Hướng mở cho học sinh không trúng tuyển lớp 10 công lập tại Nghệ An

Trung bình mỗi năm Nghệ An có khoảng 40.000 học sinh lớp 9 tốt nghiệp Trung học cơ sở, con số này tăng nhanh từng năm.
nghe-an-090524-1715223589.jpg
Giờ học nghề may tại Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An

Với mục tiêu đến năm 2025 có 25% học sinh bậc Trung học cơ sở vào học nghề, Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp để làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút người học nghề.

Phân luồng đúng đối tượng

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2024 – 2025, thành phố Vinh có hơn 6.000 học sinh lớp 9, tăng hơn 800 em so với năm học trước. Trong khi đó, chỉ tiêu của các trường công lập tại thành phố chỉ khoảng 2.000 em. Do số lượng học sinh dự thi đông, cơ hội thấp, việc đánh giá đúng năng lực học sinh, phân hóa đúng đối tượng sẽ giúp các em có định hướng phù hợp khi đăng ký chọn trường, chọn nghề.

Trường Trung học cơ sở Hà Huy Tập, thành phố Vinh là trường có số lượng học sinh đông nhất tỉnh. Việc phân hóa đối tượng học sinh được nhà trường đặc biệt chú trọng. Để chuẩn bị tốt tâm thế cho học sinh, nhà trường thực hiện đồng thời nhiều giải pháp như: tổ chức ôn tập, thi thử, kiểm tra đánh giá và tổ chức phụ đạo cho học sinh. Kết quả của các bài kiểm tra sẽ là một trong những cơ sở quan trọng giúp phân hóa học sinh.

Cô giáo Hà Lê Hòa Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hà Huy Tập cho biết: Từ điểm thi của học sinh, nhà trường chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 là những học sinh có thể thi vào các trường công lập và các trường chuyên. Tuy nhiên, nhóm này cũng chia thành mấy mức để định hướng các em thi vào các trường công lập tương đương với năng lực. Nhóm 2 là những học sinh yếu hơn (như học lực trung bình khá), khó có khả năng thi đỗ vào các trường công lập, nhà trường sẽ định hướng các em đăng ký vào các trường ngoài công lập. Nhóm thứ ba, với những em năng lực hạn chế, sẽ định hướng để các em học nghề.

Trong số 558 học sinh lớp 9 của năm học này, Trường Trung học cơ sở Hà Huy Tập đã rà soát bước đầu, có khoảng 100 học sinh nằm ở 2 nhóm dưới. Giáo viên chủ nhiệm rà soát lại năng lực từng học sinh, có kế hoạch để phụ đạo, bồi dưỡng thêm cho các em. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tổ chức cuộc họp riêng với các phụ huynh của học sinh nhóm này để thông báo kết quả học tập, dự báo những khó khăn trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới. Nhà trường cũng đưa ra các phương án khác để phụ huynh lựa chọn trong tình huống các em không thi đỗ vào lớp 10 công lập.

Không chỉ ở thành phố Vinh, việc phân hóa để phân luồng đúng đối tượng cho học sinh cũng được nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh quan tâm. Tại thị xã Hoàng Mai, chỉ có khoảng 1.000 học sinh có chỉ tiêu vào công lập, 1.000 học sinh còn lại vào các trường nghề (thị xã không có Trung tâm Giáo dục thường xuyên, không có trường ngoài công lập).

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Vinh, Chủ nhiệm lớp 9E, Trường Trung học cơ sở Quỳnh Vinh cho biết: "Hiện nay, lớp tôi chỉ có 18 học sinh đăng ký thi lớp 10, còn lại 20 em cho biết sau khi tốt nghiệp sẽ đi học nghề. Thời gian qua, đã có nhiều trường nghề đến lớp trực tiếp tư vấn cho phụ huynh và không ít phụ huynh đã sẵn sàng đăng ký học nghề cho con dù chưa có kết quả thi cuối kỳ. Theo tôi, điều này là rất tốt, khi đã có sự chủ động, phụ huynh, học sinh sẽ sớm định hướng được nghề nghiệp và lựa chọn các trường nghề phù hợp, giúp các em phát huy được khả năng của mình".

Nhiều hướng mở cho học sinh phân luồng

nghe-an-090524-2-1715223589.jpg
Trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic đa dạng nội dung học nhằm thu hút học sinh

Do chỉ tiêu có hạn, hằng năm, số học sinh vào các trường công lập ở Nghệ An chiếm khoảng 70 - 75%. Số còn lại hoặc là vào học các trường ngoài công lập, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, hoặc đi học nghề theo định hướng nghề nghiệp.

