Tới Athens, Munir Redfa gặp Đại tá Không quân Israel Ze’ev Liron, Giám đốc quân báo của Không quân Israel, trên một hòn đảo nhỏ. Tại đây, Mossad đã đặt mật danh cho Redfa là “Yahalom” (kim cương). Trong bầu không khí thanh bình, yên tĩnh của hòn đảo, hai người đàn ông say sưa trò chuyện. Một buổi tối, Liron hỏi Redfa rằng điều gì sẽ xảy ra nếu Redfa rời Iraq bằng một chiếc MiG-21.
Redfa trả lời: “Họ sẽ giết tôi. Thêm nữa, sẽ không một quốc gia nào đồng ý cho tôi tị nạn”. Liron nói ngay: “Có một đất nước luôn mở rộng vòng tay chào đón anh”.
Không gian đột nhiên trở nên lặng ngắt như tờ khi Liron tiết lộ thân phận của mình. Hiểu rõ tâm lý phân vân của người đàn ông đối diện, Liron về phòng chờ đợi. Sáng hôm sau, Redfa gặp Liron và chấp nhận lời đề nghị. Cả hai bắt đầu thảo luận về phương án đào tẩu và số tiền 1 triệu USD Redfa sẽ nhận được, kèm theo điều kiện đưa cả gia đình đến Israel.
Từ Hy Lạp, họ bay về Rome. Tại Rome, sau khi thảo luận về các ký tín ám hiệu hiệp đồng, Liron và Redfa đã thống nhất rằng khi thấy Đài phát thanh Kol Israel phát bằng tiếng Ả Rập bài hát nổi tiếng “Marhabtein Marhabtein” thì đó là ám hiệu để Redfa lên đường.
Trong suốt quá trình đàm phán và thỏa thuận này, Redfa không hề hay biết rằng người đứng đầu Mossad Meir Amit đã trực tiếp bay đến Rome để chỉ làm một việc: Quan sát người phi công này từ xa. Sau khi thấy mọi thứ đều ổn, Amit ra hiệu cho người của mình rằng Redfa là người đáng tin cậy, rồi rời đi.
Tưởng chừng vô vọng
Trong suốt quá trình thực hiện Chiến dịch kim cương, các điệp viên Mossad đã phải trải qua nhiều phen lo lắng khi đối mặt những diễn biến bất lợi. Khi Liron và Redfa quay trở lại Athens để bay đến Tel Aviv thì một sơ suất nhỏ tại sân bay Athens đã suýt phá hỏng mọi kế hoạch. Redfa đã lên nhầm chuyến bay đến Cairo thay vì Tel Aviv và chỉ khi lên máy bay Liron mới nhận ra rằng Redfa đã biến mất.
Ngay khi Liron tưởng rằng mọi công sức đã đổ xuống sông xuống biển thì Redfa xuất hiện. Tiếp viên trên máy bay đến Cairo đã phát hiện một hành khách “thừa ra” và họ đã đưa Redfa trở lại với đúng chuyến bay tới Tel Aviv. Tới Tel Aviv, Redfa lưu lại 24 giờ để các điệp viên Mossad thông báo tóm tắt và trù bị hành trình bay cho chiến MiG - 21, rồi trở lại Athens, đổi chuyến bay về Iraq.
Trong thời gian chuẩn bị, thêm một diễn biến nằm ngoại dự liệu của các điệp viên Mossad lại xảy ra. Vài ngày trước khi thực hiện chuyến bay “đặc biệt”, Redfa bán toàn bộ đồ đạc trong nhà. Mossda đã hết sức lo lắng, bởi động thái này có thể khiến cơ quan tình báo Mukhabarat của Iraq phát hiện ra “thương vụ”. Họ có thể thẩm vấn và bắt giữ Redfa, và như vậy toàn bộ chiến dịch sẽ sụp đổ. Nhưng thật may là Mukhabarat đã không để ý và hành động dại dột của Redfa đã không làm đổ bể mọi chuyện.
Một vấn đề nảy sinh khác là làm sao để đưa gia đình Redfa rời Iraq. Betty - vợ Redfa - không hề biết gì về Chiến dịch kim cương và Redfa chỉ nói rằng họ sẽ đến châu Âu và lưu lại đó một thời gian khá lâu. Khi vợ và hai con Redfa bay đến Amsterdam, các điệp viên Mossad đã bố trí đưa họ đến Paris và gặp Liron. Khi Liron tiết lộ cho vợ Redfa biết sự thật, Betty đã hét lên rằng Redfa là kẻ phản quốc và muốn đến ngay đại sứ quán Iraq để tố cáo chồng mình. Liron đã phải rất cố gắng để giúp Betty bình tĩnh trở lại. Cuối cùng, vợ Redfa cũng nhận ra rằng không còn lựa chọn nào khác là lên máy bay cùng Liron đến Israel.
Thực hiện chiến dịch và số phận kẻ ra đi
Ngày 17/7/1966, một cụm điệp báo của Mossad ở châu Âu nhận được một bức điện đã được mã hóa từ Munir Redfa, thông báo chuẩn bị thực hiện chuyến bay. Ngày 14/8, Redfa cất cánh, thế nhưng một chiếc cầu chì trên máy bay bị chập, buộc viên phi công phải quay đầu hạ cánh xuống căn cứ không quân Rashid.
