Còn nhiều bất cập
Trên tinh thần các chủ trương, chính sách chung, thời gian qua Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp hiệu quả trong việc thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ. Trong 10 năm gần đây, số lượng đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tốt nghiệp cả 3 cấp độ là 135.550 người, trong đó, cử nhân chiếm 86,33%, thạc sĩ chiếm 13,03% và tiến sĩ chiếm 0,64%. Đội ngũ trí thức này đã và đang góp phần rất lớn trong việc phát triển khoa học - công nghệ của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh các chính sách chung của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, với cơ chế tự chủ, các trường thành viên cũng đã chủ động trong việc thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao của đơn vị.
Dù đạt được nhiều kết quả, nhưng khó khăn lớn nhất của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và các đơn vị thành viên là chưa phát huy tối đa quyền tự chủ hoàn toàn toàn trong việc xây dựng và triển khai các chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, do bị chi phối bởi các Luật liên quan. Nhất là trong công tác tuyển dụng, đánh giá, khen thưởng chưa thực sự tạo động lực để phát huy hết tiềm năng và sàng lọc đội ngũ để đáp ứng nhu cầu xã hội ngày càng cao; hay chính sách liên quan đến kinh phí cũng còn khó khăn, bất cập. Thực tế đó đặt ra yêu cầu các chính sách mới cần đảm bảo môi trường tự chủ thật sự cho các trường đại học nói chung, để các đơn vị có những chính sách đột phá thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ.
Vướng mắc của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng là khó khăn chung ở nhiều đơn vị công lập khi triển khai thực hiện chính sách thu hút, đào tạo trí thức. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội khoa học và Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, điểm hạn chế lớn nhất là chính sách thu hút và đãi ngộ về vật chất, cơ chế khuyến khích, tạo động lực về tinh thần cho đội ngũ trí thức chưa tương xứng. Tiền lương cho đội ngũ này còn thấp, nhất là những người đang làm việc tại các trường đại học, học viện, trung tâm nghiên cứu; thiếu chính sách và tạo cơ chế thuận lợi cho trí thức chuyên tâm cống hiến. Các cơ chế và chính sách tài chính trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật còn nhiều bất cập gây khó khăn trong giải ngân.
“Mặt khác, chúng ta cũng chưa xây dựng được cơ chế tuyển chọn, bồi dưỡng đầu tư cho trí thức trẻ, không thu hút được người giỏi, nhiều người trẻ không chỉ rời khu vực công sang khu vực tư làm việc mà còn chuyển sang công việc khác để có thu nhập tốt hơn. Cơ chế tự chủ cũng chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với các ngành đào tạo chuyên sâu, các viện, trung tâm nghiên cứu. Bởi vì, không phải sản phẩm khoa học nào cũng dễ thương mại hóa, không phải lĩnh vực nghề nghiệp nào cũng hấp dẫn sinh viên nếu nhìn từ góc độ thu nhập sau khi ra trường, trong khi đó lại là những lĩnh vực không thể thiếu" - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước nhận định.
Cơ chế giao nhiệm vụ khoa học hiện nay cũng còn bất cập. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa đưa ra được các hành lang pháp lý bảo vệ nhà khoa học trước đặc tính rủi ro của hoạt động nghiên cứu; chưa cho phép các nhà khoa học linh hoạt trong sử dụng kinh phí trong khi các chi phí cho hoạt động thử nghiệm, thí nghiệm là không thể dự toán trước. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phải chịu áp lực lớn để hoàn thành các thủ tục về tài chính.
Cần có cơ chế đột phá
Trở về công tác tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh hơn 10 năm nay theo chính sách thu hút trí thức kiều bao, người Việt Nam ở nước ngoài, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Tới cho rằng, sự thành công của chính sách này là sự kết hợp giữa chính sách, cơ chế và con người. Người thực hiện cơ chế, chính sách ấy phải có tâm và tài, dám đi tìm những ý tưởng đột phá. Từ thành công của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong việc thực hiện các chính sách thu hút, đào tạo trí thức, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Tới cho rằng, các chính sách mới cần hướng tới việc trao quyền tự do học thuật cho các đơn vị, địa phương. Để làm được điều đó, Nhà nước có thể thành lập những “ốc đảo thử nghiệm” các chính sách mới trong thời gian tới.
“Các “ốc đảo” này được hưởng một cơ chế đặc biệt tạm gọi là “Phi Nghị định”, nó cho phép những người cộng tác làm những gì không xâm phạm đến an ninh quốc gia và làm những gì pháp luật không cấm, thay vì chỉ làm những gì Nghị định hay quy định cho phép. Những gì cho phép là những gì đã biết, đó là rào cản của sự đổi mới sáng tạo. Cơ chế linh hoạt, cởi mở này sẽ là chìa khóa của sự đổi mới, giúp thoát khỏi “tư duy lối mòn”. Chính sách thu hút trí thức kiều bào, người Việt Nam ở nước ngoài sẽ thành công hơn nếu kết hợp được cơ chế thông thoáng, quy định rõ ràng và nhất là có người thực hiện có tâm có tài” - Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Tới phân tích.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước cho rằng, phát triển đội ngũ trí thức đòi hỏi các giải pháp đồng bộ từ tạo môi trường làm việc tốt đến tạo thu nhập tốt cho đội ngũ này. Vì thế, bên cạnh tăng nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học, Nhà nước cần có giải pháp cải thiện điều kiện sống như có chính sách tăng lương, giảm bớt các thủ tục hành chính trong công tác tài chính, nâng định mức chi tiêu các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, khoán đến sản phẩm cuối cùng. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích và tạo điều kiện về cơ chế để các viện nghiên cứu, trường đại học tư thục thực hiện các giải pháp phát triển đội ngũ trí thức.
Cùng với đẩy mạnh quyền tự do học thuật, tự chủ của các đơn vị để đa dạng nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ, các chuyên gia cũng đề xuất đổi mới cơ chế đặt hàng nhiệm vụ. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, việc đặt hàng nhà nước cho đội ngũ trí thức cần phải có các chiến lược, chính sách, cơ chế thực sự mới, tạo đột phá. Định hướng đầu tư cần tập trung nguồn lực cho một số trí thức tinh hoa, thay vì số lượng, dàn trải. Song song có nhiều chính sách, cơ chế treo thưởng các giá trị lớn cho sự đóng góp cho xã hội và vì sự phát triển của đất nước.
Thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, số lượng cán bộ làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ còn thấp so với các nước trong khu vực, chỉ đạt khoảng 15,6 cán bộ nghiên cứu/vạn dân. Trong khi đó, nhiều năm qua, tỷ lệ sinh viên nhập học khối ngành khoa học, công nghệ thấp và có xu hướng giảm, phân bổ không đồng đều, dẫn đến nguy cơ khủng khoảng thiếu - thừa nhân lực trong lĩnh vực này. Thực tế này đòi hỏi trong các chính sách mới cần có sự đột phá hơn nữa để đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học - công nghệ, bởi đây là động lực trong quá trình phát triển đất nước.