Hội nghị xúc tiến thương mại và xuất khẩu khu vực miền Trung Tây Nguyên

Nhằm tạo bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.
hoi-nghi-xuc-tien-thuong-mai-1-1719629361.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Ngày 28/6, tại TP Đà Nẵng, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và xuất khẩu khu vực miền Trung Tây Nguyên. Tham dự Hội nghị có bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng; ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế; bà Ding CuiYu - Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng; ông Kang Boosung - Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng; ông Souphanh HADAOHEUANG - Tổng lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương; Trung tâm Khuyến công và XTTM và cộng đồng doanh nghiệp khu vực miền Trung Tây Nguyên.

Khu vực miền Trung Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "mặt tiền" của quốc gia, "khúc ruột" của Tổ quốc là "cửa ngõ" ra biển cả, "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế, nhiều cảng biển và cảng hàng không lớn; có vị trí địa lý chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây; có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, với các nước bạn Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar, nên có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trong thời gian vừa qua, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Vùng đạt đạt 5,51%, cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%). Đáng chú ý, quy mô kinh tế đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,06% GDP cả nước) và có xu hướng tăng qua các năm; GRDP bình quân đầu người tăng 8,7% so với năm 2022 (đạt 75,62 triệu đồng/người).

Trong đó, một số địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao như Khánh Hòa (10,35%), Ninh Thuận (9,4%), Phú Yên (9,16%), Bình Thuận (8,1%). Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành của vùng đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,06% GDP cả nước, tỷ trọng này đang có xu hướng tăng qua các năm. Đặc biệt, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,51%, cao hơn tốc độ bình quân chung cả nước; thu hút FDI năm 2023 tăng cao nhất trong 5 năm qua với tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 3 tỷ USD, tăng hơn 1,5 lần so năm 2022. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt hơn 46,7 tỷ USD, giảm hơn 2,4 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2023 đạt trên 22 tỷ USD, tương đương giá trị năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 24,7 tỷ USD, giảm hơn 2 tỷ USD so năm 2022. Các địa phương có kim ngạch xuất nhập khẩu cao như: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa,… Các ngành công, nông nghiệp thuộc ưu thế phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm công nghiệp bán dẫn, sản xuất và thiết kế chíp, công nghiệp ven biển, du lịch biển, kinh tế hàng hải; chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng biển, đặc biệt là năng lượng tái tạo gió ven bờ, gió ngoài khơi. Lĩnh vực thương mại đẩy mạnh theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế. Hình thành và phát triển các trung tâm logistics hiện đại gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu; tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

hoi-nghi-xuc-tien-thuong-mai-3-1719629361.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tham quan gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương Quảng Nam

Ngày 04/5/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, có kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, văn minh, hiện đại, thông minh, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2050, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung phát triển được ít nhất 2 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á tại các khu kinh tế ven biển hiện đại; phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Phan Thị Thắng, nhấn mạnh nội dung trọng tâm thúc đẩy xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu cho vùng, mong đại diện các địa phương trong vùng, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp liên quan cùng tập trung trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong kết nối vùng, phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu của vùng cũng như bàn thảo các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô vùng, có tính liên kết chặt chẽ với các hoạt động xúc tiến thương mại khu vực và quốc gia; đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, trao đổi về những phương pháp, hướng tháo gỡ các vấn đề các địa phương trong vùng đang còn vướng mắc đối với hoạt động liên kết phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng các cơ hội thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại.

hoi-nghi-xuc-tien-thuong-mai-2-1719629361.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, các địa phương, doanh nghiệp tham luận tập trung các vấn đề trọng tâm, phát huy các sáng kiến đóng góp khả thi, có tính ứng dụng nhanh và hiệu quả cho công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu của vùng, hỗ trợ các sản phẩm dịch vụ của vùng, nhằm giúp cho chính địa phương, cơ quan quản lý nhà nước hoạch định hướng vào các thị trường phù hợp trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bấp bênh, căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực, nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam phải đương đầu với lạm phát, lãi suất cao khiến suy giảm tổng cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại với Việt Nam.

Thông qua Hội nghị, sẽ tiếp cận nhiều thông tin, giải pháp giá trị, sớm góp phần đưa vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung vươn tầm phát triển mới, xứng đáng với vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng của vùng.

Phúc Đinh