Tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, kể từ ca ghép tạng đầu tiên đến nay đã có những bước tiến mạnh mẽ sau 30 năm, nhờ đó nhiều người bệnh được cứu sống một cách ngoạn mục.
Những bước tiến dài…
Tháng 12/1992, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh thực hiện ca ghép thận đầu tiên từ người cho sống. Sự kiện này mở đầu cho hành trình 30 năm ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và khu vực phía Nam nói chung. Cũng từ đó, đơn vị này có những bước tiến dài trong lĩnh vực ghép tạng. Năm 2004, Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ghép thận bằng phương pháp mổ nội soi và đến năm 2008 bắt đầu ghép tạng từ người cho chết não. Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, việc ghép tạng từ người cho chết não đã mở ra một chương mới về ghép tạng, không chỉ trong kỹ thuật chuyên môn mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai ghép tạng từ người cho chết não, Bệnh viện Chợ Rẫy mới chỉ thực hiện được ghép thận, giác mạc và gan. Đến năm 2017 đơn vị này mới triển khai thêm ghép tim từ người chết não. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng Khoa Hồi sức phẫu thuật tim, ghép tim từ người cho chết não là phương pháp điều trị triệt để nhất cho các bệnh nhân suy tim. Ca ghép tim thành công này đã đánh dấu sự khởi đầu cho lĩnh vực ghép tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhờ đó, các trường hợp ghép tim ở khu vực phía Nam được thực hiện giúp tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân và người nhà trong việc đi lại và ăn ở, không phải chuyển bệnh nhân đi khu vực khác. Đến nay Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện được 9 ca ghép tim, trong đó tỷ lệ người nhận tim sống trên 1 năm là 95%.
Đặc biệt, ở ca ghép tim thứ 9, quả tim của người hiến không hoàn hảo khi tim dày thất do người hiến bị cao huyết áp trước đó. “Ở các ca ghép tim trước, chúng tôi đều lựa chọn quả tim hoàn hảo nhất để ghép, tạo sự an toàn cho người nhận, những quả tim có bệnh lý thường mang nhiều rủi ro hơn và bắt buộc phải tuân thủ điều trị sau ghép nghiêm ngặt. Thật mừng khi bệnh nhân ca ghép tim thứ 9 đã phục hồi rất tốt, quả tim cũng đã cải thiện mỗi ngày. Việc mạnh dạn sử dụng cả những quả tim không hoàn hảo và ghép thành công mở ra bước ngoặt lớn, tăng thêm cơ hội ghép tim từ người hiến chết”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thái An cho hay.
Mới đây nhất, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện ca ghép da đầu tiên từ người cho chết não. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng – Phẫu thuật tạo hình, ghép da không phải là một kỹ thuật khó và việc ghép da từ trước đến nay chủ yếu thực hiện từ người cho sống. Song, không phải ai cũng có người thân có thể cho da để ghép. Như trường hợp của bệnh nhân được ghép da mới đây không có người thân thích và rất may, thời điểm người này bị bỏng nặng cũng là lúc có người chết não hiến tạng. Các bác sĩ đã lấy da của người hiến tạng để ghép cho bệnh nhân này. “Bệnh nhân bỏng lửa xăng rất nặng, có đến 15% diện tích cơ thể không được che phủ, nếu như không được ghép da thì nguy cơ tử vong rất cao do bị nhiễm trùng”, bác sĩ Ngô Đức Hiệp cho hay. Theo bác sĩ Hiệp, nếu có một ngân hàng da thì việc lấy da dự trữ để ghép cho người bị phỏng nặng là việc cần làm trong tương lai.
… dần tiệm cận với thế giới
Thành công nhất trong ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy phải kể đến là lĩnh vực ghép thận. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu cho biết, ca ghép tạng đầu tiên thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy là ghép thận. Và trải qua 30 năm, đơn vị này đã thực hiện được 1.061 ca ghép thận, trong đó nguồn tạng hiến chủ yếu từ người cho sống. Bắt đầu từ năm 2008, bệnh viện triển khai ghép thận từ người chết não đầu tiên tại Việt Nam và đến năm 2015 thực hiện ghép thận từ người cho tim ngừng đập đầu tiên. Song, do nguồn tạng hiến khan hiếm nên số lượng ca ghép từ người cho chết vẫn còn khá ít ỏi, chỉ chiếm chưa đến 5% trong các ca ghép thận tại đây.