Thực tế cho thấy, việc phân luồng hướng nghiệp cho học sinh là điều cần thiết. Bởi lẽ, cơ sở vật chất của các trường công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh. Trong khi đó, nếu không làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng sẽ dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học sau khi tốt nghiệp lớp 9. Vấn đề này càng thiết thực với các khu vực miền núi cao Nghệ An vì nhiều năm nay, tỷ lệ học sinh lớp 9 tiếp tục theo học lớp 10 còn rất thấp như: Kỳ Sơn 48%, Tương Dương 52%, Con Cuông 63%, Quế Phong 55%, Quỳ Châu 60%.

Để tăng cường hiệu quả phân luồng, hướng nghiệp, các địa phương đều xây dựng kế hoạch và tạo mọi điều kiện để các Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề được thuận lợi trong công tác tuyển sinh. Qua thống kê, số lượng học sinh phân luồng tham gia học ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp, hoặc học ở các trường nghề tăng theo hàng năm.

Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An, huyện Con Cuông đào tạo 8 mã ngành, trong đó 6 mã ngành tỷ lệ có việc làm lên tới 100%. Các mã ngành "hot" như: may, hàn, điện, công nghệ ô tô của trường được tăng quy mô đầu tư, hứa hẹn nằm trong top các trường nghề có quy mô trường lớp và cơ sở vật chất theo chuẩn đào tạo nghề quốc gia. Để có được kết quả đào tạo tốt nằm trong top đầu của khối trường nghề, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An đã có nhiều cách đổi mới trong công tác đào tạo và tuyển sinh.

Ông Lê Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An cho biết: Đến mùa tuyển sinh, giáo viên thực hiện các chương trình giáo dục kỹ năng, hướng nghiệp cho học sinh, thu hút các em tham gia vào các hoạt động của nhà trường. Khi triển khai công tác tuyển sinh, giáo viên tiếp cận với phụ huynh trước và cam kết với họ về cơ hội việc làm sau khi được đào tạo. Vì thế, trong nhiều năm nhà trường luôn đạt 100% chỉ tiêu đề ra, mỗi năm tuyển sinh được 150 – 200 chỉ tiêu vào các lớp nghề là học sinh phân luồng.

Trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic là một trong những trường nghề có mức học phí cao nhất ở Nghệ An hiện nay, với chi phí cho 3 năm học là hơn 150 triệu đồng. Học sinh được học trong môi trường khá hiện đại, với nhiều chuyên ngành “hot” như: Thiết kế đồ họa, Digital Marketing, Ứng dụng phần mềm. Với triết lý “Học nhanh - Làm sớm”, học sinh của trường chỉ học 4 môn văn hóa cơ bản; song song với đó, các em được đào tạo nghề và được nhận bằng Cao đẳng chính quy sau khi tốt nghiệp.

Mặc dù mức học phí khá cao, nhưng theo ông Trần Mai Tú – Giám đốc phân hiệu Cao đẳng FPT tại Nghệ An, nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con theo học vì nhận thức về học nghề trong những năm gần đây đã có nhiều sự thay đổi. “Khi tiếp cận với phụ huynh, chúng tôi hay nhận được câu hỏi, nếu học nghề, các em có được vào cao đẳng không, có được tiếp tục học đại học không, môi trường học tập có gì tân tiến, cơ hội việc làm sau khi ra trường. Nếu thỏa mãn được các yêu cầu đó, phụ huynh sẵn sàng đồng hành để các con theo học, chấp nhận vượt qua những định kiến thông thường", ông Trần Mai Tú nói.

Để việc phân luồng đúng thực chất, học sinh, phụ huynh hiểu đầy đủ về hướng nghiệp, dạy nghề, ông Hoàng Sỹ Tuyến – Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: “Các nhà trường nên đổi mới bằng cách tổ chức nhiều hoạt động định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh lớp 8, lớp 9 như: đi tham quan trải nghiệm hướng nghiệp ở các trường dạy nghề; mời đại diện các trường cao đẳng, trung cấp nghề đến trường giới thiệu về nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần có những CEO ở các doanh nghiệp, phụ huynh thành công ở các lĩnh vực đến trường nói chuyện với học sinh, giúp các em nhìn nhận tổng thể được bức tranh về nghề nghiệp, cơ hội việc làm, từ đó có sự cân nhắc, quyết định lựa chọn”.

Nói thêm về điều này, ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng – Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: “Cần huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh, tạo điều kiện cho quá trình thực hành, thực tập và tiếp nhận học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Khi mọi điều kiện đã chuẩn bị một cách đầy đủ, lấy đầu ra là học sinh, việc phân luồng, hướng nghiệp sẽ dễ dàng, hiệu quả và đi vào thực chất, đúng và trúng đối tượng”.