Hồ sơ mật: Chuyện những nữ điệp viên – Phần 1

Ngay từ khi con người biết đến xung đột và chiến tranh, hoạt động tình báo đã ghi nhận sự xuất hiện của các nữ điệp viên và những câu chuyện trong nghề của họ.

Hầu hết mọi phụ nữ đều cảm thấy không thoải mái khi ra khỏi nhà mà không mang theo túi xách. Thậm chí họ còn hào hứng nếu được mang theo bên mình cả một chiếc túi khá nặng, đựng đầy vật dụng thiết yếu hàng ngày.

Trên thực tế, tất cả các nữ điệp viên có nghề đều mang theo một chiếc camera giấu kín, ghi lại âm thanh và hình ảnh đối tượng mình cần tiếp cận. Vì thế, một chiếc túi xách trông hết sức bình thường lại có thể ẩn sau nó một chiếc camera mật. Đây là một giải pháp hoàn hảo, đảm bảo ngay cả những người quan sát tinh tế nhất cũng khó có thể phát hiện ra.

marlene-dietrich-1673581674.jpg
Nữ diễn viên Marlene Dietrich thường vào vai những nữ điệp viên nguy hiểm. Ảnh: International Spy Museum

Với những cô nàng không thích dùng túi xách tích hợp camera thì một chiếc đồng hồ tinh xảo giấu trong đó một chiếc máy ảnh độ phân giải cao có khả năng chụp nhiều khung hình trong một giây và dung lượng lưu trữ hàng chục Gigabyte cũng là một lựa chọn tốt, hoàn toàn kín đáo, dễ dàng khi sử dụng. Thiết bị ghi hình cũng có thể được tích hợp vào mắt kính, vừa giúp thay đổi diện mạo khi tác nghiệp vừa có thể kín đáo ghi âm, ghi hình và lưu trữ video chất lượng cao...

Ngoài ra, một chiếc Macbook kiểu dáng cổ điển (chỉ là chiếc vỏ bên ngoài chứ không phải máy tính thật) cũng là công cụ lý tưởng cho hoạt động gián điệp, cho phép các quý cô hòa nhập vào mọi xã hội, đối phó với mọi tình huống trong mọi điều kiện thời tiết khác nhau với tất cả thiết bị tiện dụng giấu kín trong chiếc vỏ bọc Macbook đó.

Dưới đây là một số vật dụng từng được các nữ điệp viên sử dụng và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Tình báo quốc tế (International Spy Museum) và một số bảo tàng khác.

1. Nụ hôn thần chết

Son môi giúp đôi môi ngọt nào của các quý cô có thể xuất hiện với đủ màu sắc, độ bóng nhưng giờ đây nó đã trở thành nơi giấu vũ khí. Một "thỏi son có thể là vỏ bọc cho một khẩu súng điện với hiệu điện thế lên tới 350.000 Volt khi cần có thể sử dụng để tự vệ. Cá biệt, có “thỏi son” có thể tăng điện áp lên tới 2 triệu Volt! Ngoài ra, nó còn có chức năng chiếu sáng như một chiếc đèn led hay tích hợp vào đó nguyên một con dao. 

sung-son-1673581720.jpg
“Thỏi son chết người” hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Tình báo quốc tế. Ảnh: International Spy Museum

Bảo tàng Tình báo quốc tế hiện vẫn đang trưng bày một “thỏi son chết người”. Về bản chất đây không phải là son môi mà giấu trong thiết bị chết người này là một khẩu súng nhỏ cỡ nòng 4,5mm chỉ bắn được 1 phát duy nhất. “Thỏi son” do KGB thiết kế cho các nữ điệp viên sử dụng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. “Thỏi son” bị thu giữ tại một điểm kiểm soát ở Tây Đức, nhưng tới nay người ta vẫn chưa rõ ai là người đã mang theo thiết bị “duyên dáng” nhưng chết người này.

“Thỏi son” vừa đủ nhỏ để qua mắt được hầu hết nhân viên các trạm kiểm soát gắt gao nhất. Để sử dụng, điệp viên chỉ việc gí đầu nòng súng vào người nạn nhân và phần việc còn lại là của thiết bị có tên “nụ hôn thần chết”.

2. Quý cô hoàn hảo

trang-phuc-gian-diep-1673581764.jpg
Trang phục cho nữ điệp viên có thể tích hợp thiết bị hỗ trợ hoạt động tình báo. Ảnh: CIA

Để đảm bảo trang bị của các nữ điệp viên không bị phát hiện, CIA cũng thiết kế những bộ đồ có thể tích hợp các trang bị đảm bảo không bị lộ trong quá trình hoạt động điệp báo, tránh gây nghi ngờ cho các cơ quan an ninh và gần như không có khác biệt nào so với những bộ đồ thông thường.

Quan điểm của CIA là làm sao để “các điệp viên CIA có thể thu thập thông tin tình báo một cách an toàn trong những môi trường thù địch dựa trên việc họ có thể làm chủ được và khéo léo sử dụng các thiết bị được ‘tích hợp’ vào trang phục, đồ trang sức của mình và không để lại dấu viết khiến đối phương cảnh giác”.

