Tuy nhiên, tại Việt Nam, quy mô và tỉ lệ sinh viên đại học các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực STEM tương đối thấp so với các nước khác. Do đó, cần có chiến lược đầu tư trọng tâm, trọng điểm, chính sách hỗ trợ các trường đại học đào tạo nhân lực trình độ cao các lĩnh vực STEM làm nền tảng cho sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.
Thiếu hụt nhân lực STEM trình độ cao
Nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được đánh giá là yếu tố cạnh tranh cốt lõi giữa các quốc gia, một đột phá chiến lược để phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức, kinh tế số gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhưng thực tế cho thấy, quy mô và tỉ lệ sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM ở Việt Nam thấp hơn so với một số nước trong khu vực và châu Âu, đặc biệt thấp ở các ngành Khoa học và Toán học. Tính theo tỉ lệ dân số, số sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM của Việt Nam chỉ đạt khoảng 55 sinh viên/vạn dân. Số sinh viên theo học các lĩnh vực STEM tính trên tổng số sinh viên đại học của Việt Nam trong những năm gần đây dao động từ 27% - 30% và năm 2021 đạt khoảng 28,7%, xấp xỉ Israel và mức trung bình trong khối Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực và châu Âu như: Singapore (46%), Malaysia (50%), Hàn Quốc (35%), Phần Lan (36%), Đức (39%).
Riêng đối với các ngành Khoa học Tự nhiên và Toán học, tỉ lệ sinh viên theo học ở Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 1,5%, bằng 1/3 so với Phần Lan, 1/4 so với Hàn Quốc và 1/5 so với Singapore và Đức.
Bên cạnh đó, quy mô đào tạo sau đại học các lĩnh vực STEM của nước ta rất nhỏ so với các nước phát triển và chiếm tỉ trọng rất thấp trong tổng quy mô đào tạo các trình độ thuộc lĩnh vực STEM cũng như tổng quy mô đào tạo của tất cả các lĩnh vực.
Theo số liệu thống kê năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số người học sau đại học thuộc các lĩnh vực STEM tính trên một vạn dân của Việt Nam đạt 2,2 người, chỉ xấp xỉ bằng 1/7 so với Hàn Quốc và Israel, chưa bằng 1/10 so với Singapore, 1/15 so với mức trung bình khối Liên minh Châu Âu và 1/20 so với Đức và Phần Lan. Tính trên tổng quy mô đào tạo các trình độ của các ngành thuộc lĩnh vực STEM, quy mô đào tạo sau đại học năm 2021 chỉ chiếm tỉ trọng xấp xỉ 3,6%, thấp hơn mức trung bình chung 5,6% tính theo tất cả lĩnh vực. Trong khi đó, tỉ trọng đào tạo sau đại học các ngành thuộc các lĩnh vực STEM ở Hàn Quốc là 9,4%, Israel là 16,3%, Phần Lan là 27,8%, Đức là 34,4% và mức trung bình khối Liên minh châu Âu là 33,7%.
Đặc biệt, lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin luôn được coi là một trong những lĩnh vực then chốt để phát triển công nghệ cao và là một lĩnh vực Việt Nam có lợi thế, có tỉ lệ sinh viên học đại học nằm ở vị trí cao nhất và bỏ xa các lĩnh vực STEM khác, nhưng lại có tỉ lệ nghiên cứu sinh đứng ở vị trí thấp nhất.
Theo phân tích của nhóm chuyên gia Trường Đại học Thái Nguyên, Việt Nam cần có lộ trình tăng tỉ lệ sinh viên theo học ngành STEM lên khoảng 60% để đào tạo nguồn tài năng làm xúc tác cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần làm tốt hơn việc định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh phổ thông và có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút sinh viên theo học các ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực STEM trong thời gian tới.
Tiến sĩ Trịnh Quang Khải, Trường Đại học Giao thông vận tải cũng chỉ rõ một thực tế, những năm qua, tỉ lệ đầu tư của nhà nước cho Khoa học Công nghệ không tăng (khoảng 3,7%) và chưa thể so sánh với các nước trong khu vực (từ 5-10%). Chính sách của nhà nước trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ cũng chưa đưa ra được nhiều ưu đãi để thúc đẩy khoa học công nghệ trong trường đại học phát triển. Vì vậy, để thực sự giải quyết vấn đề này trong khi nguồn lực của quốc gia còn hạn chế, việc quan trọng là phải huy động được các nguồn lực khác của xã hội chung tay trong việc hình thành nên thị trường khoa học công nghệ, tạo sân chơi, động lực phát triển cho nhà khoa học Việt Nam.
Nỗ lực đổi mới chương trình, xây dựng chính sách thu hút người học
Nhận thức rõ thực trạng của giáo dục đại học cũng như chất lượng đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực STEM tại Việt Nam hiện nay, nhiều trường đại học đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để đổi mới chương trình đào tạo nhằm thu hút sinh viên, đồng thời, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và xu thế hội nhập toàn cầu.
