Hà Nội: Thực trạng quản lý vận hành, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị

Nam Lê
Thời gian gần đây, công tác phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn Thủ đô từng bước được đồng bộ, hiện đại và mở rộng về quy mô. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội sẽ đi sâu phân tích thực trạng và giải pháp công tác quản lý và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố Hà Nội.

Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở

Thủ đô Hà Nội đang ngày càng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là một trong những mục tiêu quan trọng đã được xác định tại Nghị quyết số 15/NQ-TW của Bộ Chính trị về "Phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố cũng như các chương trình công tác của Thành ủy.

Để thực hiện mục tiêu trên, trong thời gian qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Một trong những nội dung quan trọng đó là việc đầu tư xây dựng, kết nối các khu đô thị, khu nhà ở với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển và nhu cầu về nhà ở của nhân dân. Đây cũng là nội dung được Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, đặc biệt là đồng chí Bí thư Thành ủy rất quan tâm, chỉ đạo.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích từ 2 ha trở lên, trong đó, có 98 dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng; 168 dự án đang triển khai đầu tư và đầu tư chưa hoàn chỉnh. Một số khu đô thị, khu nhà ở được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết nhu cầu về nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Về thực trạng hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị và nhà ở, sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển giao cho cơ quan thẩm quyền quản lý, theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị; Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND thành phố ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn...

nlntv-anh-1706243842.jpg
Cơ sở hạ tầng liên hệ mật thiết với kiến trúc thượng tầng (Ảnh nguồn Internet)

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư

Các chuyên gia cho rằng, công tác chỉnh trang, phát triển đô thị, kinh tế đô thị của Thủ đô thời gian qua gặp nhiều khó khăn do nguồn ngân sách eo hẹp. Do đó, việc huy động nguồn lực xã hội hóa giữ vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo để huy động các thành phần kinh tế tham gia, trên cơ sở đó có thể kết hợp một số hình thức, như: Đối tác công – tư (PPP); Nhà nước – Nhân dân cùng làm, người dân góp kinh phí tự thực hiện, quản lý, chính quyền tham gia giám sát; Nhà nước chủ trì điều hành dự án di dời, tái định cư ở khu vực xuống cấp để thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị, sau đó huy động nguồn vốn xã hội hóa vào triển khai...

“Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách tham gia công tác chỉnh trang, cải tạo đô thị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là hết sức quan trọng. Vì vậy, đề xuất Chính phủ xem xét, tạo điều kiện và TP Hà Nội cần đề xuất cơ chế đặc thù để vận động, thu hút và thực hiện có hiệu quả nguồn vốn đầu tư PPP, BT, BOT... trên cơ sở công khai, minh bạch sẽ trở thành tiền đề quan trọng trong công cuộc phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại của Thủ đô”.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt đến nay Hà Nội đã phát triển rất nhanh, hình thành một số khu vực lớn với nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, công viên cây xanh, công trình công cộng, hạ tầng xã hội được xây dựng…tạo cho Hà Nội những dấu ấn rất tích cực. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, một số công trình, dự án quy mô đầu tư, hiện đại đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng…Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề như Hạ tầng kỹ thuật còn thiếu chưa được đầu tư xây dựng đầy đủ theo quy hoạch. Để nâng cao hiệu quả của hệ thống hạ tầng, một mặt cần tiếp tục đầu tư xây dựng thêm, mặt khác cần nâng cấp, thông minh hóa hệ thống hạ tầng hiện có, trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu điều phối tổ chức vận hành liên thông một cách hiệu quả nhất, trong đó có sự tham gia của người dân.

Các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ĐTTM còn thiếu, chưa xây dựng được Hệ thống CSDL tích hợp dùng chung trong lĩnh vực Quy hoạch - Kiến trúc - Xây dựng - Phát triển đô thị và các dữ liệu chuyên ngành…Các nội dung này cần phải tập trung giải quyết để xây dựng phát triển Hà Nội trở thành một Đô thị Thông minh, bền vững trong thời gian tới.

a7-1706237840.jpg
Cở sở hạ tầng vấn đề cốt lõi trong ngành xây dựng (Ảnh nguồn Internet)

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp triển khai các quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, như Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND, ngày 19/9/2016; Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND, ngày 16/9/2021; Quyết định số 49/2022/QĐ-UBND, ngày 30/12/2022.

Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, các dự án đầu tư phát triển đô thị trên cơ sở định hướng Quy hoạch chung được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án phát triển đô thị tập trung chủ yếu tại khu vực đô thị trung tâm và tập trung vào các dự án phát triển đô thị mới, chủ yếu là các khu vực phát triển nhà ở, trung tâm thương mại.

Hiện công tác quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật do ngân sách thành phố bảo đảm từ nguồn chi thường xuyên (đường giao thông, đèn tín hiệu giao thông, chiếu sáng công cộng, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn, vườn hoa, công viên) được thực hiện theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, ngày 10-4-2019, của Chính phủ và Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND, ngày 30/11/2020, của UBND thành phố Hà Nội, về việc ban hành quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của thành phố.

Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, thiếu cơ sở hạ tầng công cộng là vấn đề nan giải tại các đô thị lớn, đặc biệt là Thành phố Hà Nội. Để giải quyết tình trạng trên, đồng thời thiết lập diện mạo Thủ đô theo hướng “Đô thị xanh - Thông minh - Hiện đại”, Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện các công trình xây dựng hạ tầng đô thị.

Gia Vũ - Xuân Giang