Giám sát việc từ chức để không còn những lá đơn xin thôi nhiệm vụ vì sức khỏe

Ở nước ta, vấn đề từ chức của cán bộ nói chung và từ chức của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tiêu cực ở cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý phụ trách vẫn là câu chuyện rất mới, rất nóng.

Trong nhiều năm trở lại đây, một số chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về việc cán bộ từ chức đã được thể hiện trong các văn bản như: Luật Cán bộ, Công chức; Nghị Quyết Trung ương 7 khóa II, Quy định số 41 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. 

Có thể thấy, những quy định này đã dần rạch ròi các trường hợp miễn nhiệm và từ chức. Những quy định đó giúp các tổ chức, cơ quan căn cứ xác định cụ thể từng trường hợp cán bộ miễn nhiệm, từ chức để áp dụng. Đặc biệt, quy định trên giúp ngăn ngừa tốt hơn về những lý do từ chức có tính hình thức, lập lờ và đánh tráo khái niệm “từ chức” của không ít cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật trước đây. 

Đặc biệt Kết luận số 34 của Bộ Chính trị ban hành mới đây về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, trong đó có nhấn mạnh về việc kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, uy tín; việc miễn nhiệm, từ chức, trách nhiệm người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để xay ra tham nhũng, tiêu cực ở cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách. 

hoi-nghi-trung-uong-4-khoa-xiii-1651544411.jpg
Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã thảo luận và ban hành Kết luận số 21 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ảnh: Nhật Bắc

Với những quy định này, những bức thư xin thôi nhiệm vụ, nghỉ việc (vì việc riêng, vì lý do sức khỏe) như: Cựu Bí thư tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ, Cựu Bí thư tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Năm… sẽ không còn cơ hội tái diễn nữa. 

Gần đây là sự việc nguyên Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam nộp đơn xin không làm Đại biểu Quốc hội Khóa XV với lý do “sức khỏe không tốt”. Nhưng nguyên nhân sâu xa là bản thân ông Nam có những vi phạm, khuyết điểm liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai gây thất thoát, lãng phí tài sản. 

Do đó, khi đã có Quy định số 41 của Ban Chấp hành Trung ương và thực hiện tốt Kết luận số 34 của Bộ Chính trị về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát thì những cán bộ thuộc trường hợp miễn nhiễm sẽ không còn đất diễn bài “từ chức”, gửi đơn xin thôi việc vì “lý do sức khỏe” nữa.

Việc giám sát, kiểm cán bộ từ chức khi để cơ quan, đơn vị mình quản lý xảy ra tham nhũng, tiêu cực được Đảng đưa vào trong tổng thể chiến lược công tác giám sát, kiểm tra của Đảng cho thấy tầm quan trọng của vấn đề. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ từ chức khi thuộc diện nằm trong Quy định số 41 góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đặc biệt, làm tốt vấn đề này sẽ tạo điều kiện và khích lệ văn hóa từ chức trở về theo nguyên nghĩa của nó và được “sống lại” một cách tự nhiên. 

Họ chủ động từ chức là để dành cơ hội cho thế hệ kế cận hay cảm thấy mình chưa làm “đúng phận, tròn vai”. Số lượng những cán bộ như thế không nhiều và chưa trở thành nếp chung để văn hóa từ chức trở lên sống động.

Trong phần mở đầu của Kết luận số 34 của Bộ Chính trị đã nêu tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn diễn biến phức tạp. 

Như vậy, Trung ương tiếp tục nhận thấy thực trạng có không ít cán bộ năng lực còn hạn chế, yếu kém. Do đó, làm tốt công tác kiểm tra giám sát trong Quy định tại số 41 về việc cán bộ có chức vụ nhưng năng lực không tương ứng, để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng như để xảy ra tham nhũng, tiêu cực đơn vị mình quản lý và làm mất uy tín tại nơi công tác thì đều thuộc các yếu tố xem xét từ chức. 

Có thể thấy Kết luận số 34 của Bộ Chính trị là cơ sở quan trọng cho việc từ chức trở thành một thói quen, một hành động văn hóa trong đời sống chính trị. Đây là bước cụ thể hơn tinh thần trong Nghị Quyết Trung ương 7 khóa II đã xác định “xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ”.

Cán bộ có chức vụ khi nhận thấy mình bị suy giảm uy tín, năng lực lãnh đạo chưa tốt để xảy ra vi phạm tiêu cực chưa đến mức để miễn nhiễm thì việc thực hiện trước công tác từ chức là hợp lẽ trong quy định số 41. 

Bởi nếu “nấn ná” thì công tác giám sát, kiểm tra chỉ là bước tiếp đó, cách đó không xa. Đây là một quy luật rất tự nhiên của một hệ thống mở với những yếu tố vào – ra, lên –xuống góp phần đổi mới hệ thống chính trị nước ta.

Với Kết luận số 34 về kiểm tra, giám sát mà điểm nhấn của việc kiểm tra việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ, trách nhiệm người đứng đầu khi để đơn vị quản lý xảy ra sai phạm tham nhũng, tiêu cực sẽ giúp các tổ chức, cơ sở đảng dễ dàng vận dụng và là căn cứ cụ thể để chính danh thực thi. Điều này phần nào tránh được tình trạng nể nang, né tránh ở một số nơi về việc cán bộ từ chức. 

Ở đâu và nơi nào thực hiện nghiêm túc hay chiếu lệ, thực chất hay hình thức sẽ bị lộ khi kiểm tra, giám sát vào cuộc. Đặc biệt kết luận đã chỉ đạo, gợi mở hai hướng rất quan trọng trong công tác con người.

Một là, nó tạo “lối ra”, “đường về đáp đất” cho những cá nhân đang còn lăn tăn vừa muốn từ chức vừa muốn giữ ghế khi đang tại vị bởi không đáp ứng được yêu cầu về năng lực, để xảy ra sai phạm về tham nhũng, tiêu cực.

Hai là, nó như một công cụ, căn cứ lý lẽ để các cấp ủy, cơ quan viện dẫn, mạnh tay và đồng lòng nhất trí khi thực hiện một công đoạn tương đối khó khăn trong công tác nhân sự - công tác từ chức của cán bộ.