Hồ sơ mật: “Điệp viên” bồ câu - Phần 1

Đinh Thảo
Bồ câu từ lâu đã được xem là biểu tượng của hòa bình. Trong chiến tranh, loài chim có vẻ ngoài khiêm tốn này đã có những đóng góp vượt xa những gì mà vẻ ngoài của chúng cho thấy. Chúng không chỉ là những “người đưa thư”, những “chiến binh” dũng cảm, mà còn là những “điệp viên” cừ khôi.

Những “người đưa thư” dũng cảm

Việc sử dụng chim bồ câu để liên lạc đã xuất hiện từ thời cổ đại, nhưng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, loài chim này bắt đầu được sử dụng để thu thập thông tin tình báo.

Câu chuyện liên quan đến sử dụng bồ câu trong hoạt động tình báo bắt nguồn từ năm 1907 khi dược sĩ người Đức Julius Neubronner đã phát minh ra một chiếc máy ảnh tự động nhỏ có thể buộc vào những con chim bồ câu đưa thư để chụp ảnh từ trên không. Neubronner sau đó đã xin cấp bằng sáng chế cho phát minh của mình nhưng bị từ chối do không có bằng chứng về tính khả thi. Một năm sau đó, những bức ảnh sinh động, mới lạ thu được sau các lần bay đã thuyết phục Văn phòng sáng chế của Đức và phát minh của Neubronner đã được cấp bằng sáng chế.

hsm-1-1681966863.jpg
Julius Neubronner cùng với bồ câu và máy ảnh năm 1914. Ảnh: photography-news

Phát minh của Neubronner đã mở đường cho việc chụp ảnh từ trên không đầu tiên và đưa vai trò của những “người truyền tin” lông vũ lên một tầm cao mới. Những chú chim bồ câu được trang bị máy ảnh đã được quân đội Đức triển khai trong Chiến tranh thế giới thứ nhất để trinh sát trên không. Ban đầu, tiềm năng quân sự của việc sử dụng chim bồ câu gắn máy ảnh để trinh sát trên không có vẻ hấp dẫn. Các thử nghiệm trên chiến trường đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Khi chiến tranh nổ ra, bồ câu đã được sử dụng để chụp ảnh do thám phía sau phòng tuyến của kẻ thù, nhưng sản phẩm mà chúng mang lại được cho là không có giá trị về mặt quân sự. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của ngành hàng không trong chiến tranh cũng đã khiến mối quan tâm của của quân đội đối với việc chụp ảnh nhờ chim bồ câu sau đó giảm dần.

Việc đảm bảo thông tin liên lạc trong trong chiến tranh được đánh giá là có tầm quan trọng sống còn khi các công nghệ như điện thoại, điện tín vừa mới ra đời không tin cậy như mong muốn. Sau nỗ lực sử dụng bồ câu trong thu thập thông tin tình báo không thành, các lãnh đạo trong cuộc chiến đã tiếp tục phát huy sứ mệnh truyền thống của loài chim này để cải thiện thông tin liên lạc trong chiến đấu.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, bồ câu được sử dụng rộng rãi bởi cả quân Đồng minh và Đức chủ yếu với vai trò truyền thông tin từ chiến hào về trụ sở quân sự và ngược lại. Theo thống kê, đã có khoảng 100.000 con chim bồ câu được quân đội Anh, Pháp, Mỹ và Đức sử dụng với mục đích này. Những “anh hùng” biết bay đã giúp truyền đi những thông điệp với độ chính xác cao mà công nghệ thời đó không thể so sánh được. Kết quả thống kê cho thấy, trong số hàng trăm nghìn con bồ câu đưa thư xuyên qua làn đạn của kẻ thù, 95% đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều trong số chúng được vinh danh là “anh hùng” và được trao tặng các danh hiệu cao quý.

Ở hành lang tầng ba của Lầu Năm Góc hiện đang trưng bày một chú chim bồ câu có tên gọi “President Wilson” (Tổng thống Wilson), một “anh hùng” từng cứu sống nhiều binh sĩ Mỹ trong một trận chiến trong Chiến tranh thế giới thứ nhất cách đây hơn 100 năm. “President Wilson” là một chú chim bồ câu vận chuyển quân sự, một trong số nhiều công cụ liên lạc đặc biệt hữu ích của lực lượng thông tin Mỹ. Wilson phụ trách hoạt động truyền tải thông tin giữa các chỉ huy và binh sĩ ngoài tiền tuyến.

