Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ tốt cho cả hai nền kinh tế
Chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden chiều ngày 10/9 và lãnh đạo cấp cao 2 nước đã nâng cấp quan hệ hai nước từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện thu hút sự quan tâm đặc biệt của chính giới và doanh nghiệp hai nước. Quyết định này đã được chuyên gia, học giả đánh giá sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, trọng tâm đầu tư, thương mại Việt Nam - Mỹ.
PV Dân Việt có cuộc trao đổi nhanh với GS Hà Tôn Vinh, Giám đốc Chương trình Đào tạo lãnh đạo Đại học California Miramar University (Hoa Kỳ), người từng làm việc ở gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và có nhiều kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp Mỹ, châu Âu về khía cạnh hợp tác Việt - Mỹ trong trang sử mới.
Thưa ông, Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ với Mỹ lên tầm cao mới đối tác chiến lược toàn diện, mức cao nhất trong quan hệ giữa các đối tác, đứng ở góc độ kinh tế, ông có bình luận gì?
Trong tầng nấc quan hệ quốc tế của Việt Nam, có 4 mức: Song phương, toàn diện, chiến lược và chiến lược toàn diện thì Mỹ là một trong số ít đối tác chiến lược toàn diện. Theo tôi, quan hệ Việt - Mỹ đã đến độ chín không thể không nâng cấp lên tầm cao mới, đặc biệt là trong giai đoạn có những bước chuyển mình như hiện nay. Xét về góc độ kinh tế, Việt Nam - Mỹ có kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng thần tốc từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 140 tỷ USD năm 2022, mức tăng trưởng gần 300% và là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên thế giới.
Sau tuyên bố này, quan hệ Việt - Mỹ luôn sẽ có bước chuyển mình để cụ thể hoá, dễ dàng trong thiết lập các quan hệ.
Hiện, mỗi tháng Mỹ thâm hụt thương mại với Việt Nam khoảng 10 tỷ USD và để xoá bỏ vấn đề tồn tại này, cần có mức quan hệ phù hợp nhằm tạo điều kiện các doanh nghiệp, ngành lĩnh vực của Việt Nam tiếp cận với máy móc, công nghệ của Mỹ, khoả lấp khoảng trống về thương mại. Đây là lợi ích của Mỹ, doanh nghiệp Mỹ và chính giới Mỹ. Nếu vấn đề này được giải quyết, quan hệ hai nước sẽ được tăng cường hơn nữa, các ý kiến đối lập tại Mỹ cũng không thể dùng để cản trở quan hệ hai nước.
Về địa chính trị và kinh tế, Mỹ có công nghệ, có vốn và cần thị trường. Với Việt Nam, dù thị trường không lớn, chỉ 100 triệu dân, nhưng là thị trường có tương lai của doanh nghiệp Mỹ.
Việt Nam không cứ mãi phát triển kinh tế dựa vào chiều rộng, lao động giá rẻ mà chúng ta phải chuyển sang nền kinh tế chiều sâu, giá trị gia tăng và bền vững. Nếu cứ chạy đua phát triển theo chiều rộng, phụ thuộc lao động giá rẻ, gia công, xuất khẩu hộ, một lúc nào đó chúng ta sẽ thua các nước khác có giá nhân công rẻ hơn, có ứng dụng AI, máy móc vào những công việc tay chân.
Vì vậy, thay đổi đất nước phải đi vào hợp tác với các quốc gia khác nhằm ứng dụng các ngành kỹ thuật, công nghệ tương lai như: AI, điện toán đám mây, Big data, rô bốt hoá… đây là những ngành, lĩnh vực mà Mỹ đang có nhiều công nghệ cốt lõi.
Quan trọng, sau tuyên bố này, chúng ta cần sớm có biên bản hợp tác để cùng liên doanh, liên kết, cam kết chuyển giao để cùng khai thác.
Phát triển kinh tế chỉ cần 3 điều: Thứ nhất là công nghệ, thứ nhì là có vốn đầu tư và thứ 3 là thị trường. Còn tài nguyên thiên nhiên, nếu có thì tốt, không có cũng chẳng sao vì nhiều nước đã phát triển mà không có tài nguyên, như Nhật Bản. Quan trọng nhất là chúng ta có ba thứ trên và Mỹ đang là nước có đầy đủ điều kiện trên.
Xét về góc độ kinh tế. Đối tác Chiến lược toàn diện, tốt cho cả Mỹ và tốt cho cả Việt Nam. Những công nghệ lõi, công nghệ trọng điểm và những cơ chế hợp tác mà doanh nghiệp Mỹ chỉ có thể bán cho đối tác đặc biệt. Sau tuyên bố này, họ đã có thị trường là Việt Nam, nơi có nhu cầu rất cao đổi mới công nghệ, kỹ thuật.
