Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, năm 2023, ngành hướng tới mục tiêu số lượng tuyển sinh tăng khoảng 10% so với năm 2022; sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở GDNN theo chủ trương của Đảng, Chính phủ để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia theo ngành trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan.
Hệ thống cơ sở GDNN theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng.
Nhà nước tập trung đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao và các cơ sở GDNN cho các nhóm đối tượng đặc thù phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực của xã hội.
Hiện nay, tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 26,2%, phần lớn lực lượng lao động hiện chưa có bằng cấp. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mặt khác cần đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động do ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ (CMCN) lần thứ 4 để tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế.
Về hiện trạng khó khăn, ông Trương Anh Dũng cho rằng: GDNN hiện chưa thực sự là con đường hấp dẫn nhất với học sinh. Việc tuyển sinh còn khó khăn, các điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế. Nhiều khó khăn do công tác phân luồng, tâm lý trọng bằng cấp, gắn kết các cơ sở GDNN với doanh nghiệp.
Người học tốt nghiệp THPT vào đại học hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động mà không qua đào tạo còn nhiều; người học thích tập trung về các thành phố lớn để học tập. Những khó khăn trong việc dạy văn hóa bậc THPT trong các cơ sở GDNN chưa hoàn toàn được tháo gỡ, người học vẫn còn nhiều băn khoăn và thiếu sự yên tâm khi học tập theo hình thức này.
Công tác tuyển sinh đối với các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, ngành nghề đòi hỏi năng khiếu còn gặp nhiều thách thức. Thiếu nguồn lực để thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN.
“Chúng tôi đã đưa vào vận hành phần mềm cơ sở dữ liệu GDNN, dịch vụ công trực tuyến và xây dựng nền tảng học tập trực tuyến giúp các cơ sở GDNN, người dân tiếp cận, nâng cao nhận thức. Trong đó có các chương trình học, cấp chứng chỉ trực tuyến về giao tiếp trực tuyến, tham gia trực tuyến an toàn và trách nhiệm, tạo nội dung số, cộng tác và quản lý nội dung số… Nền tảng học liệu số, nâng cao năng lực sư phạm cho các nhà giáo trên môi trường số đã bước đầu được triển khai và đưa vào sử dụng. Bước đầu, các cơ sở GDNN đã chủ động đổi mới, sửa đổi nội dung chương trình đào tạo, gắn với tăng cường kiến thức công nghệ thông tin trong môn học, theo yêu cầu của nghề”, ông Trương Anh Dũng cho biết.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trong GDNN là bài toán khó, nhiều cơ sở GDNN chưa xây dựng cho mình chiến lược, chương trình, kế hoạch để thực hiện chuyển đổi số, còn lúng túng đi tìm mô hình, cách thức, chiến lược và lộ trình thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị. Các cơ sở GDNN cần các nguồn đầu tư, hỗ trợ về tài chính cho chuyển đổi số.
Do đó, ngành GDNN tiếp tục đặt mục tiêu tổng quát là tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của GDNN, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch bệnh COVID-19, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế.