Kết nối ''3 nhà'' trong đào tạo nghề

Nhiều đơn vị giáo dục nghề nghiệp đã và đang tập trung triển khai hoạt động hướng nghiệp cho sinh viên. Trong bối cảnh ấy, việc tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa “3 nhà”: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp thực sự là mô hình cần được nhân rộng, giúp việc đào tạo nghề đạt chất lượng cao, ngày càng gắn với nhu cầu của thị trường lao động.
nlntv-truong-cao-dang-nghe-cong-n-1649808665.jpg
Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề năm 2022.

Cả ba bên đều được lợi

Không phải ngẫu nhiên việc ký kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa Tập đoàn Sun Group, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội và một số đơn vị giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố mới đây được coi là “thổi luồng gió mới” mạnh mẽ, hỗ trợ các nhà trường đúng thời điểm hướng nghiệp cho học viên, sinh viên.

Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Mỹ Trần Thị Mỹ Hằng, tham gia mô hình “3 nhà” lần này, nhà trường vừa bám sát được chủ trương, chính sách của nhà quản lý, vừa nắm rõ nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp để đưa ra định hướng nghề nghiệp phù hợp cho sinh viên, có giải pháp đào tạo sát thực, cung cấp nguồn lao động bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Còn Giám đốc phân hiệu Hà Nội - Trường Cao đẳng quốc tế Pegasus Ngô Trung Hà nhìn nhận, tham gia mô hình hợp tác “3 nhà” là cơ hội để nhà trường đưa học viên đến thực tập kỹ năng nghề tại các cơ sở của doanh nghiệp. Các em vừa được thực hành, vừa được trả lương.

Để việc hợp tác phát triển nhân lực thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, ông Ngô Trung Hà cho rằng, rất cần nghiên cứu mô hình kết nối người học - nhà trường - nhà tuyển dụng. Chẳng hạn, sinh viên tham gia chương trình đào tạo theo mô hình này chỉ cần nộp 30% học phí, doanh nghiệp tuyển dụng hỗ trợ trả 40% và 30% còn lại doanh nghiệp chuyển về trường, thông qua việc trả lương cho sinh viên khi họ được tuyển dụng.

"Khi ấy, sinh viên được hỗ trợ chi phí rất đáng kể, lại yên tâm “đầu ra” sau khi học xong. Nhà trường vẫn được bảo đảm nguồn thu từ đào tạo dạy nghề. Đơn vị tuyển dụng được ra yêu cầu, đề nghị nhà trường đào tạo lao động đạt chuẩn, có thể làm việc ngay khi ra trường. Như vậy, cả ba bên đều được lợi”, ông Ngô Trung Hà nói.

nlntv-le-ky-ket-hop-tac-phat-trie-1649808760.jpg
Lễ ký kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Tập đoàn Sun Group và một số trường giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Thắt chặt mối liên kết

Mô hình kết nối “3 nhà” đã được triển khai và khẳng định được tính hiệu quả trong thực tế đào tạo nghề ở Hà Nội. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, chỉ đạo xuyên suốt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trong nhiều năm qua luôn là tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực, gia tăng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập; tập trung đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, bảo đảm thích ứng với điều kiện sản xuất mới.

Việc hợp tác giữa 3 nhà: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp là mô hình thực sự hữu ích, giúp cho chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp. Nhờ vậy, thời gian đào tạo, chi phí đào tạo vừa tiết kiệm, vừa đạt hiệu quả, mang lại kết quả là nâng cao kỹ năng nghề cho học viên, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Hơn thế, học viên học nghề còn có kỹ năng làm việc tập thể để đáp ứng các vị trí việc làm khi được tuyển dụng, nắm chắc các yêu cầu khi tham gia phỏng vấn…

Hiện tại, hầu hết các trường dạy nghề đều có Trung tâm Tư vấn giải quyết việc làm, kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong đào tạo; còn doanh nghiệp tham gia đánh giá kết quả đào tạo và tuyển dụng theo nhu cầu.

Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông vận tải trung ương 1 Dương Thế Anh, việc hợp tác toàn diện, từ khâu quản lý đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho đến hỗ trợ việc làm cho sinh viên, học viên, đáp ứng khả năng, điều kiện của mỗi bên… có ý nghĩa rất lớn. Vì vậy, nhà trường luôn nghiên cứu, trau dồi kiến thức dạy và học theo các giáo trình mới, hiện đại nhất, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực có kỹ năng, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Thời gian tới, nhà trường sẽ phối hợp với doanh nghiệp tổ chức thực tập cho sinh viên, bảo đảm công tác đào tạo nghề tiếp cận sát nhất với nhu cầu của thị trường.

Từ phía ngược lại, để việc nhân rộng mô hình hợp tác “3 nhà” ngày càng hiệu quả hơn, các doanh nghiệp phải phối hợp để đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất cho các trường dạy nghề, mời chuyên gia giỏi hỗ trợ đào tạo, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, cần xây dựng bộ tài liệu công cụ đánh giá theo tiêu chuẩn nghề của từng lĩnh vực...

Tạo căn cứ pháp lý cho hình thức liên kết như trên, ngày 5-4, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BLĐTBXH quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp. Cùng với những cách làm như của Hà Nội, hành lang pháp lý đang được hình thành để việc liên kết đạt mục tiêu khai thác, huy động nguồn lực xã hội cho việc đào tạo nhân lực lao động chất lượng, hiệu quả.