Còn đối với Việt Nam, chiến lược mục tiêu là phát triển bền vững, đổi mới năng lượng để năm 2050 sẽ phát thải bằng 0, từ nay đến mục tiêu này, sẽ phải thay đổi sang năng lượng sạch; chuyển đổi công nghiệp - công nghệ đất nước đi vào công nghệ lõi, dữ liệu, AI… đó là con đường cốt yếu là yếu tố mà Việt Nam mạnh, tự chủ và thịnh vượng.
Quan hệ quốc tế, đặc biệt với Mỹ được nhiều nước coi trọng hàng đầu của các nước, bài học để Việt Nam rút kinh nghiệm trong hợp tác kinh tế với Mỹ là gì để chúng ta phát huy được nội lực và tận dụng được ngoại lực để phát triển cường thịnh?
- Các nước Đông Bắc Á tận dụng vốn của Mỹ để vươn tầm, thay đổi đất nước bằng cách đi vào công nghiệp, công nghệ, cho ra đời những tập đoàn tư nhân lớn mạnh, đi đầu trong các ngành công nghiệp như cơ khí, chế tạo máy, vật liệu và hạ tầng… Với tiềm lực sẵn có, giờ đây họ sử dụng vốn đầu tư vào các ngành công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ vi sinh… Rõ ràng, sự chuyển đổi quản lý đất nước sang một mô hình mới, quyết tâm cải cách và mở cửa đã giúp cho các quốc gia này cường thịnh trong thời gian dài.
Việt Nam trải qua nhiều năm chiến tranh, chúng ta thấm thía giờ phút hoà bình và tự chủ. Nên tôi tin chắc rằng, quan hệ với Mỹ sẽ trọng tâm hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ, hợp tác vì hoà bình, phát triển, thịnh vượng.
Chúng ta đang vươn lên để đổi mới đất nước, duy trì hoà bình để thực hiện nhiệm vụ và sứ mệnh lịch sử đưa nước ta đi đến giàu mạnh vào năm 2045. Để hiện thực hoá khát vọng ấy, đòi hỏi làm đồng bộ rất nhiều việc một lúc.
Đổi mới quản trị đất nước, xây dựng hệ thống hạ tầng, áp dụng cơ chế thị trường dưới sự định hướng của Nhà nước trong phát triển đất nước và đào tạo nhân lực chất lượng cao, công dân toàn cầu là yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết để xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
Từng làm việc ở gần 100 quốc gia, vũng lãnh thổ, ông có thể khái quát những bài học kinh nghiệm của các quốc gia khác trong hợp tác với Mỹ để hướng tới sự phát triển?
- Tại Hàn Quốc, trong những năm đầu thời ông Lý Thừa Vãn, sau đó đến ông Park Chung Hee, cam kết của người lãnh đạo rất rõ: Cam kết xây dựng đất nước từ con số 0, lấy con người làm trung tâm của phát triển. Chống tham nhũng là hàng đầu.
Ông ấy nói tại lễ nhậm chức là xin đồng bào cho tôi 5 năm để xây dựng lại đất nước, trong 5 năm đó tất cả phải thắt lưng buộc bụng, với tư cách là nhà lãnh đạo họ xây dựng các tập đoàn Chaebol, khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm do người Hàn Quốc lập ra, đặt đề bài, giao khoán sản phẩm Nhà nước như cảng, sân bay, đường, hạ tầng khu công nghiệp, đóng tàu cho doanh nghiệp trong nước làm… đó là những cách mà Hàn Quốc áp dụng mà Việt Nam đã và đang học hỏi, rút kinh nghiệm thời gian qua.
Người Việt không hề kém cạnh các dân tộc khác trên thế giới
Có rất nhiều bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc, của Nhật Bản khi hợp tác phát triển cùng với các cường quốc để lớn mạnh như hiện nay mà chúng ta cần tham khảo, học hỏi. Với một dân tộc như Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào là người Việt không kém cạnh bất kỳ dân tộc nào khác trên thế giới, tổ quốc Việt Nam có đủ các điều kiện tự nhiên, đủ các lợi thế để chúng ta giàu mạnh và phát triển. Chúng ta cần vận dụng được thời cuộc, phát triển bản thân mình lên bước cao hơn nữa để thực hiện khát vọng lớn mạnh, phát triển, đó là chân lý và đòi hỏi thời đại không thể khác được.
Giới quan sát, người Mỹ và người Mỹ gốc Việt đánh giá gì về tầm quan hệ Việt Nam - Mỹ phát triển trong thời gian gần đây? Từ sự hạn chế hợp tác đầu tư, thời gian tới, ông có cho rằng quan hệ thương mại, đầu tư Việt - Mỹ có nhiều dư địa để phát triển?
- Tôi sống ở Mỹ khá lâu, người Mỹ và doanh nghiệp Mỹ thường dựa vào khả năng tồn tại và thay đổi để phát triển của họ. Doanh nghiệp Mỹ thường có ba cấp, cấp đầu tiên là doanh nghiệp hoạt động kiểu để tồn tại, cấp 2 là phát triển và cấp thứ 3 là phát triển bền vững.
