Đề xuất hoán đổi năm đóng BHXH thừa khi về hưu sớm để hưởng lương hưu tối đa

Đinh Thảo
Nhiều lao động thừa thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu 75%, nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu đã phải chịu thiệt thòi khi buộc phải bảo lưu chờ đến khi đủ tuổi hoặc nghỉ hưu sớm với mức lương thấp. Do đó, công đoàn cơ sở đề xuất cho phép họ hoán đổi để nghỉ hưu sớm vẫn hưởng tối đa 75% lương.
bhxh-1681444180.jpg
Người lao động muốn hoán đổi năm đóng BHXH thừa khi về hưu sớm để hưởng lương hưu tối đa (Ảnh: VGP)

Chia sẻ tại hội thảo về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nhiều công nhân, lao động đi làm khi tuổi còn rất trẻ. Hiện nay, họ đã thừa năm đóng BHXH để được hưởng 75%, nhưng lại thiếu tuổi nghỉ hưu.

Nhiều công nhân đi làm từ tuổi đôi mươi, nay thừa năm đóng BHXH để hưởng tối đa 75% lương hưu và được nhận trợ cấp một lần trước khi hưởng lương hưu, nhưng thiếu tuổi vẫn bị trừ tỷ lệ hưởng. Thiếu một năm đóng bảo hiểm xã hội trừ 2%, nhưng thừa một năm đóng được cộng không đáng bao nhiêu so với việc phải trừ 2% khi thiếu một năm đóng. Vì vậy, có thể bù đắp cho nhau thế nào để những người có thừa năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng thiếu tuổi nghỉ hưu được hưởng tối đa 75%.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hiện nay tuổi nghỉ hưu đang được nâng lên theo lộ trình nam 62, nữ 60 tuổi. Trong bối cảnh nhiều người lao động bước vào tuổi lao động rất sớm nên vượt mốc để hưởng lương hưu tối đa (nữ 30 năm và nam 35 năm tham gia BHXH) nhưng tuổi đời lại chưa đủ.

Chính vì vậy, có một số ý kiến đề xuất, trường hợp người lao động vượt quá thời gian hưởng lương hưu tối đa mà tuổi đời nghỉ hưu chưa đủ thì cho phép họ hoán đổi để nghỉ hưu sớm.

Từ thực tế này, đại diện LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất cơ quan soạn thảo có thể giải đáp mong mỏi của người lao động, để những người thừa năm đóng, thiếu tuổi nghỉ hưu vẫn được hưởng 75% lương hưu.

Hưởng lương hưu tối đa phải đủ tuổi

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, việc một số người lao động đóng thừa số năm quy định, thừa mức hưởng lương hưu tối đa (75%) là một thực tiễn.

Tuy nhiên, việc hoán đổi số năm thừa hưởng lương hưu tối đa để giảm thiểu tuổi về hưu là chưa đảm bảo được chính sách hưu trí.

Bà Hương nói rõ, chính sách hưu trí phải đảm bảo 2 điều kiện, thứ nhất phải đủ tuổi về hưu theo quy định pháp luật. Quy định của pháp luật đối với trường hợp cụ thể trong điều kiện suy yếu sức khoẻ thì sẽ được giảm trừ tuổi nghỉ hưu. Còn đối với người lao động bình thường thì phải đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.

Thứ 2 là phải đóng đủ số năm, nữ 30 năm, nam 35 năm tham gia đóng BHXH thì mới được nghỉ hưu hưởng mức lương tối đa.

“Việc dùng số năm đóng hơn để hoán đổi giả tuổi về hưu là chưa đảm bảo căn cứ về mặt lý thuyết. Còn về mặt thực tiễn, chính sách BHXH đóng hơn số thời gian để được hưởng tối đa lương hưu thì người lao động có thể dừng đóng hoặc được BHXH chi trả mức đóng quá số năm hưởng mức lương hưu tối đa”, bà Hương nói.

Trên thế giới không có nước nào cho hoán đổi số năm để được hưởng lương hưu đầy đủ trước tuổi.

Do đó, người lao động dù không muốn làm việc, vẫn phải đóng đủ và phải đủ tuổi mới được nghỉ hưu.

Phản hồi về các ý kiến trên, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: "Đây là vấn đề khó khi làm sao để cân đối hài hòa giữa việc người lao động vừa muốn nghỉ hưu sớm nhưng không bị trừ tỷ lệ hưởng hương hưu hằng tháng".

Những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, ban soạn thảo sẽ tiếp thu trên nhiều góc độ để hoàn thiện trước khi báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

Phương Thảo - TH