Giá vàng chiều nay (5/12): Vàng trong nước tăng mạnh

Ngược chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh vượt 74 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước hôm nay

Các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng mạnh giá vàng lên vượt ngưỡng 74 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng các thương hiệu đang niêm yết cụ thể như sau:

Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 73 triệu đồng/lượng mua vào và 74,22 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 300.000 đồng ở chiều mua và 200.000 đồng ở chiều bán.

DOJI tại khu vực Hà Nội đã điều chỉnh tăng giá vàng miếng thêm 600.000 đồng ở chiều mua và 300.000 đồng ở chiều bán lên lần lượt 72,9 triệu đồng/lượng và 74,3 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội, tăng 400.000 đồng ở chiều mua và 300.000 đồng ở chiều bán.  

Phú Quý SJC đang thu mua vàng miếng với giá 72,95 triệu đồng/lượng và bán ra mức 74,2 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng ở chiều mua và 400.000 đồng ở chiều bán so với rạng sáng qua.      

Giá vàng miếng PNJ niêm yết ở mức 73,2 triệu đồng/lượng mua vào và 74,3 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 500.000 đồng ở chiều mua và 400.000 đồng ở chiều bán. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu đã điều chỉnh tăng 290.000 đồng ở chiều mua và 450.000 đồng ở chiều bán lên lần lượt 73,05 triệu đồng/lượng và 74,15 triệu đồng/lượng.  

nlntvv-gia-vang-the-gioi-1701684012.jpg
Vàng trong nước tăng mạnh (Ảnh: Getty Images)

Giá vàng thế giới hôm nay

Giá vàng thế giới rạng sáng nay quay đầu giảm mạnh với vàng giao ngay giảm 39 USD xuống còn 2.029,6 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.048,6 USD/ounce, giảm 41,1 USD so với rạng sáng qua.

Vàng thế giới lao dốc do áp lực chốt lời sau khi kim loại quý này “xô đổ” mức kỷ lục mọi thời đại đạt được vào thứ 6 tuần trước. Trong phiên giao dịch đầu tuần, vàng giao ngay chạm mức 2.100 USD/ounce.

Mặc dù vàng giảm, nhưng các nhà phân tích cho rằng, kim loại quý này có thể duy trì trên mức 2.000 USD/ounce trong thời gian tới nhờ được hỗ trợ bởi nhu cầu trú ẩn an toàn do lo ngại bất ổn địa chính trị, đồng USD yếu hơn và khả năng cắt giảm lãi suất.

Giá kim loại màu vàng đã tăng trong 2 tháng liên tiếp khi cuộc xung đột Israel-Hamas làm gia tăng nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn, trong khi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất ngày càng tăng. Vàng có xu hướng hoạt động tốt trong thời kỳ bất ổn về kinh tế và địa chính trị khi kim loại quý này được coi là tài sản lưu trữ giá trị đáng tin cậy.

Chiến lược gia của ngân hàng UOB cho rằng, động lực tích cực chính cho vàng chính là kỳ vọng đồng USD sẽ suy yếu và lãi suất sẽ giảm trong năm 2024. Dự báo, giá vàng có thể lên tới 2.200 USD/ounce vào cuối năm 2024.

Có cùng quan điểm lạc quan, chiến lược gia hàng hóa của ING cho rằng, vàng sẽ tiếp tục thiết lập mức cao mới mọi thời đại vào năm 2024 khi được thúc đẩy bởi sự suy yếu của đồng USD và việc cắt giảm lãi suất của Fed. Thời gian qua, bất chấp tình hình căng thẳng địa chính trị lắng dịu, vàng vẫn tăng vững chắc và động lực chính là đồng USD và kỳ vọng lãi suất.

Chiến lược gia hàng hóa của TD Securities, dự báo giá vàng sẽ đạt trung bình 2.100 USD/ounce trong quý II năm 2024, với hoạt động mua mạnh mẽ của ngân hàng trung ương đóng vai trò là chất xúc tác chính thúc đẩy giá cả.

Theo một khảo sát gần đây của Hội đồng vàng thế giới, 24% ngân hàng trung ương có ý định tăng dự trữ vàng của họ trong 12 tháng tới, khi họ mất niềm tin về đồng USD trong vai trò là một tài sản dự trữ.

Hiện tại, các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố vào thứ 6 tới. Đây là báo cáo việc làm quan trọng, được cho là có thể ảnh hưởng đến triển vọng lãi suất của Mỹ.

Với giá vàng trong nước tăng mạnh và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.029,6 USD/ounce (tương đương gần 59,7 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã nới rộng lên trên 14 triệu đồng/lượng.            

Huyền Anh(TH)