Đổi mới phát triển quy hoạch Hà Nội: Cần tầm nhìn xa

Thực trạng quy hoạch đô thị tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại đáng bàn, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội. Khi áp lực giao thông “đè nặng” lên hạ tầng, gần đây, vấn đề hạn chế xây cao ốc trong các quận trung tâm lại được đặt ra. Do đó, cần cải cách công nghệ và quy trình lập quy hoạch xây dựng đô thị theo hướng chuyển từ quy hoạch “tĩnh” sang quy hoạch “động”.

Quy hoạch và quản lý đô thị

Nhìn chung, có thể thấy, quy hoạch và quản lý đô thị ở nước ta vẫn còn bị ảnh hưởng của quán tính bao cấp, chủ yếu dựa vào các nguyên tắc thiết kế tĩnh, thiếu linh hoạt theo hướng thị trường. Trong khi đó, đô thị ngày càng khẳng định vai trò động lực then chốt trong nền kinh tế, do đó cần cải cách công nghệ và quy trình lập quy hoạch xây dựng đô thị theo hướng chuyển từ quy hoạch tĩnh sang quy hoạch động, với cách tiếp cận đa ngành mà Quy hoạch chiến lược là một ví dụ.

quy-hoach-2-1676980812.jpg
Ví dụ về bản đồ quy hoạch

Lực lượng quy hoạch hiện tại và tương lai còn quá mỏng

Lực lượng những người làm quy hoạch đô thị, kể cả Trung ương lẫn địa phương, xem ra còn quá mỏng so với khối lượng công việc. Có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ nhưng  xem ra còn quá ít những "con chim đầu đàn". Được nghe trình bày quy hoạch một số đô thị, cảm nhận chung là các đồ án quy hoạch đô thị do những nhóm, tổ công tác khác nhau, căn cứ vào yêu cầu của những địa phương để đưa ra những giải pháp cục bộ, biệt lập mà không cứu xét đến mối quan hệ vùng, trong một tương quan rộng lớn hơn mà thành phố có liên hệ.

Kiểu chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Các sinh viên ngành kiến trúc những con người làm quy hoạch tương lai cần tham khảo chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực quy hoạch và thiết kế đô thị, trong đó, nhất thiết phải  bao gồm các môn học về kinh tế đô thị, xã hội học đô thị (cả tâm lý học đô thị), môi trường - sinh thái và hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Cần phát triển đô thị theo chiều sâu, định hướng đô thị vệ tinh

Nhiều quốc gia trên thế giới đã tích lũy được kinh nghiệm bổ ích về quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch. Ở đây chỉ chọn lựa và giới thiệu tóm lược một số kinh nghiệm trong quản lý đất đai và mật độ đô thị tiên tiến thích hợp với quản lý đô thị nước ta hiện nay. Đất đai có vai trò quan trọng hàng đầu trong thực hiện quy hoạch đô thị, nhưng đất đô thị lại không được Luật Đất đai 2003 xem là một loại đất riêng biệt như đất nông nghiệp hay đất khu công nghiệp nên không được thống kê chính thức như khi còn Luật Đất đai 1993, lúc đó đất đô thị được quy thành một trong 6 loại đất (năm 1994 được thống kê là 63.000 ha, năm 2005 đã là 115.545 ha). Việc thiếu số liệu đất đai xác thực là một trở ngại cho việc nghiên cứu quá trình đô thị hóa Việt Nam.

quy-hoach-1-1676980812.jpg
Bản đồ quy hoạch

TP. Hà Nội đã quy hoạch được 5 khu đô thị vệ tinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Hoà Lạc) và hiện đang lập quy hoạch chi tiết tại từng khu đô thị. Để phát triển được các khu đô thị vệ tinh và các huyện ngoại thành, việc lớn nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng để kết nối nội đô và các khu đô thị vệ tinh, tuy ngân sách Thành phố gặp khó khăn nhưng lãnh đạo TP. Hà Nội xác định được tầm quan trọng của việc phát triển cơ sở hạ tầng.

Do vậy đến năm 2008, Hà Nội đã mở rộng địa giới lên 3344km2 và quy hoạch chung cho Thủ đô đến 2030 đã được nghiên cứu và Thủ tướng phê duyệt tại quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Qua đó, xác định cấu trúc chùm đô thị sau khi được Quốc hội, Bộ Chính trị thông qua, nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp và nhân dân góp ý, tư vấn, phản biện. Hà Nội đã có quy hoạch hợp lý song cần và quyết định là tổ chức thực hiện, xác định nguồn lực, xây dựng thể chế quản lý đồng bộ. Hà Nội đang triển khai đẩy mạnh xây dựng các đô thị vệ tinh, song cũng thấy rõ còn nhiều thách thức, nhất là nguồn lực thực hiện, cơ chế chính sách đặc thù. Hy vọng mô hình đô thị vệ tinh này sẽ trở thành hiện thực với quyết tâm từ quản lý, sự quan tâm của giới chuyên môn, đồng thuận của nhân dân và tranh thủ hội nhập.

Nam Lê