Hai bảo mẫu bạo hành bé 17 tháng tuổi, đã và có thể sẽ còn nhiều vụ việc như vậy

Đinh Thảo
Dư luận đã không ít lần rúng động với các vụ bạo hành trẻ em. Có trường hợp trẻ đã không qua khỏi sau những đòn tra tấn man rợ. Mới đây nhất là vụ bé 17 tháng tuổi bị 2 bạo mẫu bạo hành dẫn đến tử vong.

Tại cơ quan công an, Nguyễn Thị Lành và Nguyễn Thị An - hai bảo mẫu của một cơ sở trông giữ trẻ tự phát tại huyện Thường Tín, Hà Nội khai nhận, do bực tức vì bé trai 17 tháng tuổi bỏ ra ngoài lớp, hai cô đã bế cháu bé ném xuống nền nhà làm cháu đập đầu xuống, dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và giẫm vào đầu cháu bé. Ai tìm hiểu vụ việc cũng đều xót thương cho nạn nhân và phẫn nộ trước hành vi tàn bạo của hai bảo mẫu.

anh-hai-bao-mau-bao-hanh-be-17-thang-tuoi-nguon-bao-vietnamnet-1678154053.jpg
Hai bảo mẫu bạo hành bé 17 tháng tuổi - Nguồn báo VietNamnet

Nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo hành của 2 cô giáo rất đơn giản và thật khó tin điều đó lại dẫn đến hành vi man rợ. Đứa trẻ nào khi mới đến trường, tiếp xúc với người lạ cũng khóc, cũng đòi về. Cả 2 bảo mẫu đều đang có con nhỏ, chắc chắn hiểu rõ điều này nhưng không dỗ dành bé mà lại có hành vi tàn bạo. Chắc chắn người gây ra tội ác này sẽ bị pháp luật trừng trị, nhưng sự việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo hành trẻ em.

Mỗi năm, nước ta có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Đa số vụ bạo hành xảy ra tại các cơ sở trông giữ trẻ tự phát. Cả nước có hơn 16.000 cơ sở giáo dục mầm non độc lập, trong đó nhóm trẻ độc lập (tối đa 7 trẻ) lên tới 1.400 nhóm. Đây là những khu vực rất khó quản lý, hầu hết vụ bạo hành trẻ ở đây được phát rác khi đã xảy ra những hậu quả nghiêm trọng.

anh-co-so-bao-hanh-tre-o-thuong-tin-cung-la-diem-trong-giu-tre-tu-phat-nguon-anh-sohavn-1678154054.PNG
Cơ sở bạo hành trẻ ở Thường Tín cũng là điểm trông giữ trẻ tự phát - Nguồn ảnh Soha.vn

Bạo hành xảy ra đối với trẻ nhỏ tuổi (chỉ vài tháng tuổi) ngày càng nhiều, biểu hiện ở nhiều hình thức như: dọa nạt, nhồi nhét thô bạo trong giờ ăn; đánh đập trong lúc tắm, lúc đi vệ sinh.... Ngoài bạo lực bằng tay chân thì còn có những hành vi bạo hành tinh thần. Đã có vụ việc trẻ bị bảo mẫu bắt ngồi bô suốt ngày để khỏi phải mặc quần. Nước ta có rất nhiều hội thảo bàn về việc ngăn ngừa, phòng chống bạo hành trẻ em. Nhưng tại sao số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn ở mức báo động như vậy? Mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội cần đau đáu về câu hỏi ấy và thể hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em.

Ở góc độ pháp luật, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng tại Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Hà Nội) cho rằng: "Pháp luật cần phải nghiêm minh để ngăn chặn những hành vi bạo lực trẻ em. Trong vụ việc ở huyện Thường Tín, Hà Nội, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt giam 2 bảo mẫu bạo hành trẻ. Qua đây có thể thấy, bất kỳ hành động coi thường pháp luật nào cũng phải trả giá. Ngoài ra, tôi cho rằng cơ quan chức năng cần có sự rà soát, kiểm tra các điểm trông giữ trẻ để loại bỏ các cơ sở không hợp pháp, tránh những vụ việc tương tự xảy ra".

anh-luat-su-diep-nang-binh-truong-van-phong-tai-van-phong-luat-su-tinh-thong-luat-1678154053.jpg
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng tại Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật

Ngoài ra, Luật sư Diệp Năng Bình khuyến cáo các bậc làm cha mẹ hãy tỉnh táo lựa chọn các nhóm trẻ độc lập/cơ sở giáo dục mầm non có đầy đủ tính pháp lý. Tiếp đến, phụ huynh có thể hỏi về trình độ, bằng cấp của giáo viên, những bảo mẫu, người chăm sóc, nuôi dạy con mình. Bởi những người được đào tạo bài bản, có sự am hiểu tâm lý phát triển của trẻ, thường sẽ có những xử lý đúng đắn trước các tình huống. Đặc biệt, để làm nghề, các cô giáo cần sự yêu thương, bao dung, nhẫn nại, thấu hiểu trẻ em... Phụ huynh có thể tìm hiểu điều này bằng cách quan sát ứng xử của cô giáo với trẻ và qua những biểu hiện, cảm xúc của con trước khi bước vào trường và khi trở về nhà./.

Mạnh Sáu