Điểm nhấn lớn nhất được kỳ vọng cho sự phục hồi của thị trường bất động sản trong năm nay là việc Quốc hội đã thông qua nhiều Luật quan trọng như Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản hay Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ngay từ đầu năm, Chính phủ liên tiếp chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường và đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Theo bà Hoàng Thu Hằng, Trưởng phòng Quản lý thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng): Những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương đang mang lại hiệu ứng tích cực, củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào sự phát triển lành mạnh của thị trường. Về phía Bộ Xây dựng đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Tổ Công tác của Chính phủ do lãnh đạo Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng cũng liên tục có hoạt động thiết thực, đôn đốc các địa phương và cùng các địa phương tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Nếu đạt được mục tiêu phát triển khoảng 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm nay, nếu khơi thông được những ách tắc bấy lâu nay về pháp lý và vốn cho các doanh nghiệp bất động sản, thì sẽ có thêm nhiều sản phẩm bất động sản mới được đưa ra thị trường, phù hợp với nhu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Phương Đông cho biết: Doanh nghiệp này đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để khởi động các dự án tại Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng và Bắc Ninh để đón đầu làn sóng đầu tư mới, khi thị trường ấm lên khi nhận được các thông tin về sự hỗ trợ của các bộ, ngành, các cơ chế đã thông thoáng và Ngân hàng cũng sẵn sàng bố trí vốn cho doanh nghiệp, chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị đưa nhiều dự án mà chúng tôi chậm triển khai hoặc trì hoãn thời gian vừa rồi để đưa ra thị trường. Chúng tôi cảm nhận được rằng, năm 2024 này sẽ có nhiều sản phẩm tốt và tiếp cận được đúng nhu cầu của người mua.
Hiện nay, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản đối đầu với những khó khăn, thách thức lớn như: Vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất, quy hoạch sử dụng đất. Cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng, không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án, phải giãn tiến độ hoặc dừng triển khai. Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường bất động sản dù chưa thể tạo đột phá nhưng cũng đã có những dấu hiệu phục hồi, nhất là ở một số phân khúc như bất động sản công nghiệp, chung cư hay nhà phố ở vùng lõi của các đô thị.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng: Đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng đầu tư vào Việt Nam phát triển công nghiệp, kéo theo bất động sản công nghiệp trong năm 2023 vừa qua trở thành điểm sáng, tôi cho rằng điểm sáng rực rỡ trong thị trường bất động sản. Việc này sẽ cho chúng ta kỳ vọng lớn về sự phục hồi và phát triển bền vững và lành mạnh của thị trường bất động sản trong thời gian tới).
Cùng với những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương, thì chính các doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trên thực tế, thị trường bất động sản nước ta đang mất cân đối nghiêm trọng. Thị trường thiếu vắng hẳn các sản phẩm nhà ở thương mại giá bình dân. Tỷ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân trên tổng nguồn cung căn hộ mở bán liên tục giảm, từ mức 30% vào năm 2019 còn 6% vào năm 2023.
Nguồn cung các căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 chỉ có từ các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà thương mại tại các tỉnh thành cấp II, cấp III. Đặc biệt, phân khúc trung cấp cũng bắt đầu khan hiếm tại Hà Nội, TP.HCM. Nguồn cung căn hộ có mức giá 40 triệu đồng/m2 gần như chỉ xuất hiện tại các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Bắc Ninh. Đây là vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý để phát triển sản phẩm phù hợp hơn với xu thế của thị trường và nhu cầu thực của người dân.