Đóng BHXH đủ 35 năm về hưu 'non', không thể hưởng lương hưu tối đa

Người lao động thừa năm đóng BHXH hưởng lương hưu tối đa chỉ được chi trả 0,5 tháng lương mỗi năm, trong khi người rút BHXH một lần mỗi năm lại được nhận 2 tháng lương.

Lao động về hưu đúng tuổi sẽ bị thiệt

Tháng 4 năm nay, ông Nguyễn Văn Sâm đủ tuổi về hưu sau hơn 40 năm công tác trong ngành y tế. Với hơn 40 năm tham gia BHXH, khi về hưu ông Sâm được hưởng mức lương hưu tối đa (75%), ngoài ra với 5 năm đóng BHXH còn lại mỗi năm ông Sâm được hưởng 0,5 tháng lương.

Ông Sâm cho rằng, việc BHXH chi trả mỗi năm đóng thừa BHXH chỉ được hưởng 0,5 tháng lương là bất công cho ông nếu so sánh với người rút BHXH một lần.

“Người rút BHXH một lần mỗi năm đóng BHXH được hưởng 2 tháng lương. Vậy sao tôi tham gia cống hiến cho đến khi nghỉ hưu lại chỉ được hưởng mỗi năm đóng thừa 0,5 tháng lương?”, ông Sâm so sánh.

luong-huu-tienphong-347-1682213066.jpg
Không thể hoán đổi số năm đóng BHXH để được về hưu sớm. Ảnh minh hoạ: BHXHVN.

Cũng băn khoăn như ông Sâm, bạn đọc Thu Minh chia sẻ: "Tôi năm nay 54 tuổi, đã tham gia đóng BHXH đủ 35 năm, tuy nhiên hiện tại do sức khỏe giảm sút, muốn về hưu thì phải chờ 8 năm nữa.

Trường hợp muốn về hưu trước tuổi sẽ bị trừ 2% mỗi năm, như vậy bị trừ 16% chỉ còn 61% lương.

Trong khi nếu vẫn tiếp tục đi làm đến tuổi nghỉ hưu, tôi cũng chỉ có 75% lương. Như vậy đến tuổi hưu, 8 năm thừa đóng BHXH sao không tăng 2% mỗi năm để được hưởng mức lương cao hơn thay vì chỉ trả mỗi năm thừa 0,5 tháng lương".

Nên linh hoạt cho người lao động lựa chọn

Bạn đọc Phạm Hồng Sơn cho rằng, người lao động khi đã đóng BHXH đủ 35 năm trở lên nên được quyền lựa chọn theo các phương án: Một là, nếu về hưu ngay thì không bị trừ % do thiếu tuổi. Hai là, tiếp tục đi làm nhưng không phải đóng BHXH. Ba là, có thể chọn phương án tiếp tục đi làm đóng BHXH để hưởng lương hưu cao hơn. Có như vậy chính sách BHXH mới công bằng và hấp dẫn với người lao động. 

Bạn đọc Đặng Trí Dũng cho rằng, nếu đã đóng đủ số năm để hưởng đủ 75% lương hưu nhưng tuổi nghỉ hưu chưa tới, người lao động có quyền chốt sổ và thôi đóng phí chờ đến tuổi hưu. Những năm còn lại người lao động có quyền nhận toàn bộ số phí mà người sử dụng lao động đóng BHXH cộng vào lương để tăng thu nhập cá nhân.

“Nên có quy định cho phép người lao động lấy số năm đóng thừa bù cho thời gian thiếu tuổi để họ được nghỉ hưu sớm nếu họ có nguyện vọng, vì chúng ta đã lấy căn cứ là thời gian đóng tối đa 35 năm rồi”, một bạn đọc khác chia sẻ.

Nên chi trả 2 tháng lương cho mỗi năm đóng thừa BHXH?

Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, ban soạn thảo đang đề xuất tăng mức hưởng lên 1 tháng lương cho người đóng thừa BHXH để hưởng mức lương hưu tối đa thay vì 0,5 tháng như quy định hiện hành.

Tuy nhiên, ông Huân cho rằng cơ quan soạn thảo cần phải cân nhắc, tính toán kỹ để tăng mức chi trả cho mỗi năm đóng thừa BHXH hưởng mức lương tối đa lên 1,5 hoặc 2 tháng lương, đảm bảo công bằng cho người lao động.

Một cán bộ BHXH Hà Nội cho biết, đối với những trường hợp người lao động đóng thừa BHXH hưởng lương hưu tối đa, đơn vị đang đề xuất nên chi trả như người lao động rút BHXH một lần, tức là mỗi năm đóng thừa phải được 2 tháng lương. Có như vậy mới khuyến khích được người lao động đủ điều kiện tiếp tục tham gia đóng BHXH.

Về đề xuất cho bù số năm đóng thừa BHXH để được về hưu sớm, ông Huân cho rằng việc này rất khó, bởi mô hình hưởng lương hưu ở nước ta đang ở trạng thái mức đóng “chạy” theo mức hưởng.

“Tổng số tiền đóng BHXH của người lao động không đổi, nếu đóng đủ nghỉ hưu sớm và sống lâu thì tiền ở đâu bù vào? Trên thế giới cũng chưa thấy nước nào cho hoán đổi năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu 'non'", ông Huân nói.