Giải bài toán 'khát nhân lực' đối với làng nghề truyền thống

Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có tay nghề cao, được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy các làng nghề truyền thống phát triển bền vững và hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay việc thu hút và “giữ chân” lao động trẻ lại đang là thách thức đối với nhiều làng nghề của Việt Nam.

Với bề dày truyền thống lịch sử, thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước với số lượng 1.350 làng, đang tạo việc làm cho khoảng 01 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm. Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề đang đối mặt với thách thức thiếu lao động có tay nghề, để đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây cũng là lý do chính khiến sản phẩm các làng nghề truyền thống chưa phong phú về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của quốc tế.

ang-nghe-may-tre-dan-phu-vinh-3-1726804766.png
Lao động tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Hà Nội. (Ảnh: Vừng decor)

Ông Nguyễn Phương Quang - Giám đốc Công ty TNHH Việt Quang ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ cho biết, vài năm trở lại đây, làng nghề Phú Vinh vốn nổi tiếng với nghề mây tre đan, nhưng không phát triển được vì thiếu đội ngũ lao động kế cận lành nghề. Các hộ troing làng hiện chỉ sản xuất theo mẫu đặt hàng, chứ không có nhiều thợ có trình độ tay nghề, có thể thiết kế mẫu sản phẩm mới nên hàng hóa không phong phú, thiếu sức cạnh tranh, trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng cao và khắt khe.

Tương tự, ông Nguyễn Như Diên, cơ sở giày dép da Son Linh (thôn Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) thông tin làng nghề da giày Phú Yên hiện đang đối mặtvới tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề cao. Rất nhiều lao động tại địa phương đã không còn thiết tha và động lực làm nghề mà chuyển sang làm tại các khu công nghiệp nhằm có nguồn thu nhập ổn định hơn cùng với các chế độ bảo hiểm kèm theo.

Bên cạnh Hà Nội, nhiều làng nghề của Thanh Hóa cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Là nơi có đa số đồng bào dân tộc Thái sinh sống, thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước vẫn còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Bà Lò Thị Dân (66 tuổi), một nghệ nhân của thôn cho biết nghề dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời và gắn bó với người phụ nữ dân tộc Thái nơi đây. Do là sản phẩm làm thủ công nhên các sản phẩm làm ra rất được khách hàng ưa thích.

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, dân trong thôn đã đã thoát được nghèo nhờ dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, dù đã có bước phát triển, nhưng điều mà những nghệ nhân cao tuổi của Lặn Ngoài lo lằng nhất hiện nay đó là thanh niên trong thôn rất ít quan tâm và không muốn gắn bó với nghề.

tai-xuong-1726805028.png
Truyền dạy, hướng dẫn kỹ năng dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc Thái tại thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm. (Ảnh: Báo Thanh Hóa).

Tại làng nghề đan cót làng Giàng, phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa), ông Dương Khắc Thành, người đã lâu năm làm nghề và đang bao tiêu sản phẩm tại địa phương, cho biến ếu như trước đây, nghề đan cót là nghề lao động chính trong làng, thu hút được tới 70% lao động thì hiện nay chỉ còn khoảng 10%. Nguyên nhân cuả sự sụt giam này là do thiếu nguyên liệu, thị trường tiêu thụ khó khăn và thu nhập từ nghề chưa cao nên chưa thu hút được lao động địa phương. Do đó, việc lưu truyền và phát triển nghề đan cót giờ chỉ trông chờ vào những người cao tuổi, gắn bó với nghề lâu năm chứ không thu hút được lớp trẻ tham gia. Nghề đang đứng trước nguy cơ mai một trầm trọng.

Tương tự, việc thiếu hụt lao động trẻ, lao động tay nghề cao là lý do khiến cho nhiều làng nghề truyền thống ở Nghệ An chậm phát triển.

Xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc vốn nổi tiếng với nghề mây tre đan truyền thống. Từ chỗ có trên 1.000 hộ làm nghề, đến nay, toàn xã chỉ vài trăm hộ, trong đó, nhiều gia đình chỉ có 1 lao động tham gia, chủ yếu là người già, người trung niên và phụ nữ, có khi cả tháng mới làm được chục sản phẩm, thu nhập khá bấp bênh.

“Đặc biệt, nguồn nhân lực cho các làng nghề hiện nay sụt giảm mạnh, đa số nhân công làng nghề chủ yếu là trung niên, lớn tuổi, lớp thanh niên trẻ có sức khỏe đã lựa chọn hướng làm kinh tế khác như: Đi xuất khẩu lao động, làm công trong các công ty, khu công nghiệp…”,  ông Nguyễn Văn Lục - Chủ tịch UBND xã Nghi Thái cho biết.  Thực tế ở Nghi Thái cũng chính là điều đáng lo ngại của các làng nghề mây tre đan trên địa bàn huyện Nghi Lộc hiện nay. Bởi trong 14 làng nghề mây tre đan thì Nghi Thái chiếm 10 làng, 4 làng nghề còn lại là ở Nghi Phong và Phúc Thọ.

uploaded-dataimages-201305-original-791329-small-92462-1726805683.jpg
Sản xuất mây tre đan ở Nghi Thái (Nghi Lộc). (Ảnh: Báo Nghệ An)

Vì sao làng nghề khó thu hút nhân lực chất lượng?

