Góc nhìn nghị trường: Vì sao nhiều người lao động vẫn chọn rút bảo hiểm xã hội một lần?

Thực trạng nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần được không ít đại biểu Quốc hội đặt ra tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV. Để khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cần tránh trường hợp do quá khó khăn mà người lao động phải rút bảo hiểm xã hội một lần thay vì tiếp tục tham gia để hưởng lương hưu, ảnh hưởng đến sự bền vững của hệ thống chính sách an sinh xã hội.
anh-bao-hiem-1687051240.jpg
Người lao động có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội thay vì rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) nêu vấn đề, mong muốn của người lao động là chính sách của bảo hiểm xã hội phải nhất quán và có tính ổn định lâu dài. Nếu không bảo đảm yếu tố này, chính sách về bảo hiểm xã hội khác đi, dẫn đến sự không an tâm của người lao động, họ phải tính toán, cân nhắc việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, còn có sự chênh lệch trong tỷ lệ hưởng lương hưu giữa nữ giới và nam giới. Vì vậy, cần có giải pháp căn cơ cho vấn đề lao động nữ trẻ rút bảo hiểm xã hội một lần bởi ngoài lý do là không có ý định tiếp tục làm công việc chính thức thì còn liên quan tới chăm sóc con nhỏ.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, nếu tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần không được hạn chế thì nguy cơ người lao động khi nghỉ hưu sẽ khó bảo đảm đời sống. Về nguyên nhân người lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần, trước hết, do thu nhập thấp, gặp khó khăn, cần khoản tiền để trang trải. Đa số trường hợp này rơi vào công nhân, tập trung chủ yếu ở khu vực các địa phương phía Nam. Bên cạnh đó, cơ chế cho phép rút bảo hiểm xã hội một lần của nước ta còn khá dễ dàng. Kinh nghiệm từ một số nước cho thấy, việc rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ áp dụng với số ít trường hợp như mắc bệnh nan y hay đi định cư ở nước ngoài.

Cần nhìn nhận thực tế, người lao động gặp nhiều khó khăn khi phải đối diện với rủi ro do mất việc làm, thu nhập bấp bênh trong khi vẫn phải chi trả cho những nhu cầu thiết yếu. Do vậy, để khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, giải pháp quan trọng nhất là phải cải thiện được thu nhập, bảo đảm đời sống cho họ. Bên cạnh đó, thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được nhận lương hưu tối thiểu là 20 năm. Đây là khoảng thời gian khá dài, với lao động phổ thông để tích lũy được đủ điều kiện này không phải dễ dàng.

Hiện nay, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội đang được triển khai, trong đó, sẽ xem xét một cách tổng thể các chính sách liên quan với mong muốn tạo nền tảng an sinh xã hội tốt hơn cho người lao động. Một trong những đề xuất của lần sửa đổi này là giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống dưới 15 năm và tiến tới có thể 10 năm theo thông lệ quốc tế. Để bảo đảm nguyên tắc đóng-hưởng bình đẳng và chia sẻ, thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn, số tiền đóng ít thì hưởng lương hưu ít.

Cũng cần nhắc đến vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền để người lao động hiểu được những quyền lợi của mình nếu tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Đặc biệt là khoản thu nhập ổn định giúp trang trải cho cuộc sống khi về hưu. Thực tế, có trường hợp người lao động lo ngại chính sách bảo hiểm xã hội thay đổi, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ nên tranh thủ rút một lần trước khi có quy định mới. Điều này cũng tác động đến tâm lý chung và làm sai lệch bản chất của vấn đề. Như khẳng định của lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, tinh thần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội là tăng quyền lợi cho người lao động chứ không phải hạn chế quyền lợi và xây dựng các phương án khác nhau để từ đó có giải pháp hiệu quả nhất cho các vấn đề thực tiễn đặt ra.