Sáng ngày 5-10-1918 (có tài liệu ghi sự kiện này diễn ra vào ngày 5-11-1918), đơn vị của Wilson bị tấn công và nó được “phái” đi để cầu viện pháo binh. Trong hành trình dài 40km, Wilson bị lính Đức phát hiện và nổ súng khiến nó bị thương ở ngực và chân. Mặc dù bị trúng đạn, nhưng Wilson vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian kỷ lục 25 phút.

hsm-2-1681966863.jpg
Chim bồ câu được binh sĩ Đức sử dụng để cập nhật hành động và di chuyển của đối phương. Ảnh: German War Department

Ngoài Wilson, một “anh hùng” lông vũ nổi tiếng khác trong Chiến tranh thế chiến thứ nhất là Cher Ami. Với đóng góp và sự quả cảm của mình, Cher Ami đã được quân đội Pháp trao tặng Huân chương Chiến công vì đã hoàn thành 12 nhiệm vụ chuyển tin ở khu vực Verdun. Là một thành viên của lực lượng thông tin Mỹ hoạt động tại Pháp, Cher Ami đã góp mặt vào Chiến dịch Meuse-Argonne vào mùa thu năm 1918.

Vào thời điểm đó, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn Bộ binh 308, Sư đoàn bộ binh 77) gồm gần 700 binh sĩ do Thiếu tá Charles S. Whittlesey chỉ huy đã bị mắc kẹt sâu trong khu rừng Argonne ở Đông Bắc nước Pháp, bốn bề bị quân Đức bao vây. Do bị kẻ địch bao vây bốn phía nên các binh sĩ lâm vào cảnh không có thức ăn, đạn dược cũng như không có cơ hội đột phá vòng vây của Đức. Tệ hơn nữa, tiểu đoàn của Thiếu tá Charles S. Whittlesey đã bị hỏa lực pháo binh Mỹ bắn nhầm, điều này khiến Mỹ hết sức bối rối. Trước tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, Thiếu tá Charles S. Whittlesey đã nghĩ ra cách thả hàng loạt chim bồ câu đi đưa thư cầu cứu viện binh. Tuy nhiên, quân Đức đã phát hiện và bắn hạ tất cả. Cher Ami đã được “phái” đi như tia hy vọng cuối cùng của sư đoàn. Mặc dù bị thương ở ngực, mắt, và chân, Cher Ami vẫn gắng gượng để đưa thông điệp đến đích. Nhờ có bức thư Cher Ami kịp thời gửi tới mà quân Mỹ đã dừng hỏa lực và phá vỡ vòng vây của Đức, giúp cứu được 194 binh sĩ thuộc “Tiểu đoàn thất lạc” của Thiếu tá Charles S. Whittlesey.

Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, vai trò truyền tin của loài chim này tiếp tục được phát huy với 32 chú chim bồ câu đã được trao tặng Huân chương Dickin của Vương quốc Anh vì sự dũng cảm của chúng.

Giải mật hồ sơ “điệp viên” bồ câu

Nhiều hồ sơ giải mật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) mới đây đã tiết lộ những thông tin về việc sử dụng bồ câu do thám trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Các tập tin từ những năm thập niên 1960 và 1970 tiết lộ cách chim bồ câu được huấn luyện cho nhiệm vụ chụp ảnh các địa điểm nhạy cảm bên trong Liên Xô.

Trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, loài chim nhỏ bé này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ truyền tin của mình. Cũng chính vì thế, CIA tin rằng loài động vật này có thể hoàn thành nhiệm vụ “độc nhất” trong các hoạt động bí mật của mình.

Chiến dịch chim bồ câu gián điệp với những chiếc máy ảnh siêu nhỏ có chức năng chụp ảnh tự động trong thập niên 1970 có tên mã là Tacana. CIA tận dụng khả năng đáng kinh ngạc - gần như là một siêu năng lực của loài chim này rằng chúng có thể được thả xuống một vị trí xa lạ cách hàng trăn km mà vẫn có thể tìm thấy đường về nhà.

hsm-3-1681966864.jpg
Những chiếc máy ảnh nhỏ được gắn vào chim bồ câu để chụp những bức ảnh có độ phân giải tốt hơn những bức ảnh được chụp bởi các vệ tinh tiên tiến nhất. Ảnh: Central Intelligence Agency

Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, một cụm tình báo Anh có tên gọi là MI-14 (hay Section 14) đã điều hành một bộ phận có tên “bồ câu bí mật”. Theo đó, họ sử dụng dù để thả những chú chim có gắn bảng câu hỏi trên không phận khu vực châu Âu bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Hơn 1.000 con chim bồ câu sau đó đã quay trở lại với một loạt thông điệp bao gồm thông tin chi tiết về một số địa điểm phóng tên lửa V1 và trạm radar của Đức. Một tin nhắn từ nhóm kháng chiến có tên Leopold Vindictive giúp tạo ra một báo cáo tình báo dài 12 trang gửi trực tiếp đến Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Cơ quan tình báo Anh cho biết khoảng 250.000 con chim bồ câu đã được sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ 2 với nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả liên lạc với những người đứng sau chiến tuyến của kẻ thù như điệp viên người Bỉ Jozef Raskin. Trong bức thư, Raskin đã phác thảo chi tiết về phòng tuyến của kẻ thù với chú thích dài tới 5.000 từ. Bức thư đựng trong 1 ống nhỏ rộng 3mm đã được Raskin gửi tới Anh. Bực thư này hiện đang được lưu trữ trong Lưu trữ Quốc gia của Vương quốc Anh dưới tiêu đề “Nguồn tin số 37".