TS. Nguyễn Vi Khải, Phó Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển và Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đánh giá, đến 99% số làng nghề hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, theo kiểu cha truyền con nối, với số lao động bình quân từ 10 -15 người/cơ sở sản xuất. “Số cơ sở sản xuất hiện đại, quy mô lớn rất ít, đếm trên đầu ngón tay", ông Khải nói.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Hường, thành viên Ban Nghiên cứu và Phát triển làng nghề (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam), việc dạy nghề tại các làng nghề phần lớn theo lối cầm tay chỉ việc hoặc tổ chức những lớp học ngắn ngày, rất ít làng nghề tổ chức đào tạo bài bản dẫn đến hiệu quả chưa cao. Cơ sở vật chất, phương tiện dạy nghề ở các gia đình và các cơ sở nhỏ lẻ, còn đơn sơ, thiếu thốn. Việc dạy nghề truyền thống ở một số trường đào tạo nghề cũng chưa gắn với nhu cầu, do đó, nhiều người học xong vẫn không tìm được việc làm hoặc nơi tiếp nhận phải tốn kém thêm thời gian, kinh phí để đào tạo lại…

Giải pháp nào?

Trong bối cảnh hội nhập với sự cạnh tranh mạnh mẽ, nhu cầu phải có đội ngũ nhân lực với tay nghề tinh xảo nhằm tạo ra các sản phẩm phong phú về mẫu mã, bảo đảm chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường được đặt ra ngày càng cấp thiết. Chỉ có nguồn nhân lực chất lượng tốt thì mới giữ và phát triển các làng nghề truyền thống ngày càng phát triển.

Trước hết, cần hoàn thiện chính sách đào tạo nghề. Hình thức đào tạo và nâng cao tay nghề cho lao động phải xuất phát từ đặc điểm và nhu cầu sản xuất của các làng nghề, đồng thời áp dụng đa dạng hình thức đào tạo và kết hợp các thành phần tham gia. Nhà nước khuyến khích các trường đào tạo, viện nghiên cứu đẩy mạnh nghiên cứu, giảng dạy tạo mẫu sản phẩm, quảng bá rộng rãi sáng tạo mới về mẫu mã; thành lập trung tâm thiết kế mẫu cho các làng nghề Việt Nam; sưu tầm và biên soạn các quy trình công nghệ, sách dạy nghề về sản xuất các sản phẩm nghề truyền thống; liên kết, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp và tổ chức xã hội - nghề nghiệp nhằm bảo đảm đầu ra cho người lao động sau đào tạo.

Hai là, thay đổi nội dung chương trình đào tạo nghề theo hướng thiết thực, hiệu quả. Sở dĩ trình độ của lao động trong các làng nghề còn thấp là do công tác đào tạo nghề cho người lao động còn chưa gắn chặt với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để nâng cao trình độ cho lao động làng nghề, công tác đào tạo nghề cần phải bám sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh để đạt được hiệu quả thiết thực. Muốn vậy, nội dung đào tạo nghề cần hướng vào thực tiễn, gắn với nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp và của xã hội, cần đặc biệt chú trọng phát triển các ngành, nghề thủ công. Đó là những ngành, nghề có thể tự đào tạo, bồi dưỡng tại địa phương, như một số nghề thủ công, mỹ nghệ truyền thống cần được bảo tồn và có khả năng phát triển (chế biến gỗ, sơn mài, chạm, khảm; làm đồ gốm, đồ đồng; nghề mây tre đan, nghề thêu ren, nghề dệt, lụa, thổ cẩm...).

Ba là, cần song hành đào tạo tập trung và truyền nghề tại nơi sản xuất. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội phối hợp với địa phương, đoàn thể, hợp tác xã, doanh nghiệp nghiên cứu nhu cầu học nghề, xây dựng chương trình chuẩn về giáo trình, giáo cụ thực hành, kết hợp dạy nghề và khởi nghiệp, hình thành nhóm học viên từ 10 người trở lên cùng nhau thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác có sự giúp đỡ của chính quyền về thủ tục thành lập cùng các ưu đãi, các doanh nghiệp giúp hợp tác xã về điều kiện sản xuất như góp vốn, cho vay bao tiêu sản phẩm, bán thành phẩm.

Bốn là, tích cực ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại vào quá trình đào tạo nghề. Khoa học - công nghệ không chỉ cải tiến công cụ lao động, tạo ra những đối tượng lao động mới theo hướng thân thiện và bền vững với môi trường, thúc đẩy sự phát triển của phương tiện sản xuất, hạ tầng kỹ thuật trong sản xuất mà còn góp phần đáng kể trong nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động ở các làng nghề.

Việc áp dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào chương trình đào tạo nghề cho lao động làng nghề sẽ tạo động lực quan trọng để người lao động tích cực tìm tòi, phát hiện sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, giải phóng sức lao động. Việc đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào đào tạo nghề chính là cách thức đào tạo hiệu quả để nâng cao nhận thức, trình độ cho lao động ở các làng nghề.

 

Nguyễn Hoàng (TH)