Giải pháp của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) là cấu trúc chương trình đào tạo theo đặc trưng STEM và quốc tế, gia tăng thời lượng thực hành, thực tập, thí nghiệm, đồ án, thực hành tại doanh nghiệp và thực hiện đề tài tốt nghiệp theo hướng thực tiễn, tăng Chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, gia tăng quốc tế hóa thông qua gia tăng giảng viên nước ngoài giảng dạy trực tiếp tại nhà trường, trao đổi giảng viên và sinh viên quốc tế; kiểm định chất lượng đào tạo theo các chuẩn kiểm định quốc tế và tham gia xếp hạng quốc tế. Trường đã và đang vận hành 22 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, 8 chương trình Kỹ sư Chất lượng cao Việt – Pháp, 2 chương trình đào tạo định hướng Nhật Bản. Tính đến tháng 8/2023, toàn bộ các chương trình này đã được kiểm định theo các chuẩn kiểm định quốc tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng chia sẻ: Để xây dựng được các chương trình đào tạo phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước, hướng tới thị trường lao động quốc tế, Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng đề án phát triển chương trình đào tạo tinh hoa (được gọi là chương trình đào tạo ELITECH – Elite Technology Program). Sinh viên tốt nghiệp các chương trình này sẽ trở thành nhà nghiên cứu, phát triển kỹ thuật, kỹ sư, chuyên gia, nhà quản lý giỏi trong ngành kỹ thuật và công nghệ cốt lõi.
Các chương trình được thiết kế hướng người học vào những lĩnh vực công nghiệp cụ thể, đáp ứng năng lực tốt nhất vị trí việc làm trong doanh nghiệp. Các môn học trong chương trình đào tạo có sự kết hợp giảng dạy của giảng viên nước ngoài, chuyên gia hàng đầu từ doanh nghiệp, tăng cường hoạt động trải nghiệm, triển khai dự án, giải quyết vấn đề kỹ thuật đặt ra từ thực tế doanh nghiệp.
Đến năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai 32 chương trình đào tạo ELITECH, trong đó có 19 chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh, 2 chương trình theo chuẩn kỹ sư chất lượng cao của Pháp, 7 chương trình hợp tác quốc tế với các trường đại học của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Australia, Đức, Nhật Bản và 4 chương trình đào tạo tài năng. Số lượng sinh viên tham gia các chương trình ELITECH lên đến 2.200 sinh viên/năm, chiếm 30% số lượng sinh viên tuyển sinh hàng năm, thu hút nhiều sinh viên quốc tế tham gia.
Sinh viên tốt nghiệp hàng năm đã đóng góp vào nguồn nhân lực chất lượng cao, làm việc trong những lĩnh vực công nghệ hàng đầu trong nước và quốc tế. Kết quả đào tạo các chương trình ELITECH cho thấy, sinh viên tốt nghiệp đã được trang bị tốt kiến thức, kỹ năng, năng lực để tự tin tham gia thị trường lao động với những vị trí việc làm yêu cầu cao, đòi hỏi khắt khe, thay đổi nhanh về kỹ thuật, công nghệ.
Nhấn mạnh vai trò điều tiết của Nhà nước trong phân bổ chỉ tiêu, đầu tư cho các ngành đào tạo cần thiết hướng tới tương lai nhưng chưa thu hút được sinh viên ở thời điểm hiện tại, Tiến sĩ Trịnh Quang Khải (Trường Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng: Nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như một đột phá chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là vấn đề đã được khẳng định về mặt tư duy, triết lý phát triển. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, một số trường kĩ thuật, một số ngành kĩ thuật cần thiết cho sự phát triển của đất nước như xây dựng, giao thông, vật liệu, công nghệ, điện, cơ khí còn nhu cầu nhân lực rất lớn nhưng rất khó tuyển sinh. Đồng thời, do cơ chế thu nhập của giảng viên phụ thuộc vào lượng tuyển sinh dẫn đến xu hướng thu nhận tối đa các học sinh có chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu vào học những ngành này nên chất lượng đầu ra của sinh viên các ngành kĩ thuật, kể cả ở một số ngành đủ về số lượng vẫn thiếu về chất lượng.
Theo Tiến sĩ Trịnh Quang Khải, xu thế giảm rất nhanh và sâu số lượng sinh viên của khối ngành số V (Toán và Thống kê, Máy tính và Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và Chế biến, Kiến trúc và Xây dựng, Nông lâm và Thủy sản, Thú y) cũng cho thấy thiếu điều tiết của Nhà nước khi để các cơ sở giáo dục đại học tự chống chọi với lựa chọn của nền kinh tế thị trường. Do vậy, để xây dựng được trụ cột cho sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trong giai đoạn 4.0, việc quy hoạch đồng bộ hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cả về số lượng, chất lượng cần được giải quyết thông qua các giải pháp điều tiết của Chính phủ.