Hai ngày sau, Munir Redfa lại cất cánh, bay qua Bắc Jordan rồi chuyển hướng về phía Israel. Máy bay của Redfa bị radar của Jordan phát hiện, và ngay lập tức, chính quyền Jordan đã liên lạc với các quan chức Syria về vụ xâm nhập. Thế nhưng, Redfa đã thông báo với Jordan rằng chiếc máy bay thuộc biên chế Không quân Syria và đang làm nhiệm vụ huấn luyện. Sau đó, Redfa tiếp tục lái chiếc MiG-21 vào không phận Israel, và được hai chiếc Dassault Mirage III của Không quân Israel hộ tống đến căn cứ Hatzor. Tại cuộc họp báo sau đó, Redfa nói đã hạ cánh với “những giọt nhiên liệu cuối cùng”.
Trước đó, Tư lệnh Không quân Israel, Tướng Mordechai Hod chỉ để một vài phi công trực tiếp tham gia nhiệm vụ hộ tống chiếc MiG-21. Còn lại, tất cả đều được lệnh “Tuyệt đối không làm bất việc gì trong ngày khi không có mệnh lệnh trực tiếp của Tư lệnh”. Chiến dịch kim cương là một chiến công vang dội của các điệp viên Mossad, thế nhưng Munir Redfa và gia đình thì đã phải trả một cái giá đắt. Sau khi đến Israel, Munir Redfa đã có một cuộc sống rất khó khăn, đau khổ với nhiều mối liên hệ trong đại gia đình bị đổ vỡ.
Trong ba năm, Redfa đã rất nỗ lực mong biến Israel trở thành quê hương của mình, thậm chí đã từng bay thuê cho các công ty dầu mỏ của Israel. Gia đình Redfa sống ở Tel Aviv và được che chở với tư cách là những người tị nạn. Nhưng vợ của Redfa, một người Công giáo sùng đạo, đã không thể kết bạn với ai và cảm thấy bị cô lập, không thể thích nghi với cuộc sống ở Israel. Cuối cùng họ chuyển đến một quốc gia phương Tây dưới danh tính giả. Nhưng ngay cả khi ở đó, xa nhà và người thân, xung quanh là các nhân viên an ninh địa phương, họ vẫn cảm thấy cô đơn và sợ hãi bị Mukhabarat phát hiện. Năm 1998, Munir Redfa qua đời tại nhà riêng sau một cơn đau tim đột ngột.
Một mũi tên trúng hai đích
Chiếc MiG-21 do Munir Redfa mang tới Israel đã được đổi số hiệu thành 007, theo mật danh của điệp viên nổi tiếng James Bond. Vài tuần sau đó, các phi công Israel đã nhiều lần bay thử chiếc MiG-21 này và tác chiến cùng với các tiêm kích của Không quân Israel để huấn luyện phi công đối phó với máy bay MiG-21 của các nước Ả Rập.
Kết quả là sau các chuyến bay thử nghiệm, các chuyên gia không quân Israel đã hiểu tại sao phương Tây lại coi trọng MiG-21 đến vậy. Nó có trần bay cao và tốc độ bay rất nhanh, nhẹ hơn chiến đấu cơ Mirage III hẳn một tấn
Việc tìm hiểu được những bí mật của MiG-21 đã trợ giúp một cách đắc lực cho Không quân Israel trong việc chuẩn bị cho cuộc đối đầu với các nước Ả Rập 10 tháng sau đó. Chiến tranh 6 ngày nổ ra vào tháng 6-1967 là minh chứng cho hiệu quả của Chiến dịch kim cương khi Không quân Israel bắn hạ 6 chiếc MiG-21 của Syria mà không mất một chiếc máy bay nào.
Không dừng lại ở đó, việc đưa được một chiếc MiG-21 về Israel đã khiến báo chí khắp nơi đưa tin rầm rộ. Người Mỹ hết sức kinh ngạc và ngay sau đó đã cử một đoàn kỹ thuật viên đến và yêu cầu được nghiên cứu chiếc máy bay này. Tuy nhiên, Israel đã từ chối. Yêu cầu này chỉ được chấp thuận khi họ chịu chia sẻ với Israel hồ sơ về tên lửa phòng không SAM-2 mà Mỹ thu thập được và đồng ý bán chiến đấu cơ F-4 Phantom cho Israel, vốn luôn bị Mỹ từ chối mỗi lần Israel đề xuất mua.
Chiến dịch kim cương đã khép lại, nhưng dư âm của nó thì sẽ còn được nhắc lại lâu dài. Thành công của chiến dịch là sự kết hợp của nhiều hoạt động, nhiều cá nhân và tổ chức, trong đó nổi bật là vai trò của các điệp viên Mossad. Với những gì công chúng được biết tới sau khi các chiến dịch tình báo của các điệp viên Mossad được giải mật, có thể nói Mossad là cơ quan tình báo có hiệu quả cao và luôn khiến bất kỳ đối thủ nào cũng phải dè chừng.
Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.