Các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ca ghép tim cho bệnh nhi
Cháu V.Q.H, 15 tháng tuổi, địa chỉ: Thị xã Ba Đồn- Quảng Bình; được chẩn đoán teo đường mật bẩm sinh – một bệnh lý hiếm gặp và nguy hiểm, ảnh hưởng đến chức năng gan và đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Trước đó, bệnh nhi đã được phẫu thuật Kasai khi mới 3 tháng tuổi, nhưng tình trạng gan tiếp tục xấu đi. Đánh giá chỉ số Child-Pugh B và Peldscore 24, bé được xác định cần ghép gan để duy trì sự sống.
Ngày 19/3/2025, nhận được nguồn gan hiến từ người cho chết não tại Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh), với sự điều phối của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, ca ghép gan được tiến hành, sử dụng thùy gan trái đã được chia trong cơ thể người hiến. Đặc biệt, mảnh gan ghép có 2 nhánh đường mật với đường kính chỉ 2.0 mm, khoảng cách giữa 2 nhánh đường mật 5 mm, cùng động mạch gan trái bị tổn thương nội mạch và bị khâu tại chỗ chia động mạch gan trái - gan riêng trong quá trình chia gan, đường kính chỉ khoảng 2.0 mm. Đây là những thử thách lớn về kỹ thuật cho ekip ghép tạng.
Cháu bé đã được ghép gan thành công
Ghép gan cho trẻ em, đặc biệt là bệnh nhi dưới 2 tuổi, là một trong những kỹ thuật phức tạp nhất trong lĩnh vực ghép tạng – đòi hỏi sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các chuyên ngành: Phẫu thuật gan mật, Phẫu thuật mạch máu, Gây mê hồi sức, Hồi sức nhi, Huyết học truyền máu, Chẩn đoán hình ảnh, Thăm dó chức năng, Vi sinh, Sinh hoá, Dược lâm sàng, Kiểm soát nhiễm khuẩn… Sau gần 4 giờ phẫu thuật nối mạch máu và 30 phút nối đường mật, ca ghép đã thực hiện thành công, các kỹ thuật hồi sức hiện đại đã được sử dụng để đảm bảo sự sống còn và chức năng gan cho bệnh nhi non nớt.
Trong quá trình hậu phẫu, cháu H. phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Cháu trải qua hai cuộc mổ cấp cứu, từng rơi vào tình trạng viêm phổi nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Với tinh thần “chiến đấu đến cùng vì sự sống còn bệnh nhân”, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã theo dõi sát sao từng giây phút, từng diễn biến lâm sàng, vận dụng tối đa kiến thức chuyên môn, dốc toàn lực phối hợp liên chuyên khoa, tận dụng hệ thống trang thiết bị hiện đại..Sau hơn hai tháng điều trị tích cực, bệnh nhi đã bình phục ngoạn mục và được xuất viện trong niềm hân hoan của đội ngũ y bác sĩ trong toàn viện.
Thành công của ca ghép gan trên bệnh nhi 15 tháng tuổi tại BVTW Huế. Đây là thành tưu y khoa chào mừng Đại hội đại biểu của Đảng bộ BVTW Huế lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế: “Ghép tạng là một kỹ thuật mũi nhọn tại Bệnh viện Trung ương Huế. Hơn 2.400 ca ghép tạng được thực hiện thành công, Bệnh viện Trung ương Huế là một trong những trung tâm lớn thực hiện thành công bộ ba ghép tạng "tim, gan, thận", đưa Việt Nam có tên trên bản đồ ghép tim trên thế giới. Ghép tim xuyên Việt với tỉ lệ thành công 100%. Ngoài ra, Bệnh viện đã thực hiện thường quy ghép tuỷ đồng loài, ghép tủy tự thân cho các bệnh nhi. Đây là ca bệnh nhi thứ hai được ghép gan và là ca ghép gan nhỏ tuổi nhất tại Bệnh viện Trung ương Huế. Thành công của ca ghép gan đã mở ra hy vọng sống cho nhiều trẻ em mắc bệnh gan nặng, giúp các em có cơ hội được chữa khỏi bệnh để có một cuộc sống khỏe mạnh, bình thường như bao trẻ em khác và một lần nữa khẳng định năng lực ghép tạng của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, góp phần quan trọng phát triển lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam”.
Ca ghép gan đặc biệt này không chỉ là thành tựu y khoa, mà còn là biểu tượng của sự gắn kết nhân văn: từ gia đình người hiến – những người đã trao tặng sự sống trong giờ phút đau thương nhất, đến các đơn vị phối hợp như Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, lực lượng Cảnh sát Giao thông TP.Hồ Chí Minh, lực lượng Cảnh sát Giao thông TP. Huế– tất cả đã cùng nhau chạy đua với thời gian, vượt qua mọi ranh giới vì một mục tiêu duy nhất: giành lại sự sống cho bệnh nhi thân yêu.
Bệnh viện Trung ương Huế xin gửi lời tri ân sâu sắc đến tất cả các đơn vị, cá nhân đã đồng hành, đặc biệt là gia đình người hiến tạng – những “người hùng thầm lặng” đã cho đi phần thiêng liêng nhất để thắp sáng hy vọng sống cho người khác.
Từ hành trình hồi sinh kỳ diệu này, Bệnh viện Trung ương Huế mong muốn mỗi chúng ta hãy cùng thắp lên ngọn lửa yêu thương bằng một nghĩa cử cao đẹp: “Hiến mô, tạng – Cho đi là còn mãi”. Bởi mỗi món quà được trao đi không chỉ là cơ hội sống, mà còn là ánh sáng mở ra tương lai cho một con người khác. Và tại nơi đây – Bệnh viện Trung ương Huế chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng những tấm lòng nhân ái, biến tình yêu thương thành sự sống trọn vẹn hơn.