Được biết, Tết Ramưwan có nguồn gốc từ truyền thống Hồi giáo, tương tự như tháng Ramadan của người Hồi giáo trên thế giới. Tuy nhiên, người Chăm theo đạo Hồi giáo Bàni và Hồi giáo Islam ở Việt Nam đã bản địa hóa và điều chỉnh để phù hợp với phong tục, tín ngưỡng và đời sống văn hóa của họ. Ramưwan là dịp để tưởng nhớ tổ tiên, thực hiện các nghi lễ tâm linh và chuẩn bị bước vào tháng chay tịnh Ramadan.

Trong suốt tháng chay tịnh, các tín đồ đạo Hồi sẽ kiêng ăn uống từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, đồng thời dành nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện, suy ngẫm về đạo lý và làm việc thiện.

Hiện trên toàn tỉnh Ninh Thuận, có 4 thánh đường Hồi giáo với khoảng 3.200 tín đồ, Tết Ramưwan là một trong những lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo Bàni và Hồi giáo Islam ở Việt Nam. Với bề dày lịch sử và bản sắc độc đáo, Tết Ramưwan trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người Chăm.

Tảo mộ là nghi lễ đầu tiên khi bước vào Tết Ramưwan. Trong trang phục truyền thống Chăm, từ sáng sớm, các gia đình người Chăm theo đạo Hồi đã chuẩn bị các lễ vật để đi tảo mộ mời ông bà về đón tết Ramưwan với gia đình.

Khi nghĩa trang của các dòng tộc được vệ sinh sạch sẽ, các chức sắc bắt đầu thực hiện nghi thức tẩy uế để người quá cố an lành trong năm mới. Dù có ở xa và công việc bận rộn đến mấy nhưng vào dịp Tết Ramưwan, người theo đạo Hồi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũng phải thu xếp trở về để kịp đi tảo mộ với người thân.

Sau khi tảo mộ xong, các gia đình sẽ tổ chức lễ cúng gia tiên tại nhà. Lễ cúng gia tiên không thể thiếu 5 loại bánh truyền thống của đồng bào Chăm, đó là: bánh Tét, bánh Ít, Nòn-ya, Pay-Chúk, bánh Thửng. Đây là những loại bánh được bà con chuẩn bị đầy đủ để cúng gia tiên và thết đãi khách quý đến nhà trong dịp Tết Ramưwan.

Lễ cúng gia tiên trong dịp Tết Ramưwan rất quan trọng và mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận. Đây là dịp để bà con tưởng nhớ ông bà tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm hạnh phúc, sức khỏe dồi dào.

Sau khi kết thúc lễ cúng gia tiên, người Chăm Hồi giáo Bàni và Hồi giáo Islam sẽ bắt đầu tháng tịnh chay, giữ mình trong sạch và cùng cầu mong một năm mới bình an và con cháu làm ăn phát đạt ở phương xa.