uy tín, uy tín của nhãn hàng đó. Khách họ đến đây họ rất an tâm. Ví dụ trong ăn uống người ta tin tưởng mình làm hàng chất lượng cao cho nên mới được như vậy. Từ đó, ví dụ như rượu ghè, mình bán rất chạy. Tại vì khi khách nhìn qua Ocop người ta nhìn nhận, từ cái nhìn nhận thực tế, người ta uống thử người ta biết là rượu ngon. Từ cái ngon đó, cái chất lượng đó người ta mong thích. Dần dần dần người này nghe, tin lành đồn xa, người này truyền cho người kia, người kia truyền cho người nữa, kể cả nước ngoài người ta cũng biết, như bây giờ kể cả từ Hà Nội, như thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng điện một cái là mình đáp ứng – NNƯT chia sẻ.