Không ai làm doanh nghiệp muốn tồn tại cả, đều muốn phát triển, nhưng phát triển thì sẽ bị áp lực bên ngoài, bên trong họ có thể biến mất ngay nên doanh nghiệp nào cũng muốn phát triển bền vững để vượt qua những sóng gió.
Người Mỹ biết làm gì, chứ không mong chờ cơ quan Nhà nước. Họ đi tìm công nghệ mới để sản xuất những sản phẩm tốt, đẹp và giá rẻ. Thứ 2 là đi tìm thị trường để bán sản phẩm của họ và điểm thứ 3 là đi tìm đối tác để đi ra thế giới.
Tôi nhớ năm 1949 - 1950, ông Toyoda - Chủ tịch đầu tiên của hãng xe hơi Nhật Bản Toyota đã nói thẳng là xe Toyota không chỉ dành cho người Nhật mà là dành cho cả thế giới. Họ đã khẳng định ngay bởi nước Nhật là nước nhỏ không chứa đựng hết sản phẩm cũng như ý chí con người Nhật Bản và giờ đây, các bạn biết, Toyota đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới, không chỉ là thương hiệu quốc gia, mà toàn cầu.
Mỹ cũng vậy, là đất nước hàng trăm triệu dân, song những sản phẩm của Mỹ không chỉ giới hạn ở địa giới Mỹ mà đi khắp nơi trên thế giới, từ Microsoft, Intel, Apple, Boeing, Ford, Dell… đó là những sản thương hiệu Mỹ toàn cầu.
Việt Nam vừa có VinFast đầu tư và niêm yết tại Mỹ, tôi đánh giá đây là hành động dũng cảm khi dấn thân vào Mỹ bởi họ muốn chơi với người giỏi, thắng cũng ở đó và quyết tâm cũng ở đó. Tôi vui và nể trọng bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đã biết quyết tâm đến một thị trường mà người dân khá háo hức với những cái mới, chất lượng và tiêu chuẩn để hoàn thiện mình, để bước ra thế giới.
Chúng ta còn có nhiều thương hiệu đã dần khẳng định được trên bản đồ ngành và lĩnh vực của khu vực, của thế giới, chúng ta cần hợp tác, bắt tay với các nhà đầu tư quốc tế, không chỉ Mỹ đâu mà các nước trên thế giới để thực hiện tham vọng toàn cầu sản phẩm sản xuất ở Việt Nam, nghiên cứu chế tạo bởi người Việt Nam.
Chúng ta hay nói đến chuỗi sản xuất, mắt xích trong phát triển hay đâu là một phần trong sự thịnh vượng chung của sản phẩm quốc tế. Một chiếc Boeing là thương hiệu Mỹ nhưng được lắp ráp trên hàng trăm nghìn sản phẩm từ các nơi trên thế giới, hay Apple cũng vậy. Nhiều nước đi vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà trở nên thịnh vượng, điều đó cho chúng ta thấy, chỉ có hợp tác quốc tế đa phương hoá, tham gia sâu vào chuỗi toàn cầu, mới đảm bảo lợi ích của các bên.
Từ góc độ người từng nhiều năm làm việc ở các tổ chức đa phương, đặc biệt ở các nước phương tây, ông có lời khuyên nào cho Việt Nam khi cải thiện cơ sở hạ tầng, quản trị hành chính công khi tiếp cận vốn Mỹ, công nghệ Mỹ?
- Với Mỹ, doanh nghiệp Mỹ, họ vốn hoạt động trong một định chế rõ ràng, minh bạch. Ở Việt Nam, chúng ta có thế mạnh là sự linh hoạt, ứng biến, nhưng tuân thủ pháp luật chưa tốt, xây dựng phát luật chưa dài hơi, hay thay đổi.
Đặt quan hệ với Mỹ coi họ là nhà đầu tư lớn hàng đầu, Việt Nam có lợi thế rất lớn từ học hỏi kinh nghiệm quản lý, sản xuất và nâng tầm công nghệ, chuyển giao kiến thức vì nói gì thì nói, Mỹ vẫn là nước có công nghệ nguồn hàng đầu thế giới, chơi với Mỹ sẽ có lợi cho các quốc gia, các doanh nghiệp.
Chúng ta cần xây dựng mô hình các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp dành cho doanh nghiệp Mỹ như kiểu mô hình Nomura (Nhật Bản) tại Hải Phòng, VSIP (Việt Nam - Singapore) tại nhiều địa phương và giờ chúng ta xây dựng khu dành riêng cho doanh nghiệp Mỹ đủ đất để cho họ khai triển các dự án đầu tư, khởi nghiệp, sáng tạo, công nghệ và đảm bảo chế tạo sản phẩm Mỹ ngay tại Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn GS về cuộc trao đổi này!