Theo bác sĩ Sâm, tỷ lệ thành công của các ca ghép thận do Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện là 89% sống sau 5 năm và 74% sau 10 năm. Tỷ lệ này tương đương với các trung tâm ghép tạng tiên tiến trên thế giới. Đáng chú ý, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện được một số kỹ thuật khó trong ghép thận như ghép thận đổi chéo, ghép thận bất dung hợp nhóm máu, ghép thận không hòa hợp miễn dịch và ghép thận đón đầu… Trong đó, năm 2017 bắt đầu ghép thận đổi chéo đối với những người bất dung hợp miễn dịch. Thành công của ghép thận đổi chéo đã mang lại cơ hội cho những người suy thận nhưng hòa hợp miễn dịch với người thân trong gia đình. “Chúng tôi đã ghép nhiều ca đổi chéo là thận của người thân bệnh nhân này cho bệnh nhân khác do không hòa hợp miễn dịch. Việc ghép đổi chéo này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật cũng như y đức”. Được biết có nhiều nước châu Á vẫn chưa thực hiện được kỹ thuật này.
Mới đây, năm 2020, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai thành công ghép thận không cùng nhóm máu nhưng không theo quy tắc truyền máu. Đây là một kỹ thuật khó mà thế giới phải mất 30 năm mới thực hiện được bởi nếu không lấy được kháng thể ra khỏi cơ thể người nhận tạng thì khi ghép sẽ bị sốc phản vệ, tử vong ngay trên bàn mổ hoặc gây thải ghép tối cấp. Để làm được điều này, các bác sĩ phải lọc huyết tương của người nhận nhiều lần để lấy kháng thể ra, sử dụng nhiều loại thuốc ngăn tế bào lympho sản sinh kháng thể, ức chế miễn dịch. Đến nay Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện được 3 ca ghép thận không cùng nhóm máu. “Kỹ thuật ghép thận nào thế giới làm được thì Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã làm được”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Thái Minh Sâm khẳng định.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện bệnh viện đã triển khai được hầu hết các kỹ thuật ghép mô, tạng bao gồm: ghép gan, thận, giác mạc, tim, tủy, da… Để tiệm cận với những tiến bộ của ghép tạng thế giới, Bệnh viện Chợ Rẫy đang có kế hoạch cử nhân sự đi học tập kỹ thuật ghép phổi và ghép ruột ở những nước tiên tiến. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng có định hướng triển khai ghép đa tạng trên cùng một bệnh nhân trong cùng một thời điểm. Kỹ thuật ghép đa tạng giúp người mắc 2-3 bệnh cùng lúc tránh được nhiều ca phẫu thuật ghép và nâng cao chất lượng sống.
Sự sống nối tiếp sự sống
Tiến sĩ, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, kể từ khi triển khai ghép tạng đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện được 1.115 ca ghép các bộ phận cơ thể người. Tuy nhiên, ghép tạng từ người hiến sống chiếm tỷ lệ rất cao, trên 95%. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của ghép tạng tại Bênh viện Chợ Rẫy cũng như các trung tâm ghép tạng khác là thiếu nguồn tạng hiến, trong khi đó danh sách bệnh nhân chờ được ghép tạng rất dài. Trong số đó, có những người đã không chờ được tạng ghép và qua đời. Đây là điều rất đáng tiếc.
Đặc biệt, ghép tạng từ người cho chết não và tim ngừng đập vẫn còn khá hiếm hoi. Thống kê của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, mỗi năm cả nước chỉ vận động được khoảng 10 người chết não hiến tạng. Con số này quá ít ỏi so với thế giới, nguyên nhân là do nhận thức về việc hiến tạng sau khi qua đời của người dân Việt Nam vẫn còn thấp. Hiện nay Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 34.000 người đăng ký hiến tạng sau khi qua đời, tuy nhiên, từ khi đăng ký đến khi nhận được nguồn tạng hiến là một quãng đường rất xa bởi công tác vận động, thuyết phục thân nhân người đăng ký hiến tạng còn gặp nhiều rào cản. Cùng với đó, Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác vẫn chưa hoàn thiện, trong đó có quy định không được lấy tạng của trẻ em dưới 18 tuổi.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận, nhờ vào sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật ghép tạng, đặc biệt là việc ghép tạng từ người cho chết não và tim ngừng đập đã mang lại cơ hội tiếp tục sự sống cho nhiều người. Khi một người chết não hiến tạng thì sẽ có 7-8 người được hồi sinh. Đáng chú ý, sau 30 năm triển khai ghép thận, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Thái Minh Sâm báo tin vui, đã có hơn 300 trẻ em được chào đời từ cha hoặc mẹ ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Như vậy, với những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật ghép tạng ngày càng được nâng cao, nhiều ngọn đèn trước gió không chỉ được hồi sinh mạnh mẽ mà còn “đâm chồi nảy lộc” để sự sống tiếp tục được nối dài.