Liên quan đến yêu cầu của Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh về việc không được kiểm tra bài cũ học sinh theo kiểu “gọi bất chợt, hỏi bất chợt”, nhiều ý kiến độc giả cho rằng nếu không kiểm tra, học sinh sẽ không chịu học hoặc buông lỏng, học đối phó.
Không có áp lực, học trò sẽ buông lỏng việc học
Gửi ý kiến về VietNamNet, độc giả Tri Shan cho biết dù đã 40 tuổi, đến giờ anh vẫn thuộc nhiều kiến thức phổ thông. Đó là hành trang quý giá giúp ích cho anh rất nhiều trong cuộc sống.
“Với tôi, kiểm tra bài cũ là những kỷ niệm đẹp, vừa là món quà xứng đáng cho những đêm học bài, làm sơ đồ tư duy (mindmap), đến sáng hôm sau tỉnh dậy đầu vẫn chăm chăm nhẩm bài ngay cả trên đường tới trường. Mỗi ngày đến lớp, tôi luôn hồi hộp mong được thầy cô gọi, đến khi ẵm điểm 10 mà lòng vui khôn tả”.
Do đó, độc giả này cho rằng việc kiểm tra bất chợt là phương pháp hiệu quả giúp người học làm quen việc phải đương đầu với những vấn đề bất chợt trong cuộc sống.
Một độc giả khác cũng cho rằng việc kiểm tra bài cũ bất chợt là tốt cho học sinh. “Nếu không kiểm tra, trò sẽ không học bài cũ, như vậy sẽ khó tiếp thu bài mới. Việc kiểm tra bất chợt đầu giờ cũng giúp học sinh quen với việc phải tự ý thức học hành. Nếu đợi đến lúc thông báo mới ôn tập, dù có đạt điểm cao cũng chưa hẳn đã nắm chắc, thậm chí quên ngay sau khi kiểm tra”.
Độc giả Nguyễn Văn Diễn bày tỏ giáo viên hiện nay đang bị ràng buộc bởi quá nhiều quy định như không được la mắng trẻ, không được kiểm tra bài cũ bất chợt… nên học sinh trở nên “có quyền” hơn bao giờ hết.
“Học sinh không học bài, bị điểm kém sao lại đổ thừa cho thầy cô? Có một chút áp lực đã không chịu được, sau này làm sao vượt qua những áp lực khác? Tôi cho rằng học sinh khi được kiểm tra đầu giờ, ngoài rèn kỹ năng ghi nhớ còn luyện được khả năng tự tin đứng trước đám đông… Những điều này có lợi hơn là có hại”, độc giả bày tỏ.
Nhiều độc giả cho rằng khi ở độ tuổi vẫn cần bố mẹ, thầy cô nhắc nhở, tính tự giác chưa cao, học sinh cần được kiểm tra bài cũ bất chợt để không “buông lỏng” việc học, tạo áp lực phù hợp giúp các em có động lực phát triển. Trên fanpage của VietNamNet, về vấn đề này, độc giả Nguyễn Thiên Thanh khẳng định: "Có áp lực mới có kim cương".
Kiểm tra bài ra sao để hiệu quả?
Theo độc giả Đức Thịnh, cần thiết phải duy trì kiểm tra bất chợt, nhưng nên thay đổi hình thức để đem lại hiệu quả, vừa tạo động lực trong học tập cho học sinh.
“Ví dụ, thay vì kiểm tra nội dung phải chính xác từng chữ, giáo viên có thể đặt một số câu hỏi ứng dụng, gắn liền với thực tế cuộc sống hoặc thông qua các trò chơi để kiểm tra kiến thức cơ bản của những bài học trước. Điều này có tác dụng khởi động, giúp các em cảm thấy hứng thú khi bắt đầu vào bài học mới. Với những kiến thức khó, phức tạp hơn, giáo viên có thể kiểm tra trong bài 15 phút hoặc 1 tiết, có thông báo trước để học sinh chuẩn bị cẩn thận”.
Một độc giả khác cũng cho rằng để giảm căng thẳng, bối rối hay mất bình tĩnh cho học sinh, việc kiểm tra đầu giờ có thể thay thế bằng hình thức cả lớp cùng thảo luận bài cũ. Điều này giúp học sinh bắt nhịp vào bài học mới nhẹ nhàng, vừa giúp giáo viên nắm bắt những khó khăn khi tiếp thu bài cũ của học trò, từ đó kịp thời động viên, nhắc nhở các em…
Bên cạnh đó, thay vì đánh giá vào đầu tiết học, việc lấy điểm có thể thực hiện trong tiết học, ví dụ vừa dạy, vừa kích thích học sinh phát biểu ý kiến.
Độc giả Minh Thùy cũng cho rằng việc kiểm tra nên thực hiện dưới nhiều hình thức ngoài việc hỏi, ví dụ viết, thuyết trình, thực hành, làm sản phẩm học tập… Trong trường hợp kiểm tra bất chợt, giáo viên nên kiểm tra bài cũ một cách nhẹ nhàng, chỉ cần đảm bảo yêu cầu kiến thức cần đạt và không nên đánh đố học sinh.
“Điều quan trọng nhất, tôi cho rằng nên khuyến khích học trò tự đọc, tự tìm tòi để đưa ra ý kiến, quan điểm, từ đó hình thành tư duy khoa học. Ở bậc đại học, nhiều thầy cô cho sinh viên mở tài liệu để làm bài kiểm tra. Đây là cách làm hay mà bậc phổ thông có thể áp dụng.
Như vậy, thay vì học thuộc lòng từng câu, từng chữ, giờ đây các em phải biết cách suy luận, ứng dụng và phản biện. Đây đều là những kỹ năng cần thiết và là hành trang quý giá cho các em đi làm sau này”.
Một độc giả khác lại thẳng thắn, việc kiểm tra bài cũ không phải ám ảnh của học sinh. Cách hành xử của giáo viên nếu gặp học sinh không nhớ bài cũ mới là điều tạo nên áp lực.
“Cần khẳng định kiểm tra bài cũ là cần thiết giúp học sinh tự giác và có ý thức học hành mọi lúc. Tuy nhiên, giáo viên cũng cần có cách ứng xử phù hợp, nhẹ nhàng để học sinh không cảm thấy sợ sệt, áp lực mỗi khi vào đầu giờ học”.