Cơ quan tình báo này không chỉ rõ những bộ phận nào trong bộ đồ trên có tích hợp những thiết bị phục vụ hoạt động gián điệp. Đồ trang sức có thể là nơi chứa máy ảnh hoặc thiết bị nghe lén trong khi một chiếc túi xách có thể được sử dụng để đựng các vật dụng lặt vặt và gói thuốc lá trên tay nữ điệp viên thì chắc chắn có chứa một chiếc camera giấu kín.

3. Phấn thơm bỏ túi cũng là phương tiện tác nghiệp

phan-thom-1673581674.jpg
Chỉ cần nhìn nghiêng đúng góc, một dãy mật mã sẽ hiện ra trong gương. Ảnh: CIA

Phấn thơm của phụ nữ là một công cụ gián điệp tuyệt vời, bởi đây là thứ bất cứ phụ nữ nào cũng mang theo bên mình. Đó là lý do CIA đã “thửa” riêng cho các nữ điệp viên của mình những hộp phấn thơm giống hệt với những thứ có thể mua được ở siêu thị. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn đúng góc nghiêng, một hàng mật mã sẽ lộ ra trên gương.

4. Đồng hồ hay hộp thư bí mật?

dong-ho-hop-thu-mat-1673581836.jpg
Khi nhấn lẫy, toàn bộ mặt đồng hồ nâng lên, bên dưới là một cuộn giấy để ghi lại thông tin mật khi cần thiết. Ảnh: CNET

Chiếc “đồng hồ” hiệu Notora này do hãng Favre-Leuba (Thụy Sĩ) sản xuất vào những năm thập niên 1920. Riêng sự cổ kính của nó có lẽ cũng đủ gây sự chú ý của nhiều người. Tuy nhiên, đây không đơn thuần chỉ là một chiếc đồng hồ. Thiết kế hình chữ nhật, kiểu dáng dành riêng cho nữ giới, chiếc đồng hồ chạy cơ có 2 chiếc lẫy trông có vẻ như hơi thừa trên thân. Khi nhấn chiếc lẫy ở vị trí 6 giờ, toàn bộ mặt đồng hồ sẽ nâng lên, để lộ ra bên dưới là một cuộn giấy để ghi lại thông tin mật khi cần thiết. Một bánh xe phụ cạnh bánh xe lên dây cót dùng để cuộn giấy khi viết và đọc.

5. “Viên kẹo” ngọt ngào

sung-nhan-1673581836.jpg
Khẩu “mỹ nhân ngọt ngào và nguy hiểm” có khả năng bắn được 7 phát đạn. Ảnh: CNET

Từ thế kỷ 19, các thiết bị tự vệ đã trở nên thịnh hành, bao gồm súng ngắn cỡ nhỏ, như súng derringer, và các loại súng nhỏ gọn hơn, khéo léo giấu trong các thiết bị đeo tay khác như đồng hồ bỏ túi. Khẩu súng ổ quay bảy viên c.1870 này còn được gọi là “mỹ nhân ngọt ngào và nguy hiểm”, được chế tác từ bạc của Đức. Khẩu súng có thể được sử dụng như một thứ vũ khí cho các nữ điệp viên khi tác nghiệp nhưng cũng có thể được dùng như một phương tiện tự vệ của phụ nữ. Ngoài ra còn có các công cụ hình dạng như một chiếc nhẫn có thể đeo làm đồ trang sức nhưng mang trong nó hàng chục nghìn Volt điệp áp, có thể nhanh chóng chế áp đối phương trong trường hợp cần thiết.

6. Sáng tạo từ vật dụng thông thường

Một điệp viên giỏi là người có thể ứng biến, sử dụng môi trường và những vật dụng bình thường nhất vào công việc truyền thông tin tình báo. Trong Chiến tranh cách mạng Mỹ, nữ điệp viên Anna Strong đã sử dụng quần áo giặt giũ hằng ngày làm tín hiệu để thông tin cho lưới điệp báo Culper (Culper Spy Ring). Những vật dụng như quần, áo và ga trải giường khi treo trên dây phơi theo một cách thức nhất định sẽ truyền đi một thông điệp mà không cần phải trực tiếp gặp các điệp viên trong lưới. 

vat-dung-thong-thuong-1673581836.jpg
Điệp viên giỏi là người có thể sử dụng những vật dụng bình thường nhất vào việc truyền đi thông tin tình báo. Ảnh minh họa: CNET

Cũng trong cuộc Chiến tranh cách mạng này, nữ điệp viên Molly Rinker thường xuyên leo lên một điểm cao để quan sát các hoạt động và bước tiến của quân Anh. Sau đó, Rinker nhét các mẩu giấy chứa thông tin về quân Anh vào các cuộn len sợi và để cho cuộn len “tự tìm” đến với lực lượng của Washington. Trong Nội chiến Mỹ, Harriet Tubman, nữ điệp viên của Liên minh miền Bắc, thậm chí đã sử dụng một con gà và một tờ báo để đánh lạc hướng và ngụy trang để không bị người khác phát hiện. 

Có thể nói, tất cả những công cụ hỗ trợ hoạt động gián điệp, do thám và phản gián dành cho các điệp viên nam giới đều có thể được thiết kế cho các nữ điệp viên nhưng chiều ngược lại thì không. Có những món đồ chỉ những nữ giới mới có thể sử dụng và mang lại hiệu quả cao trong hoạt động điệp báo.

Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.