Sau chiến tranh, một “Tiểu ban bồ câu” đặc biệt của Ủy ban Tình báo hỗn hợp (JIC) của Anh đã xem xét các lựa chọn phục vụ trong Chiến tranh Lạnh, nhưng không theo đuổi việc sử dụng chim bồ câu. Các hoạt động của Anh sau đó ngừng lại và CIA đã tiếp quản việc khai thác sức mạnh của loài chim này.

Chiến dịch Tacana phát triển từ thập niên 1960 xem xét việc sử dụng các loài động vật khác nhau. Các tài liệu tiết lộ rằng CIA đã huấn luyện quạ để tìm mang về các vật thể nhỏ có trọng lượng lên tới 40g từ bệ cửa sổ của các tòa nhà không thể tiếp cận. Một chùm tia laser màu đỏ nhấp nháy được sử dụng để đánh dấu mục tiêu và một chiếc đèn đặc biệt sẽ thu hút con chim trở lại.

CIA cũng xem xét liệu những loài con chim di cư có thể được sử dụng để đặt cảm biến dò tìm xem Liên Xô có thử nghiệm vũ khí hóa học hay không. Cơ quan này cũng thử nghiệm một số loại kích thích tín hiệu điện từ não để hướng dẫn chó từ xa, mặc dù nhiều chi tiết liên quan vẫn là thông tin mật.

Một chiến dịch khác có tên “Acoustic Kitty” liên quan đến việc đặt các thiết bị nghe lén lên cơ thể mèo. Các tài liệu giải mật cho thấy, trong thập niên 1960, CIA cũng xem xét sử dụng cá heo để “xâm nhập bến cảng”. Tại Key West Florida, một nhóm đã sử dụng cá heo để tấn công dưới nước chống lại tàu đối phương. Cũng có những thử nghiệm về việc liệu cá heo có thể mang cảm biến để thu thập âm thanh của tàu ngầm hạt nhân Liên Xô hay dò tìm dấu vết phóng xạ hoặc vũ khí sinh học từ các cơ sở gần đó hay không. Họ cũng xem xét xem liệu cá heo có thể lấy hoặc đặt các gói hàng lên tàu khi đang di chuyển hay không.

Trong số các loài động vật được thử nghiệm, chim bồ câu tỏ ra hiệu quả nhất. Đến giữa thập niên 1970, CIA bắt đầu thực hiện một loạt các thử nghiệm, trong đó có thử nghiệm ở một nhà tù và nhà máy đóng tàu hải quân ở Washington D.C. Một chiếc máy ảnh có giá 2.000 USD và chỉ nặng 35g được gắn vào chim bồ câu. Các thử nghiệm cho thấy khoảng một nửa trong số 140 bức ảnh ghi lại có chất lượng tốt. Các bức ảnh cho thấy chi tiết rõ ràng về người đi bộ, xe cộ đậu tại nhà máy đóng tàu hải quân, và cả những chiếc điều hòa trên nóc nhà, hay những ô cửa sổ ở nhà máy. Các chuyên gia đánh giá chất lượng của các bức ảnh có thể cạnh tranh, thậm chí còn vượt trội hơn so với những bức ảnh được cung cấp bởi các vệ tinh gián điệp hoạt động vào thời điểm đó.

hsm-4-1681966864.jpg
Một con chim bồ câu đang bay ra từ gầm chiếc VW Beetle. Ảnh: Central Intelligence Agency

Họ dự định sử dụng chim bồ câu để chụp ảnh các địa điểm nhạy cảm bên trong lãnh thổ Liên Xô. Các tập tin giải mật chỉ ra rằng những con chim sẽ được bí mật vận chuyển đến Moscow. CIA đã xem xét rất nhiều cách thả chim bồ câu gián điệp, bao gồm cả việc cải tạo một chiếc xe VW Beetle để vận chuyển chim. Lấy cảm hứng từ các ảo thuật gia sân khấu, CIA đã khoét một lỗ trên sàn của chiếc Beetle để thả những “điệp viên” của mình. Họ thậm chí còn xem xét liệu chim bồ câu có thể được thả ra từ cửa sổ trời của ô tô trong khi chiếc xe đang di chuyển với tốc độ lên tới hơn 80km/giờ hay không. Một tài liệu giải mật tháng 9-1976 tiết lộ, mục tiêu được chọn là các nhà máy đóng tàu tại Leningrad, nơi chế tạo tàu ngầm hiện đại nhất của Liên Xô. Tại thời điểm này, kế hoạch được đánh giá là khả thi.

Thế nhưng, đó cũng là chi tiết kết thúc của các tập tin giải mật. Cho đến nay, việc có bao nhiêu nhiệm vụ thực tế mà chim bồ câu gián điệp thực hiện và chúng đã thu thập được những thông tin tình báo có giá trị nào vẫn còn là một ẩn số.

(Còn nữa)