Độc đáo phong tục các nước Á Đông trong tháng cô hồn

Trong tục lệ của người dân Việt Nam, tháng 7 âm lịch được gọi là "tháng cô hồn". Quan niệm này đã lưu truyền qua hàng nghìn thế hệ. Không chỉ Việt Nam, mà các nước châu Á khác như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia... cũng có nhiều phong tục độc đáo trong tháng cô hồn.

Trung Quốc

Ngày 15/7 âm lịch là ngày quan trọng nhất trong tháng cô hồn ở Trung Hoa. Người Trung Quốc quan niệm rằng vào ngày này, cổng địa ngục sẽ mở, tất cả các bóng ma lên trần gian để kiếm cơm và vui chơi dưới ánh trăng rằm. Vì thế, trong ngày 15/7 âm lịch, người dân chuẩn bị cơm cúng, đốt mã gồm tiền, quần áo... cho tổ tiên và những những vong hồn vất vưởng khác. Vào ngày cuối cùng của tháng 7, người Trung Quốc sẽ thả đèn lồng xuống các con sông như để dẫn đường cho hồn ma trở về cõi âm.

thang-co-hon-a-dong1-1660963230.jpg
Người Trung Quốc sẽ thả đèn lồng xuống sông để dẫn đường cho các hồn ma (Ảnh: China Today). 

Nhật Bản

Trong ba ngày của tháng 8 dương lịch hàng năm là Lễ hội Obon của người Nhật. Người ta tin rằng vào dịp này, linh hồn của tổ tiên trở lại trần thế để thăm người thân của họ. Trong những ngày lễ, người Nhật sẽ đến thăm các ngôi mộ và trang trí mộ người thân với các loại bánh trái và lồng đèn, cúng những món ăn chay. Họ mặc bộ yukata truyền thống và cùng nhau tham gia Lễ dâng lửa Obon, được tiến hành khi 5 dải lửa được đốt lên ở 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng một giờ.

thang-co-hon-a-dong2-1660963230.jpg
Lễ hội Obon là ngày lễ rất nổi tiếng của Nhật Bản vào tháng 8 dương lịch

Hàn Quốc

Phong tục cúng cô hồn ở Hàn Quốc còn gọi là Ngày lễ rửa liềm. Theo truyền thống, người Hàn Quốc gọi ngày rằm tháng 7 là Bách Trung (Baekjung) hay Bách Chủng (Baekjong), tức là 100 chủng loại hạt ngũ cốc, vì đây là thời điểm có nhiều loại rau củ quả có thể thu hoạch trong năm. Vào ngày Bách chủng Rằm tháng 7 âm lịch, mọi công việc đồng áng đã hoàn thiện, người nông dân không cần sử dụng đến cái liềm nữa, nên đây gọi là “Ngày lễ rửa liềm”. Người dân sẽ tổ chức diễu hành trong trang phục Hanbok truyền thống, tay cầm gậy, đeo mặt nạ nhằm xua đuổi tà thần và cầu xin một vụ mùa mới may mắn không bị cô hồn quấy phá.

thang-co-hon-a-dong3-1660963230.jpg
Phong tục cúng cô hồn ở Hàn Quốc còn gọi là Ngày lễ rửa liềm, mừng mùa gặt kết thúc

Singapore

Lễ cô hồn ở Singapore cũng rơi vào tháng 7 âm lịch. Ở đây, người dân cũng thắp hương cúng tổ tiên, đốt vàng mã cho vong linh. Ngoài ra, người Singapore đến xem những buổi diễn kịch được tổ chức ở sân khấu ngoài trời. Ở đó, hàng ghế đầu được để trống để dành riêng cho các hồn ma. Ngày nay, những màn biểu diễn ngoài trời còn có sự tham gia của các ca sĩ.

thang-co-hon-a-dong-sing-1660963560.jpg
Các buổi diễn ngoài trời của người Singapore luôn dành hàng ghế đầu cho các hồn ma (Ảnh: The Straits Times)

Thái Lan

Thái Lan có một lễ hội ma xó hay còn gọi là Phi Ta Khon được tổ chức trong 3 ngày của tháng 6 hàng năm tại huyện Dan Sai ở tỉnh Loei, vốn để tôn vinh sự trở lại của Phật - Hoàng tử Vessandorn. Theo niềm tin địa phương, khi người dân ăn mừng lễ hội này quá lớn nên đã đánh thức những hồn ma. Người tham gia lễ hội thường mặc trang phục như ma quỷ và đeo mặt nạ và những thanh niên lễ hội sẽ múa và biểu diễn các động tác chiến đấu với các hồn ma. Lễ hội Phi Ta Khon rực rỡ sắc màu thường thu hút đông đảo khách du lịch đến đây mỗi năm.

thang-co-hon-a-dong5-1660963230.jpg
Lễ hội ma xó Phi Ta Khon của Thái Lan

Malaysia

Malaysia cũng có những phong tục trong tháng cô hồn gần giống với người Trung Quốc như thả đèn tiễn vong linh, dâng cúng các vật phẩm, đốt vàng mã... Các tín đồ đạo Phật cũng đến những ngôi đền ở Malaysia để cầu nguyện cho các vong linh và đốt hình nộm của thần bảo hộ các linh hồn cuối tháng lễ. Người dân Malaysia thường để các vật cúng lễ bên đường vì tin rằng những hồn ma vất vưởng có thể lấy những thứ đồ đó trên đường đi.

thang-co-hon-a-dong4-1660963230.jpg
Người dân Malaysia thường để các vật cúng lễ bên đường cho những hồn ma vất vưởng


Bích Liên