Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam, trẻ em luôn là đối tượng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội, nhất là đối với những trẻ em có liên quan đến pháp luật.
Quy định của Hiến pháp Việt Nam, nhất là Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân nói chung và dành một điều riêng để quy định về các quyền của trẻ em, nghĩa vụ của Nhà nước, gia đình, xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, quan trọngtrong đó là Luật Trẻ em năm 2017.
Chương XXVIII Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng về các biện pháp bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em. Những quy định này đã tạo nên công cụ pháp lý tương đối đầy đủ và toàn diện để bảo vệ các quyền và lợi ích của trẻ em nói riêng và người chưa thành niên nói chung.
Cùng với đó, công tác tổ chức thi hành pháp luật về trẻ em nói riêng và người chưa thành niên nói chung cũng được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã quan tâm nhiều hơn với việc xây dựng và ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể. Dưới góc độ pháp luật quốc tế, Việt Nam cũng tích cực, chủ động tham gia vào các cơ chế pháp lý quốc tế đa phương liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệpquốc về Quyền trẻ em cũng như tham gia các văn kiện quốc tế khác có quy định về bảo vệ trẻ em liên quan đến pháp luật như Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, các nghị định thư bổ sung Công ước về Quyền trẻ em. Ủy ban về quyền trẻ em (Cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi Công ước về Quyền trẻ em) gần đây cũng đã ghi nhận việc Việt Nam đưa ra các biện pháp xử lý chuyển hướng, các thủ tục thân thiện với trẻ em, các tiêu chuẩn đối xử tối thiểu đối với trẻ em khi tiếp xúc với hệ thống tư pháp, cũng như việc triển khai các Tòa án Gia đình và Vị thành niên thành các tòa án chuyên biệt dành cho trẻ em.
Để tiếp tục làm tốt hơn nữa trong công tác bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em, từ đó góp phần thực hiện thành công chiến lược cải cách tư pháp, hướng tới xây dựng một nền tư pháp văn minh, tiến bộ, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, kiện toàn tổ chức bộ máy thì việc xây dựng, tang cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, trong đó có tư pháp người chưa thành niên là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết, là một đòi hỏi khách quan khi xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính.
Các cán bộ tư pháp cần được đào tạo toàn diện, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, giỏi về pháp luật, chắc về nghiệp vụ, có kiến thức thực tiễn để đảm nhận trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh kết quả đạt được thì công tác tăng cường năng lực cho đội ngũ thi hành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên, so với mục tiêu, kỳ vọng thì còn nhiều việc cần được tiếp tục làm tốt hơn nữa, nỗ lực và trách nhiệm cao hơn nữa của tất cả các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương và của toàn xã hội để dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, đặc biệt là những trẻ em có liên quan đến pháp luật.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên sâu về tư pháp người chưa thành niên nhằm tăng cường bảo vệ người chưa thành niên nói chung và người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật nói riêng, đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực cao của tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tại Phiên thảo luận hoàn thiện và thực thi pháp luật này, trên cơ sở những chia sẻ của Việt Nam về kết quả đạt được cũng như khó khăn, thách thức trong nâng cao năng lực chuyên sâu về tư pháp người chưa thành niên, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan pháp luật, tư pháp, các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp, những đề xuất, kiến nghị cũng như sự chung tay, góp sức của cộng đồng quốc tế, giúp Chính phủ các cơ quan có liên quan của Việt Nam hành động hiệu quả hơn trong việc tiếp tục nâng cao năng lực chuyên sâu về tư pháp người chưa thành niên nhằm tăng cường bảo vệ người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật.